Chiều 27-9, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo rà soát số giáo viên phải trả lại tiền phụ cấp ưu đãi, đồng thời xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giải quyết vấn đề này.
Phập phồng vì “nợ” phụ cấp ưu đãi
Theo vị này, đầu năm học 2024 – 2025, nhiều địa phương tỉnh Đắk Lắk yêu cầu truy thu tiền phụ cấp ưu đãi đối với hàng loạt giáo viên vì dạy ở những nơi không còn thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa theo quy định tại quyết định số 861 ngày 4-6-2021 của Thủ tướng.
Những giáo viên bỗng thành “con nợ” là vì theo quyết định định 861, những nơi họ dạy trước đây là “miền núi, hải đảo”, nhưng từ tháng 6-2021 không còn là “vùng 3” nữa.
Có những giáo viên đã nhận phụ cấp ưu đãi từ giữa năm 2021 nay buộc phải trả lại, lo lắng chưa biết lấy tiền từ đâu trong khi đồng lương eo hẹp.
Cô Trần Thị Thơm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Ea K’pam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), cho hay ở xã của cô có những giáo viên bị truy thu từ 30 đến 80 triệu đồng.
“Nếu truy thu trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng không ít đến đời sống cũng như việc dạy học của đội ngũ giáo viên.
Chúng tôi bỗng thành con nợ nên vừa đi dạy vừa lo trả nợ từ đồng lương”, cô Thơm giãi bày.
Theo cô Thơm, nhiều giáo viên rất sốc vì UBND huyện có văn bản truy thu số tiền chi vượt trong 38 tháng (từ tháng 6-2021 đến tháng 8-2024).
Như vậy, số tiền mỗi giáo viên “nợ” huyện lên đến hàng chục triệu đồng.
Tương tự, cô P.T.T., giáo viên tiểu học ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), cho biết huyện cũng có văn bản yêu cầu thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi, thời hạn hơn 1 năm. Mỗi tháng, cô sẽ bị truy thu hơn 2,6 triệu đồng.
“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo chính sách, quy định của pháp luật, nhưng mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giãn thời gian truy thu bằng thời gian mà giáo viên đã nhận được khoản tiền phụ cấp ưu đãi để giáo viên yên tâm công tác và ổn định cuộc sống”, cô T. đề xuất.
Thu thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống giáo viên?
Nói về vấn đề này, ông Lê Ngọc Vinh – phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk – cho biết theo quyết định 861, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 54 xã khu vực III (hay còn gọi là xã đặc biệt khó khăn), 71 xã khu vực II và 5 xã khu vực I.
Theo đó, có 54 xã đã không còn thuộc “vùng đặc biệt khó khăn nữa”.
Cũng theo ông Vinh, ngay sau khi quyết định 861 có hiệu lực pháp luật, tỉnh đã triển khai đến huyện, xã, thôn, buôn. “Không rõ sao mà một số địa phương vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên chưa đúng quy định, dẫn đến giờ phải thu hồi”, ông Vinh nói.
Ông Võ Văn Cảnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – cho biết hiện nay UBND tỉnh đang xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các bộ ngành Trung ương về vấn đề truy thu phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên.
“Về phương án thu hồi, UBND tỉnh sẽ tính toán cẩn thận. Về mặt pháp luật là phải thu nhưng thu như thế nào thì cũng phải quan tâm đến đời sống của giáo viên. Khi nào có kết luận sẽ thông tin đầy đủ”, ông Cảnh nói.
Một thị xã chi vượt 5,6 tỉ đồng phụ cấp ưu đãi
Trước đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ tháng 6-2021 đến tháng 7-2024 không đúng hướng dẫn.
Chỉ tính riêng tại thị xã Buôn Hồ, việc chi trả sai tới hơn 5,6 tỉ đồng.
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương tiến hành thanh tra chuyên đề về chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo thời kỳ 2021 – 2024 để có hướng tham mưu xử lý.
Ngoài thị xã Buôn Hồ, một số huyện như Krông Pắk, M’Đrắk, Cư M’gar, Krông Năng cũng yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tạm dừng chi trả phụ cấp ưu đãi.
Qua đó rà soát những xã không còn thuộc “vùng 3” từ tháng 6-2021 đến tháng 8-2024 thì tổ chức truy thu tiền phụ cấp ưu đãi đã chi sai.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!