Người lao động trí óc quá mức, làm việc liên tục thời gian dài hoặc lạm dụng chất kích thích dễ bị suy nhược thần kinh.
Theo BS.CK1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, suy nhược thần kinh là bệnh tâm thần nhẹ, không gây rối loạn hành vi theo kiểu dị kỳ xa lạ.
Suy nhược thần kinh do nhiều nguyên nhân, trong đó sang chấn tâm lý là nguyên nhân hàng đầu, cuộc sống hiện đại có nhiều căng thẳng. Người mắc bệnh thường thanh niên và trung niên (20 đến 50 tuổi) – độ tuổi lao động.
Bệnh thường gặp ở người sống tại thành phố, do nhịp độ sống vội vã và áp lực công việc cao. Bệnh liên quan các vấn đề về kinh tế, xã hội, sức khỏe, nhà ở, những biến đổi đáng kể về văn hóa, điều kiện sống, tình trạng bạo lực gia đình hoặc học đường.
Theo đó, nhóm có nguy cơ cao bị suy nhược thần kinh gồm người lao động trí óc quá mức như học tập hoặc làm việc liên tục không nghỉ ngơi suốt một thời gian dài. Họ thường ngủ rất ít hoặc khó ngủ.
Tình trạng suy nhược có thể xảy ra với người đang gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống như tài chính trục trặc, nợ nần, mâu thuẫn gia đình hay mối quan hệ tình cảm, việc làm hoặc kinh doanh có trở ngại. Người thường xuyên thiếu thốn tình cảm hoặc sau một cú sốc tâm lý đột ngột như mất người thân, bị phân biệt đối xử, bị đè nén cảm xúc lâu ngày, trẻ em trong cô nhi viện, người già neo đơn… cũng dễ mắc bệnh.
Ngoài ra, việc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh. Lệ thuộc chất kích thích lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần, dễ dẫn đến suy nhược. Tiền sử gia đình liên quan các bệnh lý thần kinh cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Suy nhược thần kinh diễn biến kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm giảm khả năng lao động, giảm hiệu suất công tác và chất lượng cuộc sống. Bệnh thầm lặng, âm ỉ kéo dài, triệu chứng phong phú và không dễ phát hiện nên người bệnh khó nhận biết mình đang bị suy nhược thần kinh. Từ đó bệnh nhân đi khám trễ, chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Quá trình điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp, gồm dùng thuốc lẫn không dùng thuốc như liệu pháp tâm lý, dưỡng sinh, thư giãn, thôi miên, thể dục liệu pháp, bấm huyệt, châm cứu. Mỗi phương pháp điều trị có ưu và hạn chế nhất định, cần được bác sĩ chẩn đoán, chỉ định và theo dõi.
Để phòng ngừa, cần thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn cân bằng, đảm bảo giấc ngủ, tránh hoặc hạn chế chất kích thích. Khắc phục tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Phối hợp hài hòa giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa làm việc và nghỉ ngơi giải trí. Nếu cần, nên tránh những khu vực nhiều tiếng ồn trong khi làm việc và sinh hoạt.
Tự tạo tâm lý thoải mái, luôn tin tưởng lạc quan, tạo năng lượng tích cực trong công việc và cuộc sống. Rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý thực thể. Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Mỹ Ý
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!