Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
59 lượt xem

Bà Trương Mỹ Lan dùng công ty ‘ma’ chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan dùng nhiều công ty ma và hợp đồng khống để vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới trong 10 năm, C03 cáo buộc.

Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn hai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) xác định từ tháng 10/2012 đến 10/2022, bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép 4,536 tỷ USD, tương đương 106.730 tỷ đồng qua biên giới.

Cụ thể, 21 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái phép, tổng 1,5 tỷ USD; 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái phép qua 152 giao dịch, tổng 3 tỷ USD.

Cơ quan điều tra cho rằng việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam đều được bà Lan và đồng phạm thực hiện qua hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức nước ngoài. Pháp nhân chuyển và nhận tiền là các công ty “ma”, không bộ máy nhân sự, không hoạt động thực tế.

Bà khai tiền nhận từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là vay, tiền chuyển ra nước ngoài là để trả nợ.

Bị hệ thống khóa vẫn duyệt nhận tiền từ nước ngoài

C03 cáo buộc Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) là đồng phạm giúp sức bà Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Từ tháng 5/2021 đến 8/2022, với tư cách quyền Tổng giám đốc SCB, Hoàng đã duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát, thông qua hợp đồng khống, tổng 69.202 tỷ đồng.

38 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, tổng 929 triệu USD (21.810 tỷ đồng) và 106 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về, tổng 1.9 tỷ USD (47.392 tỷ đồng) được Hoàng ký duyệt trong hơn một năm.

Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài do Hoàng ký duyệt đều không đủ điều kiện như thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; giấy đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài; chứng từ thể hiện công ty nước ngoài đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam cho các giao dịch chuyển.

Với giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về, dù thiếu thông tin mục đích chuyển tiền, bị hệ thống khóa, Hoàng vẫn duyệt mở khóa để hạch toán vào tài khoản của khách hàng nhận tiền, kết luận điều tra nêu.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa hồi tháng 4. Ảnh: Trần Quỳnh

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa hồi tháng 4. Ảnh: Trần Quỳnh

Lãnh đạo khác của SCB là ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc, cũng bị cáo buộc giúp sức bà Lan. Hơn một năm từ tháng 11/2018 đến 3/2020, ông Văn ký duyệt 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, tổng 516 triệu USD (11.998 tỷ đồng), để thanh toán chi phí theo hợp đồng tư vấn, vay tiền khống cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.

Ông Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch SCB, ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài tổng 30 triệu USD (712 tỷ đồng) thông qua hợp đồng khống, trong 10 tháng (1-10/2020).

Loạt công ty “ma” chuyển và nhận tiền qua biên giới

Giúp sức bà Lan vận chuyển tiền trái phép qua biên giới còn có Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) – người được giao quản lý ba công ty chuyển tiền ra nước ngoài gồm Blue Pearl, Sài Gòn Penninsula, Easter View. Từ tháng 3/2018 đến tháng 8/2022, ba công ty này nhận về 35 triệu USD (802 tỷ đồng) và chuyển ra nước ngoài 256 triệu USD (5.943 tỷ đồng).

Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quản lý Acumen) cũng bị quy kết phải chịu trách nhiệm chuyển và nhận tiền từ nước ngoài của 7 công ty Golden Hill, VinaLand, Capitaland Tower, Trade Wind, Eland, Đông Sài Gòn, Thành Hiếu.

Công được bà Lan chỉ đạo liên hệ với Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Vương Quốc Anh và Bắc Ireland, được bà Lan giao quản lý các công ty ở nước ngoài, đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty Vinaland Việt Nam) để hoàn thiện hồ sơ chuyển tiền như pháp nhân công ty ma, biên bản họp, nghị quyết chuyển nhượng cổ phần, lấy chữ ký, con dấu người đại diện. Công còn theo dõi số liệu các khoản tiền chuyển vào, chuyển ra qua SCB để báo cáo bà Lan.

Cơ quan điều tra cho rằng từ tháng 7/2020 đến 10/2022, Công chuyển ra nước ngoài 1,444 tỷ USD (33,547 tỷ đồng) và nhận tiền nước ngoài chuyển về 1,449 tỷ USD (34.629 tỷ đồng), theo các hợp đồng khống đã lập. Tổng số tiền Công bị cáo buộc vận chuyển trái phép qua biên giới là 2,8 tỷ USD (68.177 tỷ đồng).

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Tô Thị Anh Đào bị cáo buộc giúp sức bà Lan chuyển trái phép qua biên giới 99 triệu USD (2.445 tỷ đồng). Năm 2022, Đào được giao quản lý Công ty Helios để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hợp đồng vay nợ khống.

Đào khai được bà Lan chỉ đạo dùng hồ sơ Công ty Helios để vay vốn nước ngoài. Đào chuyển hồ sơ để Chiu Bing Keung Kenneth soạn hợp đồng vay vốn. Khi Chiu chuyển lại hợp đồng, Đào giao nhân viên Châu Xuân Bửu Ngân liên hệ với người được thuê làm giám đốc Helios ký giấy rút ngoại tệ, phiếu xác nhận giao dịch bán ngoại tệ.

Tiền từ nước ngoài chuyển về, bà Lan giao Đào làm thủ tục để Công ty Helios rút 40 triệu USD tại SCB rồi chuyển cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký bà Lan).

Khi chuyển tiền ra nước ngoài, Đào liên hệ với Chiu lấy hồ sơ thanh lý hợp đồng, nội dung là tiền gốc Công ty Helios phải trả cho công ty nước ngoài 40 triệu USD và lãi 162.000 USD. Nguồn tiền chuyển, bà Lan chỉ đạo Đào liên hệ Công để lấy.

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định, ngày 11/3/2021, Đào khi là kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam đã ký hai ủy nhiệm chi 445 tỷ đồng đến công ty Bule Pearl để chuyển thành 19,6 triệu USD, chuyển ra nước ngoài cho Công ty Leader Vission.

Ông Nguyễn Vũ Anh Thi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam và Nguyễn Hữu Hiệu, Phó tổng giám đốc Công ty An Đông, cũng bị C03 cáo buộc giúp sức bà Lan chuyển tiền trái phép qua biên giới. Ông Thi ký ủy nhiệm chi để Đào hợp thức chuyển 19,6 triệu USD ra nước ngoài. Hiệu giúp bà Lan nhận và chuyển tiền ra nước ngoài qua công ty An Đông.

Trong hai tháng (3-5/2022), qua SCB Cống Quỳnh, Công ty An Đông đã nhận về tổng 545 triệu USD dưới hình thức giải ngân hợp đồng vay vốn đối tác nước ngoài. Tháng 7/2022, Công ty An Đông chuyển 132 triệu USD ra nước ngoài. Vì vậy, Nguyễn Hữu Hiệu bị cáo buộc giúp bà Lan chuyển 677 triệu USD (16.574 tỷ đồng) trái phép qua biên giới.

Với các hành vi nêu trên, C03 đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan và ba đồng phạm Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công, Trương Khánh Hoàng, về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bà Tô Thị Anh Đào bị đề nghị truy tố về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bốn người khác bị đề nghị truy tố về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là Nguyễn Vũ Anh Thi, Nguyễn Hữu Hiệu, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng.

Hồi tháng 4, bà Lan bị TAND TP HCM tuyên tử hình về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản, Đưa hối lộ. Nguyễn Phương Anh 17 năm tù; Trương Khánh Hoàng 18 năm tù về tội Tham ô tài sản. Ông Võ Tấn Hoàng Văn và Bùi Anh Dũng đã bị TAND TP HCM tuyên tù chung thân về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản.

>> Danh sách 34 bị can

Truy nã hai đồng phạm nước ngoài giúp sức bà Lan

Hai người nước ngoài “giúp sức tích cực” bà Lan chuyển tiền trái phép qua biên giới là Chen Yi Chung, quyền Tổng giám đốc SCB và Chiu Bing Keung Kenneth. Hai người bị Bộ Công an truy nã từ tháng 5.

Chen thực hiện 12 giao dịch chuyển tiền đi tổng 673 triệu USD (15.548 tỷ đồng) và một giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về 35 triệu USD (802 tỷ đồng). Chen Yi Chung đã xuất cảnh ra nước ngoài, đến nay chưa xác định được nơi ở và chưa có kết quả tương trợ tư pháp.

Còn Chiu được bà Lan giao quản lý 11 công ty trong và ngoài nước, trong đó Chiu đứng tên đại diện 6 công ty nước ngoài thuộc Vạn Thịnh Phát. Nhiệm vụ của Chiu là tạo các hợp đồng khống mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư, vay vốn giữa công ty trong nước thuộc Vạn Thịnh Phát và công ty nước ngoài. Chiu cũng làm hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam giúp bà Lan.

Trong 8 năm từ 2014 đến 2022, tổng số tiền mà 11 công ty do Chiu quản lý đã chuyển ra nước ngoài 556 triệu USD (12.905 tỷ đồng) và nhận về Việt Nam 940 triệu USD (21.310 tỷ đồng). Vì vậy, C03 cáo buộc Chiu Bing Keung Kenneth giúp bà Lan chuyển 1,496 tỷ USD (34.216 tỷ đồng) trái phép qua biên giới.

Chiu đã xuất cảnh ra nước ngoài, nhà chức trách chưa xác định được nơi ở.


Viết Tuân

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: