Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
45 lượt xem

Bé sơ sinh vỡ ruột trong bụng mẹ ‘hồi phục tốt’

TP HCMBé sơ sinh ăn sữa được, các chỉ số ổn định, sẽ được đóng hậu môn nhân tạo, sau 10 ngày mổ cấp cứu trong đêm do vỡ ruột trong bụng mẹ.

Ngày 31/8, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết do đoạn ruột hoại tử đã cắt trong lần mổ trước khá dài, đoạn ruột còn lại ngắn, gây hội chứng ruột ngắn. Hội chứng này gây tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng, thường gặp sau các phẫu thuật ống tiêu hóa hoặc cũng có thể do bẩm sinh.

Trong khi đó, ở bệnh nhi này, vấn đề hấp thu dinh dưỡng rất bức thiết và cực kỳ quan trọng, giúp bé đủ năng lượng bù đắp stress phẫu thuật lần trước cũng như duy trì sự phát triển, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo sắp tới.

“Bên cạnh ăn uống qua đường miệng, bé sẽ được nuôi ăn tĩnh mạch hỗ trợ”, bác sĩ nói. Dự kiến vài tháng tới, khi tình trạng ổn định khi tình trạng ổn định, các bác sĩ sẽ phẫu thuật đóng lại hậu môn nhân tạo, thiết lập sự lưu thông ruột về bình thường, giải quyết tình trạng ruột ngắn.

Theo bác sĩ Thạch, trẻ mắc hội chứng ruột ngắn nếu không được điều trị hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng mất nước điện giải, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng nặng, tử vong. Hiện, bé được chăm sóc đặc biệt tại khoa sơ sinh – nơi có nhiều kinh nghiệm trong nuôi ăn tĩnh mạch cho các trường hợp ruột ngắn.

Nhân viên y tế trong phòng mổ. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên y tế trong phòng mổ. Ảnh: Quỳnh Trần

Bé chào đời lúc thai 36 tuần, nặng 2,5 kg, được chuyển từ viện sản sang Nhi đồng 2 khi mới 4 giờ tuổi do nghi ngờ có tình trạng viêm phúc mạc ngay từ thời kỳ bào thai. Các bác sĩ mổ cấp cứu trong đêm, thấy đoạn ruột 20 cm đã hoại tử vỡ từ trước, các quai ruột dính chặt với nhau thành khối, gây tắc ruột. Bệnh nhi được gỡ dính ruột, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử, làm hậu môn tạm, rửa bụng, dẫn lưu.

Viêm phúc mạc bào thai là tình trạng viêm hóa học phản ứng vô khuẩn của phúc mạc do dịch ruột đi qua lỗ thủng của ống tiêu hóa thai nhi, với tỷ lệ mắc khoảng 1 trên 35.000 trẻ. Bệnh có thể chẩn đoán trước sinh và điều trị ngay sau sinh giúp mang lại nhiều kết quả cho sự phát triển sau này của trẻ.

Chẩn đoán tiền sản sớm và sự phối hợp gắn kết các bác sĩ sản – nhi giúp có kế hoạch điều trị đúng, kịp thời cho trẻ sơ sinh, tránh các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Những trường hợp không có chẩn đoán tiền sản hay nếu chậm trễ bỏ sót, biến chứng sẽ vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Thai phụ nên khám thai định kỳ đầy đủ để không bỏ sót bệnh.

Lê Phương


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: