TP HCMKhám cho người đàn ông có khối u dưới hàm to như “cái đầu thứ hai”, bác sĩ Tú Dung từ chối mổ nhưng trăn trở không yên, hai ngày sau gọi bệnh nhân quay lại.
“Lúc gặp lại u đã to hơn, bắt đầu lở loét, nếu không mổ thì chắc trong thời gian ngắn u sẽ vỡ, khiến bệnh nhân tử vong”, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, 51 tuổi, Giám đốc Bệnh viện JW, nhớ lại tình huống hai năm trước.
Ban đầu, bác sĩ Dung từ chối mổ vì sợ nguy hiểm. Khi bệnh nhân ra về, ông trăn trở vì hoàn cảnh người bệnh đáng thương, mưu sinh bằng nghề xe ôm, khối u to dần nên khách ngại không đi. Bệnh nhân chỉ có thể ăn cháo loãng và uống bằng ống hút. Càng đi sâu hội chẩn, bác sĩ phát hiện người đàn ông bị tiểu đường nặng lâu năm, suy tuyến thượng thận, xơ hóa phổi, thiếu máu nghiêm trọng, suy kiệt, đạm máu quá thấp khó bảo đảm quá trình lành vết thương.
Đặc biệt, hình ảnh CT 3D cho thấy u đã ăn xâm lấn toàn bộ hàm dưới. Nếu mổ thì khả năng chảy máu không cầm, tử vong rất cao, chưa nói các biến chứng do nhiều bệnh lý nội khoa kèm theo.
“Việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân này cũng là một thách thức”, bác sĩ nói. Ông hội chẩn gần 10 bác sĩ chuyên khoa gây mê, nội tiết, tai mũi họng, phẫu thuật hàm mặt, vi phẫu, tim mạch, vi phẫu mạch máu, can thiệp mạch máu, lao phổi… trong và ngoài nước. Một số bác sĩ từ chối vì quá phức tạp, một số khuyên không nên đánh đổi quá lớn. Bác sĩ Dung đứng giữa những tranh đấu nội tâm, bỏ mặc bệnh nhân chết thì không thể, một mình tự xử lý toàn bộ thì quá sức, nếu có bất trắc sẽ ảnh hưởng đến bệnh viện.
Giữa lúc còn đang rối bời, bệnh nhân nhập viện khẩn cấp vì u bắt đầu chảy máu mủ, mô hoại tử dần và bắt đầu vỡ.
Ông quyết định đưa bệnh nhân vào phòng mổ để kiểm tra và chèn ép gạc để giảm dịch máu chảy. Lúc này, một mặt bác sĩ nghĩ đến tình huống chuyển sang viện khác thuộc tuyến cuối cho “đỡ trách nhiệm”, song ông lo bệnh nhân vỡ u, tử vong trên đường. Ngoài ra, bác sĩ nơi khác khi tiếp nhận cũng phải bắt đầu tìm hiểu, xét nghiệm, chẩn đoán… tiêu tốn thời gian. Bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế, không có tiền.
“Không mổ là chết, mổ thì khả năng tử vong cũng 50-50. Cố gắng hết sức dù chỉ còn 1% hy vọng cũng không được từ bỏ”, ông yêu cầu ê kíp, cũng là tự nói với bản thân “hãy làm vì bệnh nhân, không nên tiêu cực rằng thất bại sẽ ảnh hưởng uy tín”.
Ê kíp vừa chèn gạc khối u để cầm máu vừa kiên trì đặt nội khí quản gây mê trong hoàn cảnh máu chảy xối xả, các chỉ số sinh tồn tụt liên tục. Khi bác sĩ gây mê vui mừng hét lên “đặt được rồi”, bác sĩ Dung quyết định cắt u thần tốc.
Cảnh tượng phòng mổ hôm ấy, bác sĩ Dung ví như “một trận đánh lớn”, mọi người hoảng hốt vì máu tuôn tung tóe, mô hoại tử bầy nhầy, mạch máu lộ khắp nơi… Bác sĩ gây mê căng thẳng không rời mắt khỏi màn hình monitor theo dõi huyết áp, nhịp tim. Còn bác sĩ Dung vừa mổ vừa chỉ huy hồi sức, yêu cầu nhân viên bấm điện thoại để nhờ giám đốc một bệnh viện khác “xé rào”, cho người mang 4 đơn vị máu chi viện khẩn trong vòng 20 phút (thay vì mất 3-4 giờ như quy trình bình thường).
Khi nhìn chỉ số sinh tồn của bệnh nhân tăng dần, ê kíp “mừng muốn khóc”. Đồng hồ chỉ 15h, y bác sĩ mới nhận ra đã chạy đua hơn 6 tiếng để cứu một mạng người. Sau mổ cắt u, bệnh nhân được cấy mỡ tạo cằm, khuôn mặt thu gọn, nay đã trở lại cuộc sống bình thường. Chi phí điều trị được miễn phí nhờ vào quỹ dành cho bệnh nhân khó khăn của bệnh viện.
Để có được thành công này, bác sĩ Dung trải qua hàng nghìn ca mổ trước đó, cả thành công lẫn thất bại. Ê kíp từng thua cuộc khi gây mê cho người phụ nữ 35 tuổi, ngụ Cà Mau, bị mất toàn bộ xương hàm dưới, rất nhiều nơi từ chối mổ, gia đình chấp nhận mọi rủi ro.
Cổ bệnh nhân quá ngắn, khi đặt nội khí quản thì xảy ra hiện tượng co thắt, dẫn đến suy hô hấp, huyết áp và mạch tụt hoàn toàn, không khai khí quản được. Dù dự trù trước tình huống khó, mời sẵn bác sĩ nhiều kinh nghiệm gây mê từ bệnh viện lớn đến tham gia cùng, vẫn không xoay xở được. Bệnh nhân được cho thở oxy qua mặt nạ, giữ nguyên đường truyền, chuyển sang bệnh viện đa khoa tuyến cuối cấp cứu.
“Trước khi chuyển viện, tôi nắm chặt tay bệnh nhân, dặn phải vững chãi vượt qua, phải sống”, bác sĩ nhớ lại. May mắn, người bệnh giữ được tính mạng. Như những lần thất bại khác, ông nghiền ngẫm, phân tích kỹ. Với trường hợp này, nên chủ động khai khí quản ngay từ đầu thay vì đặt nội khí quản để giúp giảm phản xạ co thắt khi người bệnh bắt đầu lơ mơ. Những cuộc mổ khó, ông đều cho đặt máy quay hình tự động, vừa để nghiên cứu xem lại rút kinh nghiệm, vừa là bằng chứng giải thích với người nhà khi cần.
Từng là bác sĩ ngoại tổng quát của Bệnh viện Nhân dân 115, hoàn thành chương trình cao học, nhận học bổng sang Mỹ về phẫu thuật nội soi ngoại tổng quát năm 2006, bác sĩ Dung quyết định rẽ hướng sang phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Khi ấy, làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ rất nổi ở Hàn Quốc, song Việt Nam chưa phát triển bài bản, chưa có trường đại học đào tạo quy củ, không bệnh viện nào có chuyên khoa rõ ràng. Ông nhớ đến gương mặt khiếm khuyết của hàng nghìn bệnh nhân chờ đợi suất mổ may mắn, khi đoàn giáo sư – bác sĩ Mỹ sang Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP HCM, mổ từ thiện.
“Đầu óc tôi cứ lởn vởn suy nghĩ tại sao thế giới làm được mà mình không làm được. Tôi nhận ra phẫu thuật thẩm mỹ không đơn thuần là làm đẹp, mà còn tạo hình để thay đổi vận mệnh, cuộc sống người bất hạnh”, bác sĩ Dung nói, thêm rằng việc chuyển hướng này là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời”. Khi ấy, nhiều đàn anh trong nghề cho rằng ông “vì muốn kiếm tiền nhanh nên chuyển sang làm thẩm mỹ”, từ bỏ “chiếc áo bác sĩ phẫu thuật danh giá ở một bệnh viện lớn”.
Bác sĩ Dung tìm học bổng sang Hàn Quốc, với mong muốn thay đổi định kiến “làm thẩm mỹ chỉ là cắt mắt, nâng mũi để kiếm tiền”. Lĩnh vực này trên thế giới còn là tạo hình chữa trị, thay đổi khiếm khuyết về gương mặt để người khuyết tật thoát bế tắc.
“Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là ngã rẽ với nhiều lời gièm pha nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định này”, bác sĩ Dung nói. Nhờ hướng rẽ này, hàng nghìn bệnh nhân hô, móm, khuyết tật hàm mặt nặng đã được ông phẫu thuật cắt rời hàm, điều chỉnh diện mạo để hòa nhập cuộc sống.
Chứng kiến nhiều bệnh nhân khiếm khuyết nặng về ngoại hình, gặp nhiều trắc trở, có nghị lực vượt lên phi thường, song hoàn cảnh quá khó khăn không thể tiếp cận phẫu thuật, ông lập chương trình mổ miễn phí, giúp hơn 300 trường hợp, kể từ năm 2014.
Nhờ thế, chàng trai Vũ Đình Thục có thể đứng trên bục giảng, cưới được vợ, không còn thất nghiệp và bị gia đình người yêu phản đối vì khuôn mặt bất thường với hai hàm lệch nhau hơn 2,2 cm, không khép kín miệng. Từng đoạt giải nhì học sinh giỏi Hóa quốc gia, được tuyển thẳng và tốt nghiệp sư phạm hạng ưu nhưng anh bị từ chối việc làm vì lý do “phát âm không tốt”. Cuộc mổ được thực hiện sau lá thứ cầu cứu bác sĩ của bạn gái Thục, vốn cùng chung đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Hóa. Cả hai hiện đã cưới nhau, có con trai hơn 4 tuổi, nhận bác sĩ làm “ông nội nuôi”.
Hay như Duy Phương, sống trong mặc cảm, khép mình vì biệt danh “mặt lưỡi cày”, không bạn bè, phải mang khẩu trang chạy xe ôm dù đang học cao học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. Sau ca mổ đổi đời, Phương “có được gương mặt đẹp hoàn hảo đến nỗi người quen trước đây không thể ngờ”. Hiện, “thạc sĩ xe ôm” trở thành giảng viên Đại học FPT, kết hôn, sinh con.
Ghi dấu ấn nhiều nhất là trường hợp chữa trị hơn 10 tháng với ba cuộc đại phẫu, 29 giờ mổ, cho chàng trai “hóa thạch” mặt Lê Văn Mến, năm 2020. Công trình nghiên cứu về căn bệnh MRS của bệnh nhân Mến đã vượt qua hàng trăm đề tài từ các trường y khoa danh tiếng để xướng tên ngôi vị Á quân tại Hội nghị Nội khoa Mỹ.
Giáo sư Phillip Trần – một trong những chuyên gia nội khoa giàu kinh nghiệm của Mỹ, nhận định bác sĩ Dung không những tìm lại gương mặt cho bệnh nhân mà còn phối hợp đa chuyên khoa từ đa quốc gia để tìm ra bệnh lý nội khoa nguyên nhân, giúp ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam tạo dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới.
Hành trình chữa trị bệnh nhân này cũng giúp bác sĩ Dung được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, bằng khen của Bộ Y tế, đoạt Cúp vàng Thành tựu Y khoa Việt Nam. Thứ trưởng Y tế khi ấy là PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, cho rằng là việc trả lại diện mạo tương đối bình thường, giúp bệnh nhân thoải mái sinh hoạt sau nhiều năm tháng phải ngủ ngồi, là “một câu chuyện cổ tích”. Ông Sơn nhìn nhận phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là ngành làm đẹp cho người dân, còn giúp người khiếm khuyết tìm lại hình dáng bình thường, giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Ngày 10/8, bác sĩ Dung ra mắt sách “Nghèo là vốn liếng”, kể lại chặng hành trình từ chàng trai nghèo xứ Quảng trở thành bác sĩ tại TP HCM, với những bài học, kinh nghiệm đối mặt và vượt qua khó khăn, kiên định với ước mơ.
“Nhiều khi tôi lẩn thẩn nghĩ cái tên Tú Dung bố mẹ đặt cho như đang vận vào công việc hiện tại, rằng khi tôi nỗ lực hết mình thì diện mạo và tương lai của một người có thể thay đổi”, bác sĩ nói, thêm rằng mỗi khi nghĩ đến điều này, ông vô cùng hạnh phúc.
Lê Phương
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!