Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
14 lượt xem

Biển người Ấn Độ đổ về tắm sông thiêng

Biển người Ấn Độ đổ về tắm sông thiêng - Ảnh 1.

Biển người tụ tập tại Sangam, nơi hợp lưu của sông Hằng, sông Yamuna và sông Saraswati linh thiêng để tham dự lễ hội Maha Kumbh Mela 2025 ngày 13-1 – Ảnh: AFP

Maha Kumbh Mela 2025 – lễ hội tôn giáo và văn hóa lớn nhất thế giới – đã chính thức khai mạc vào ngày 13-1 tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.

Video biển người hành hương tắm sông thiêng tại Ấn Độ – Nguồn: AFP

Lễ hội linh thiêng Kumbh Mela được tổ chức 3 năm một lần. Maha Kumbh Mela thu hút số lượng tín đồ lớn nhất và được cho là mang lại cho người tham gia những lợi ích về tinh thần. Họ cảm thấy như được xá tội và cứu rỗi khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Và cứ mỗi 12 năm, như dịp năm nay, lễ hội Kumbh Mela lại có thêm cụm “Maha” – nghĩa là vĩ đại – ở trước, đánh dấu một dịp lễ Kumbh Mela lớn hơn bình thường. Vì vậy, dịp Kumbh Mela năm nay gọi là Maha Kumbh Mela.

Ngay trong sáng ngày đầu tiên, khoảng 6 triệu người hành hương đã bắt đầu nghi thức tắm trước khi Mặt trời mọc ở bờ sông Sangam – nơi giao thoa giữa sông Hằng, sông Yamuna và sông Saraswati huyền thoại.

Con số 6 triệu người trên báo hiệu trong 45 ngày diễn ra lễ hội, lượng tín đồ theo đạo Hindu tham gia Maha Kumbh Mela 2025 có thể đạt mức kỷ lục, thậm chí còn có thể vượt dự kiến ban đầu của chính quyền bang Uttar Pradesh. 

Hãng AFP gọi đây là cuộc tụ họp lớn nhất thế giới của nhân loại.

“Tôi cảm thấy một niềm vui khôn tả. Đối với tôi, điều này như tắm trong mật hoa vậy”, một người tham dự tên Surmila Devi (45 tuổi) nói với AFP.

Biển người Ấn Độ đổ về tắm sông thiêng - Ảnh 2.

Tín đồ đạo Hindu tham gia lễ hội Maha Kumbh Mela ở Prayagraj hôm 12-1 – Ảnh: AFP

Trong khi đó, nữ doanh nhân Reena Rai (38 tuổi) đã đi khoảng 1.000km từ bang Madhya Pradesh đến để tham gia, cho biết đây là một dịp không thể bỏ qua đối với các tín đồ đạo Hindu.

Nhiều tu sĩ mặc áo choàng màu vàng nghệ, cùng các nhà tu khổ hạnh khỏa thân và bôi tro, đã đi bộ hàng tuần để đến được địa điểm diễn ra lễ hội. Họ đi quanh đám đông để ban phước lành.

Phía tổ chức cho biết số lượng người tham gia Kumbh Mela có quy mô tương đương dân số của một quốc gia, dự kiến con số này sẽ bằng tổng dân số của Mỹ và Canada.

Bờ sông ở Prayagraj đã biến thành một biển lều bạt rộng lớn, một số trông sang trọng, một số khác chỉ là lều bạt đơn giản.

“Tôi có niềm tin lớn vào thần linh. Tôi đã chờ đợi rất lâu để được tắm trong dòng sông thiêng”, cô Jaishree Ben Shahtilal, mất ba ngày để đến được thánh địa, nói.

Để phục vụ lễ hội, khoảng 150.000 nhà vệ sinh đã được xây dựng và mạng lưới bếp ăn cộng đồng có thể phục vụ cùng lúc 50.000 người.

68.000 cột đèn LED khác đã được dựng lên cho cuộc tụ tập, và sáng đến mức có thể nhìn từ ngoài không gian.

Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới, với 1,4 tỉ người, và người dân nước này đã quen với các lễ hội quy tụ đám đông lớn.

Theo AFP, nhiệt độ hiện tại ở quanh mức 15 độ C vào ban đêm, nhưng những người hành hương cho biết đức tin khiến họ không cảm thấy lạnh khi tắm dưới sông.

“Một khi đã ở dưới nước, bạn thậm chí không cảm thấy lạnh. Tôi cảm thấy như mình là một với thần linh”, tín đồ Chandrakant Nagve Patel (56 tuổi) cho biết.

Những tín đồ Hindu tin rằng tắm ở khu vực sông thiêng trong dịp lễ Kumbh sẽ giúp tẩy sạch tội lỗi.

Biển người Ấn Độ đổ về tắm sông thiêng - Ảnh 3.

Những người hành hương theo đạo Hindu mang theo đồ đạc của mình đi bộ qua những cây cầu phao nổi để đến Sangam, nơi hợp lưu của sông Hằng, sông Yamuna và sông Saraswati huyền thoại trong buổi tối sương mù 13-1 – Ảnh: AFP

Biển người Ấn Độ đổ về tắm sông thiêng - Ảnh 4.

Những người hành hương theo đạo Hindu chuẩn bị tắm mình trong dòng nước thiêng của Sangam ngày 13-1 – Ảnh: AFP

Biển người Ấn Độ đổ về tắm sông thiêng - Ảnh 5.

Một tín đồ Hindu cầu nguyện trong khi tắm mình trong dòng nước thiêng tại Sangam trong lễ hội Maha Kumbh Mela ngày 13-1 – Ảnh: REUTERS

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: