Quảng NamGiữa tháng 5, Kim phương, 30 tuổi ở Đà Nẵng, cùng nhóm bạn đến ghềnh đá ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành cắm trại và trải nghiệm thiên nhiên.
Ghềnh đá Bàn Than nằm ở phía đông bắc xã đảo Tam Hải, có hình dạng mặt bàn, nổi bật là những vách đá sắc đen như than, di tích còn lại của thềm biển cổ.

Ghềnh đá Bàn Than nhìn từ trên cao. Ảnh: NVCC
Theo các nhà khoa học đá ở Bàn Than có màu đen như đá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, nhưng không phải là đá núi lửa mà là đá gốc hơn 400 triệu năm tuổi, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua các đợt kiến tạo địa chất. Nơi đây sở hữu hệ địa chất đa dạng và độc đáo, tiêu biểu cho quá trình tiến hóa của vỏ Trái Đất, liên quan đến sự hình thành và tách giãn Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Kim Phương đến ghềnh đá Bàn Than kể từ khi biết đến qua các clip trên mạng xã hội. Du khách Đà Nẵng cho biết địa điểm vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, thích hợp để thư giãn cuối tuần.
Ghềnh dài hai km, cao khoảng 40 m từ mặt biển, uốn quanh ngọn núi dọc bờ biển, nước trong xanh. Điểm đến này còn hoang sơ và không phí tham quan. Để có trải nghiệm trọn vẹn, nhóm của chị Phương đến đảo từ buổi trưa bằng xe máy và đi phà qua đảo. Cả nhóm nghỉ ngơi tại hàng quán địa phương chờ nắng dịu mới di chuyển ra ghềnh đá. Họ chọn một khu vực bằng phẳng gần đường mòn để dựng trại, thuận tiện cho việc di chuyển và chụp ảnh.
Ghềnh đá có nhiều mỏm hình thù độc đáo trông xa như những con cá mặt quỷ, cá voi, thủy quái dạt vào bờ. Bởi vậy, Bàn Than được mệnh danh là bức tranh thiên tạo. Trên nền xanh của nước biển nổi lên những vách đá sắc đen như than với những vân, đường nét kỳ lạ, bãi đá chông chênh phía dưới bọc lớp rêu thẫm màu, tạo nên những góc “sống ảo” thu hút người yêu nhiếp ảnh. Tuy nhiên, địa hình ở đây có nhiều đoạn dốc đứng, rêu phủ trơn trượt, du khách cần cẩn thận khi di chuyển và chụp hình.
Buổi chiều, một số thành viên trong nhóm chọn lặn ngắm san hô dưới sự hướng dẫn của ngư dân địa phương. Hệ sinh thái tại Bàn Than rộng hơn 90 ha với khoảng 100 loài san hô, 168 loài cá như cá mú, cá hồng, cùng tôm hùm, rong biển và nhiều loài ốc. Những người còn lại dạo chơi quanh làng chài Thuận An yên bình bên cạnh ghềnh đá, với rặng dừa, bãi cát mịn và làn sóng êm.
Du lịch tại xã đảo Tam Hải hiện vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Vì vậy, nhóm Phương phải tự chuẩn bị lều trại và các vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Theo du khách Đà Nẵng, người dân trên đảo hiền hòa, thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ và chỉ đường cho du khách lần đầu đặt chân đến đây.
Buổi tối, khi bóng đêm bao phủ chỉ còn tiếng sóng vỗ ghềnh và ánh đèn đánh cá xa xa ngoài khơi. Cả nhóm ăn tối đơn giản, trò chuyện rồi ngủ sớm để sáng hôm sau dậy đón bình minh.
Sáng hôm sau, mọi người dậy sớm pha cà phê, chuẩn bị bữa sáng nhẹ. Bình minh lên từ đường chân trời, nhuộm cả mặt biển một màu hồng cam rực rỡ, từng con sóng lấp lánh như dát vàng trong nắng sớm. “Một cảm giác thư giãn, yên bình cảm giác như mình đang tách khỏi nhịp sống thường ngày”, Phương nói. Đến khoảng 9h, họ thu dọn lều trại, vệ sinh khu cắm trại và kết thúc chuyến đi hai ngày một đêm.
Xã đảo Tam Hải nằm biệt lập giữa vùng biển rộng lớn, bốn bề là sóng nước mênh mông. Để tiếp cận ghềnh đá Bàn Than, du khách có thể lựa chọn nhiều cung đường di chuyển.

Kim Phương check in tại ghềnh Bàn Than hôm 10/5. Ảnh: NVCC
Từ Đà Nẵng, có thể chạy xe theo quốc lộ 1A về hướng nam, đến TP Tam Kỳ, Quảng Nam rồi rẽ trái theo lối dẫn ra bãi biển Tam Thanh. Tiếp tục di chuyển đến bến phà Tam Tiến, du khách thuê đò để sang xã đảo Tam Hải, nơi có ghềnh đá nổi bật ven biển.
Du khách xuất phát từ Tam Kỳ là đi thẳng xuống huyện Núi Thành, rẽ trái đến cảng Hải Kỳ, sau đó chạy tiếp đến bến phà Tam Quang. Tại đây, du khách có thể qua phà để đến đảo Tam Hải. Cả hai tuyến đường đều thuận tiện, quãng đường không quá dài và cảnh quan hai bên khá đẹp, phù hợp cho hành trình phượt bằng xe máy.
Tuấn Anh
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!