Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
63 lượt xem

Biến chứng do tự điều trị mụn

TP HCMAn, 16 tuổi, thường nặn mụn trứng cá bằng đầu bút bi để lại sẹo thâm đen, mua kem tự điều trị tại nhà khiến tình trạng nặng hơn.

Trước đó An được bác sĩ kê toa thuốc uống điều hòa nội tiết và thuốc thoa khô cồi mụn kèm sữa rửa mặt, tình trạng không cải thiện. An mua kem bán trên mạng, không rõ loại, thoa mặt tới ngày thứ ba thì sốt cao, các nốt mụn thâm tím, chảy mủ, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.

Còn Hương, 22 tuổi, dùng nhiều thuốc trị mụn, thử các mẹo chữa mụn như thoa nước vo gạo và nước chanh, chấm mụn bằng kem đánh răng… Khi mụn chớm lên, Hương dùng tay hoặc dụng cụ inox để nặn, gần đây tự peel da (tái tạo da bằng hóa chất) khiến mặt sưng phù.

Ngày 15/8, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, chẩn đoán Hương và An bị viêm da, bội nhiễm trên nền da mụn trứng cá nặng do rối loạn nội tiết tố và điều trị, chăm sóc da không đúng cách. Riêng da mặt Hương còn bị kích ứng do sử dụng hóa chất peel da có nồng độ axit quá cao.

“Mụn ít nguy hiểm tới tính mạng nên người bệnh thường ít coi trọng, tự tìm cách điều trị, khi nặng mới tới bệnh viện”, bác sĩ Bích nói. Lúc này mụn trở thành mạn tính, biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, bội nhiễm, sẹo mụn, tăng hoặc giảm sắc tố da, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sự tự tin.

Bác sĩ Ngọc Bích soi da cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Ngọc Bích soi da cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Mỗi tháng, bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận khoảng 500 ca điều trị mụn trứng cá, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Trong đó, khoảng 50% trường hợp mụn nặng do tự điều trị bằng mẹo dân gian, dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng liều lượng.

Nhiều người tự nặn mụn bằng tay hoặc dụng cụ nặn mụn không vô khuẩn, gây nhiễm trùng da, áp xe. Theo bác sĩ Bích, nặn mụn ở vùng cấm – vùng chữ T (trán, mũi, cằm, miệng), nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh vùng sọ não, có thể gây phù, sưng mắt, méo mặt. Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể bị viêm tắc tĩnh mạch xoang hang não gây hôn mê, nguy hiểm tính mạng.

Không ít người lạm dụng mỹ phẩm, thuốc, sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc khiến mụn trứng cá bùng phát toàn thân, kèm nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, sẹo khó hồi phục.

“Khó kiểm chứng được thành phần trong các sản phẩm này”, bác sĩ Bích nói, thêm rằng chúng có thể chứa các chất không được phép sử dụng trên da vùng mặt như corticoid, axit nồng độ cao, thủy ngân… Người dùng phải thoa kem kéo dài do nếu ngừng dùng thì da xấu đi nhanh chóng. Một số người bệnh tự dùng thuốc peel da dù đây là thủ thuật phải được bác sĩ chỉ định, với loại thuốc, nồng độ axit phù hợp.

Các mẹo dân gian như thoa kem đánh răng, đắp lá trầu không, thoa nước chanh, đắp nha đam, lòng trắng trứng hay tắm biển… để trị mụn cũng không chính xác, theo bác sĩ Bích. Hiện chưa có chứng cứ khoa học chứng minh tác dụng của các mẹo này, chưa kể nhiều hoạt chất không được tinh chế, chứa vi khuẩn, vi trùng dễ gây kích ứng, dị ứng, bội nhiễm. Dùng lâu dài cũng làm bít tắc và sừng hóa nang lông, tăng thúc đẩy mụn viêm hình thành và trở nặng.

Hương và An được điều trị bằng thuốc điều hòa nội tiết, kháng sinh, kháng viêm và thuốc trị mụn, bổ sung kẽm. Để nhanh cải thiện bệnh, bác sĩ Bích chỉ định kết hợp các phương pháp như peel da, chiếu xung ánh sáng cường độ cao ILP, điện di với tinh chất trị mụn và chiếu đèn LED sinh học Cellum Pro để nhanh lành tổn thương. Biến chứng sẹo thâm được xử lý bằng laser pico, sẹo lõm được bóc tách đáy, chiếu laser CO2 fractional làm đầy, kèm công nghệ RF vi kim để thu nhỏ lỗ chân lông và cải thiện kết cấu collagen cho da mụn.

Hai người bệnh cũng được bác sĩ tư vấn chăm sóc da mụn đúng cách, uống đủ nước, ngủ sớm và đủ 8 giờ mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế tinh bột và nước ngọt.

Điều trị sẹo rỗ ở trán cho một nam bệnh nhân bằng laser CO2 fractional. Ảnh minh hoạ: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Điều trị sẹo rỗ ở trán cho một nam bệnh nhân bằng laser CO2 fractional. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Để giảm nguy cơ nổi mụn trứng cá, bác sĩ Bích khuyến cáo mọi người rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ không chứa dầu, luôn tẩy trang và làm sạch da trước khi đi ngủ, không sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần. Hạn chế thức khuya, căng thẳng và thường xuyên giặt vỏ gối, chăn, ga. Đeo khẩu trang khi ra đường. Người có làn da nổi nhiều mụn viêm hoặc mụn bọc, mụn mủ, rầm rộ, lâu khỏi, để lại sẹo hoặc nổi mụn kèm sốt, mệt mỏi, loét da… cần đến bác sĩ da liễu khám sớm.

Anh Thư

* Tên người bệnh đã được thay đổi

20h ngày 15/8, chương trình tư vấn trực tuyến “Điều trị mụn, sẹo toàn diện, không đau, hiệu quả ngay bằng máy chuyên sâu thế hệ mới” phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và TP HCM tham gia gồm TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da; BS.CKI Lương Thị Giang Lam, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da; BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: