Như Tuổi Trẻ Online thông tin, những ngày qua làn sóng bỏ phố về quê của người lao động được đề cập nhiều và tiếp tục khơi lên nhiều ý kiến của bạn đọc.
Cũng như bao người con xa quê khác, chọn TP.HCM là nơi lập nghiệp, bạn đọc Trần Thị Phương cho rằng dù rất cảm ơn mảnh đất cưu mang mình và cho mình nhiều cơ hội, nhưng “vẫn mang trong mình một giấc mơ bỏ phố về quê'”.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc này gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Mơ về mảnh đất nhỏ bên bìa rừng
Hơn 15 năm rời quê lên TP.HCM học tập và lập nghiệp, tôi luôn mang trong mình giấc mơ trở về quê hương, về lại nơi có cánh rừng bạt ngàn, không khí trong lành và những buổi chiều bình yên bên gia đình.
Dù vậy, vì những mục tiêu và trách nhiệm hiện tại, tôi dự định sẽ chờ đến khi ngoài 50 tuổi, lúc đã đủ vững vàng về tài chính và kinh nghiệm sống, sẽ hoàn thành giấc mơ quay về và sống cuộc đời thường gắn bó với mảnh đất quê nhà.
Tôi vẫn đang để dành, từng chút một, để một ngày có thể mua cho mình mảnh đất nhỏ ở bìa rừng.
Một nơi để mỗi sớm mai thức dậy có thể nhìn thấy trời xanh, ngửi thấy mùi bùn non và chiều tối được sum vầy bên gia đình, hạnh phúc trong cảm xúc ấm áp của tình thân.
Đó là đích đến, là giấc mơ mà tôi đã ấp ủ từ lâu, chỉ là hiện tại tôi vẫn chọn ở lại thành phố, nơi tôi biết mình còn nhiều điều cần cố gắng.
Với tôi, giấc mơ về quê không phải là sự từ bỏ, mà là mong muốn sống trọn vẹn hơn, hòa mình với thiên nhiên và an yên trong lòng người thân. Và cho đến khi tôi thực sự trở về, giấc mơ ấy sẽ luôn là động lực để tôi nỗ lực và phấn đấu từng ngày nơi phố thị.
Ban ngày tôi làm việc ở công ty truyền thông, tối dạy ở trung tâm luyện thi và hay nói với các bạn học trò rằng dù đi đâu, các bạn cũng nên nhớ cội nguồn, dù mình làm nghề gì thì cũng cần có trái tim yêu quê hương.
Kế hoạch đóng góp cho quê hương
Để có chút vốn liếng về quê, trước tiên, tôi tập trung xây dựng nền tảng tài chính vững chắc từ công việc hiện tại.
Thu nhập của tôi ở TP.HCM là nguồn lực quan trọng để tích lũy dần dần và tôi luôn có kế hoạch tiết kiệm nghiêm ngặt, mỗi tháng để dành 20% thu nhập vào quỹ tiết kiệm cho giấc mơ về quê.
Đồng thời, tôi học thêm kiến thức về đầu tư và tiết kiệm để đồng tiền mình tích lũy có thể sinh lời. Đây là bước đầu trong việc tạo dựng nền móng tài chính tự do, giúp tôi có vốn để thực hiện kế hoạch mua đất ở quê nhà.
Mong muốn trở về, tôi nghĩ không phải đơn thuần để tìm kiếm cuộc sống bình yên, mà còn đóng góp vào sự phát triển của quê hương mình.
Tôi đã luôn tích lũy kiến thức nông nghiệp đã học, áp dụng vào trồng trọt và chăn nuôi để tự cung tự cấp và bắt đầu tạo dựng mô hình kinh tế nhỏ từ nông sản.
Những kỹ năng và kinh nghiệm từ cuộc sống đô thị cũng sẽ giúp tôi lập kế hoạch chi tiết vào quản lý cuộc sống ở quê bài bản và khoa học hơn.
Thiết nghĩ, nông thôn hiện nay đang rất cần nhiệt huyết xây dựng và kiến thức mới, tôi mong muốn dùng những kinh nghiệm từ cuộc sống thành thị cũng như kiến thức công nghệ học được, sẽ giúp cuộc sống cải thiện nhiều hơn, tăng thu nhập và giữ cho mọi điều luôn gần gũi, yên bình.
Đó là đích đến, cũng là hành trình trải nghiệm hạnh phúc của tôi!
Đã về quê rồi sẽ rất khó quay trở lại
Bố mẹ tôi từ miền Bắc vào làm kinh tế mới từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và sinh tôi ở một làng nhỏ thuộc biên giới Tây Nam tổ quốc.
Ở mảnh đất từng được ví là nơi “rừng thiêng, nước độc” với bao vất vả gian truân và là dân nhập cư nên từ nhỏ tôi luôn được người lớn khuyên: “Con phải cố gắng học hành chăm chỉ, để lớn lên đi thành phố học, có công việc tốt, có tương lai tươi sáng”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chọn ở lại TP.HCM vì tìm được công việc khá tốt. Và chính mảnh đất nghĩa tình Sài Gòn – TP.HCM đã cưu mang, cho tôi nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, những năm tháng bôn ba nơi đô thị, giữa nhịp sống sôi động, tôi vẫn mang trong mình một giấc mơ “bỏ phố về quê”.
Nhưng lúc này chưa phải thời điểm phù hợp để quay về.
Tôi đang chuẩn bị, từng chút một, với kế hoạch từng bước và cam kết vững chắc. Tôi luôn cân nhắc thật kỹ, không chạy theo phong trào thấy người ta bỏ phố về quê rồi ùa về. Đã về rồi sẽ rất khó quay trở lại.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!