Công ty cổ phần Bột giặt LIX (Lixco, HoSE: LIX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4-2024.
Doanh thu thuần từ thị trường nội địa lớn gần gấp 5 lần từ nước ngoài
Theo báo cáo, công ty ghi nhận doanh thu thuần quý cuối năm 2024 đạt hơn 703 tỉ đồng.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cũng giảm và lãi tài chính cùng lợi nhuận khác tăng.
Công ty báo lãi trước thuế quý 4-2024 tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 62 tỉ đồng. Kết quả này khá sát với kế hoạch được ban lãnh đạo công ty điều chỉnh gần đây.
Cụ thể, hồi đầu tháng 11-2024, ban lãnh đạo Lixco thông qua kế hoạch kinh doanh quý 4-2024 với mục tiêu doanh thu thuần 682 tỉ đồng và lãi trước thuế 61 tỉ đồng.
Lũy kế cả năm, công ty đạt doanh thu thuần 2.876 tỉ đồng (cao hơn kế hoạch năm 4 tỉ đồng) và lợi nhuận trước thuế 256,5 tỉ đồng (vượt kế hoạch gần 7%).
Xét theo khu vực, thị trường nội địa đóng góp 2.467 tỉ đồng doanh thu thuần cho Lixco trong khi các thị trường nước ngoài mang về hơn 409 tỉ đồng.
Tiền thân của Lixco là Công ty Kỹ nghệ hóa phẩm Huân Huân, một công ty tư nhân được thiết kế theo công nghệ của Ý thành lập năm 1972.
Sau quá trình chuyển đổi, đến năm 1978, nhà máy của đơn vị được sáp nhập vào nhà máy bột giặt Viso.
Đến nay, Lixco chuyên sản xuất các chất tẩy rửa tổng hợp và mỹ phẩm như bột giặt, nước rửa chén, nước giặt, nước tẩy javel… công suất khoảng 450.000 tấn mỗi năm tại ba nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương và Bắc Ninh.
Công ty được cổ phần hóa từ năm 2003, trước khi mua lại nhà máy sản xuất bột giặt từ Công ty liên doanh Unilever Việt Nam.
Hiện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu 51% vốn Lixco.
Thương hiệu nội địa chưa có chỗ đứng vững chắc?
Theo NETCO, một doanh nghiệp cùng ngành hóa mỹ phẩm tương tự Lixco, thị trường bột giặt và chất tẩy rửa trong những năm gần đây chưa bao giờ hạ nhiệt về mức độ cạnh tranh.
Các thương hiệu nội địa chưa có chỗ đứng vững chắc, vừa phải cạnh tranh lẫn nhau vừa phải cạnh tranh với các thương hiệu ngoại. Những đối thủ này có bề dày kinh nghiệm chinh chiến ở các thị trường đa quốc gia, tiềm lực tài chính mạnh, chiến lược quảng cáo rộng khắp và có thể tạo khuyến mại lớn.
Tại Việt Nam, bột giặt là mặt hàng có thị trường rộng lớn, phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Do đó, các thương hiệu bột giặt Việt Nam và nước ngoài đều bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Những “ông lớn” trong ngành đến từ các công ty đa quốc gia luôn có nguồn tài chính dồi dào và chiến lược marketing bài bản, sẵn sàng “đè bẹp” đối thủ. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp Việt nằm ở sự thấu hiểu thị trường và tâm lý người tiêu dùng trong nước.
Họ không ngừng đổi mới, tạo ra sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng để giữ thị phần trên chính thị trường nội địa.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!