Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
77 lượt xem

Tuyển công nhân ngày càng khó

Đơn hàng trở lại, nhà máy Việt Nam Samho ở Củ Chi cần thêm 1.500 công nhân nhưng gần hai tháng qua mới tuyển được 300 người.

“Làm nhân sự giai đoạn này cực kỳ áp lực vì khâu kiếm người ngày càng khó”, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho nói. Từ sau Tết, nhà máy có đơn hàng trở lại nên cần thêm lao động. Thông tin tuyển dụng được đăng tải nhiều nơi nhưng không có ứng viên nộp hồ sơ. Để kịp tiến độ sản xuất, ban giám đốc đề nghị công đoàn hỗ trợ tìm nguồn.

Nhiều năm làm công đoàn, quen biết các địa phương thông qua hoạt động xã hội, ông An kết nối với các tỉnh để được giới thiệu về huyện, xã tiếp cận người dân. Theo kế hoạch, ông sẽ đi An Giang, Trà Vinh, Đắk Nông, Cà Mau, Bạc Liêu. “Không phải địa phương nào cũng thuận lợi nhưng đi vẫn tốt hơn là ngồi tại chỗ đợi”, ông nói.

Khi được các xã mời người dân đến, ông An và đồng nghiệp sẽ giới thiệu về công ty, mức lương, phụ cấp, các khoản hỗ trợ. Thu nhập của công nhân mới từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Địa phương nào có đông lao động nhận việc, công ty sẽ tổ chức xe đưa đón, ngược lại đi riêng lẻ sẽ hỗ trợ tiền mặt. Công ty cũng tìm sẵn nhà trọ cho người mới. Gần hai tháng đi nhiều nơi, công ty tuyển được hơn 300 người ở huyện Tri Tôn (An Giang).

Công nhân may làm việc trong nhà máy ở TP Thủ Đức. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân may làm việc trong nhà máy ở TP Thủ Đức. Ảnh: Thanh Tùng

Không riêng nhà máy Việt Nam Samho, nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng đang khó tuyển lao động, theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM. Thống kê trên cổng thông tin của trung tâm, trong tháng 5, có gần 49.000 vị trí việc làm nhưng chỉ hơn 8.500 người có nhu cầu tìm việc. Trong khi đó, số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 60.000.

“Nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng ngày càng khó kiếm người”, bà Thục nói. Thời gian qua, trung tâm đã tổ chức 21 sàn giao dịch việc làm để kết nối lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít phiên “người tuyển dụng nhiều hơn người kiếm việc”. Một số công ty lớn trên địa bàn cần tuyển cả nghìn công nhân, độ tuổi nới rộng lên 40-45 nhưng suốt thời gian dài không đủ người.

Không chỉ ở TP HCM, nhiều nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương cũng đối mặt tình trạng “khát” lao động, đặc biệt ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất – chế biến gỗ.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, từ đầu năm đến nay hơn 3.210 doanh nghiệp mở rộng sản xuất, có đơn hàng… muốn tuyển gần 41.000 người, trong đó công nhân, lao động phổ thông chiếm gần 87%. Tuy nhiên, nhiều nhà máy chưa tìm đủ người theo nhu cầu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành lao động tỉnh kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương để tạo nguồn.

Tại Đồng Nai, chỉ riêng tháng 5 các nhà máy trên địa bàn có nhu cầu hơn 10.700 người, lao động phổ thông chiếm gần 96%. Nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian nhận hồ sơ vì chưa đủ nguồn.

Công nhân mới của nhà máy Taekwang Vina tham gia tập huấn trước khi làm việc chính thức. Ảnh: An Phương

Công nhân mới của nhà máy Taekwang Vina tham gia tập huấn trước khi làm việc chính thức. Ảnh: An Phương

Phân tích nguyên nhân, bà Thục cho rằng lao động phổ thông có nhiều lựa chọn công việc hơn thay vì vào nhà máy như trước đây. Công việc được nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ lựa chọn là tham gia lực lượng xe công nghệ, giao hàng, dịch vụ với tiêu chí linh động về thời gian, không gò bó. Chưa kể, các tỉnh giờ đây cũng mở khu công nghiệp, nhiều nhà máy mọc lên nên lượng lao động di cư về thành phố lớn cũng giảm.

Tới nhiều địa phương, gặp gỡ trực tiếp lao động, ông Nguyễn Thanh An cũng cho rằng “nhiều người chán thành phố”. Chứng kiến những cú sốc trong đợt dịch, họ cảm thấy ở quê an toàn hơn. Covid-19 đã tạo ra một lối rẽ khác cho lao động, đặc biệt khi ở quê cũng có việc làm mà chi phí không đắt đỏ như thành phố.

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, cho rằng có ba yếu tố tác động lựa chọn công việc của người lao động gồm: nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; nhiều công việc mới xuất hiện; xã hội vừa trải qua những cú sốc như Covid-19, sa thải nhân công hàng loạt.

Theo chuyên gia, người lao động cảm thấy việc gắn bó lâu dài với một nhà máy không còn ý nghĩa bởi có thể phải rời đi bất kỳ lúc nào. Do đó, họ chuyển hướng sang công việc thời vụ, ngắn hạn với tâm thế “làm chủ cuộc chơi”. Lúc này, điều kiện giúp họ chuyển đổi lại rất thuận lợi bởi rất nhiều công việc mới, thời gian linh động xuất hiện.

“Tất nhiên không phải lao động nào cũng chuyển đổi nhưng họ sẽ lựa chọn những nơi từng có các chính sách tốt với công nhân để ứng tuyển”, ông Lộc nói. Ví dụ, những nhà máy vội vàng cắt giảm nhân sự lúc dịch bùng phát, giảm đơn hàng sẽ gặp khó khăn hơn doanh nghiệp nỗ lực không bỏ rơi lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Lê Tuyết


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: