Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
16 lượt xem

Lý do ông Duterte đắc cử thị trưởng dù đang bị giam

Người dân thành phố Davao yêu thích phong cách lãnh đạo của ông Duterte, tiếp tục bỏ phiếu bầu ông làm thị trưởng dù cựu tổng thống đang bị ICC giam.

Trong cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Davao hồi đầu tuần, cựu tổng thống Rodrigo Duterte chiến thắng áp đảo với khoảng 650.000 phiếu, trong khi đối thủ theo sát ông nhất là Karlo Nograles nhận gần 80.000 phiếu.

Điều này cho thấy ông Duterte vẫn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt tại Davao dù đang bị giam ở nhà tù của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Cựu tổng thống Philippines đang bị ICC xét xử với các cáo buộc liên quan đến cuộc chiến chống ma túy trong thời kỳ ông nắm quyền.

Davao nằm trên đảo Mindanao phía nam Philippines, có diện tích hơn 2.400 km2 và dân số khoảng 1,8 triệu người, là thành phố lớn nhất và đông dân thứ ba ở Philippines. Ông Duterte sống tại Davao từ thời nhỏ, từng làm luật sư và công tố viên tại thành phố này trước khi lần đầu đắc cử thị trưởng năm 1998 và đảm nhận vị trí trong nhiều nhiệm kỳ. Sự nghiệp chính trị ở Davao đã tạo bàn đạp giúp ông đắc cử tổng thống Philippines năm 2016 và cầm quyền đến 2022.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết nghi phạm tại chỗ mà không cần qua xét xử. Cảnh sát cho biết chiến dịch đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Ông trước đó triển khai mô hình này ở Davao từ năm 1993, khi còn là thị trưởng.

“Davao vẫn thích phong cách lãnh đạo của ông ấy”, luật sư Danielito Jimenez, nhà sáng lập nền tảng truyền thông pháp lý The Pinoy Street Lawyer Official của Philippines nói. “Trong một hệ thống chính quyền dân chủ, tiếng nói từ người dân phải được tôn trọng”.





Ông Rodrigo Duterte cầm khẩu súng trường tại trụ sở của Cảnh sát Quốc gia Philippines ở thành phố Quezon tháng 4/2018. Ảnh: AP

Ông Rodrigo Duterte cầm khẩu súng trường tại trụ sở của Cảnh sát Quốc gia Philippines ở thành phố Quezon tháng 4/2018. Ảnh: AP

“Tôi sống ở Davao từ bé. Khi còn trẻ, đây là một nơi rất nguy hiểm, giết chóc, giao tranh diễn ra khắp nơi”, Ian Baldoza, 46 tuổi, trả lời phỏng vấn CNN. “Lúc trưởng thành hơn, tôi bắt đầu hiểu rằng những người bị giết là con nghiện, buôn ma túy hoặc gây rối trật tự”.

Ông Baldoza ca ngợi ông Duterte vì giúp cải thiện an ninh công cộng, xây dựng hạ tầng và củng cố luật pháp tại thành phố. “Bạn không bao giờ thấy người dân khạc nhổ hay vứt rác trên đường phố, không như những thành phố khác”, ông cho biết thêm.

Nhiều cử tri ở Davao chung quan điểm, nhà khoa học chính trị Cleve Arguelles, lãnh đạo công ty thăm dò WR Numero, nói. “Việc ICC bắt ông Duterte không làm thay đổi bản chất con người cựu tổng thống trong mắt họ, mà ngược lại, nó càng củng cố hơn những điều ông ấy đại diện”.

Baldoza từng chứng kiến hàng xóm bị lực lượng hành pháp bắn hạ trong chiến dịch chống ma túy, nhưng Facebook cá nhân của ông vẫn đăng toàn bài viết ủng hộ ông Duterte.

“Chúng tôi không tìm kiếm một vị thánh. Chúng tôi muốn có một lãnh đạo có ý chí chính trị, và gia đình Duterte có điều đó, đặc biệt là người cha”, ông Baldoza cho biết, nhắc đến ông Duterte.

Các nhóm nhân quyền và người nhà của những nạn nhân trong chiến dịch trấn áp ma túy hoan nghênh ICC bắt ông Duterte. Nhưng ở Davao, động thái càng khiến người dân thành phố thêm đồng cảm với cựu tổng thống.

“Ông ấy rất nghiêm khắc. Nhưng chúng tôi coi ông ấy như cha”, Ney Cabatuan, 41 tuổi, nói với Guardian. Ông đã tham gia đoàn môtô diễu hành ở Davao để vận động cho ông Duterte, mô tả các chính sách cứng rắn đều vì điều tốt cho thành phố, giúp loại bỏ tội phạm và tình trạng mất trật tự.

“Chúng tôi cầu nguyện và xin ông ấy trở lại”, ông Cabatuan chia sẻ.

Nhiều người ủng hộ ông Duterte hoài nghi về những bằng chứng được cung cấp cho ICC. Họ cho rằng ông Duterte nên do tòa án Philippines xét xử, hoặc lập luận những vụ bắn chết nghi phạm là cần thiết.

“Họ nói ông ấy là người xấu, nhưng thực sự với người Philippines, đặc biệt là cư dân Davao, ông ấy là anh hùng”, y tá Marilou Caligona, 39 tuổi, nói. Cô thêm rằng Davao đã trở nên an toàn hơn, ít người nghiện hơn.

Giới quan sát đánh giá ông Duterte đắc cử là minh chứng cho sự trung thành, nét văn hóa chính trị ở Davao.

“Ngay cả khi bạn không phải là người ủng hộ Duterte, việc chứng kiến cách chính quyền hiện tại đối xử với ông ấy cũng có thể khơi dậy làn sóng cảm thông”, Ramon Beleno III, trưởng khoa khoa học chính trị và lịch sử, Đại học Ateneo de Davao, nhận định.

“Cư dân thành phố Davao coi trọng lòng trung thành chính trị. Họ đang thể hiện lòng biết ơn của mình đối với ông Duterte”, ông Beleno III nói thêm.





Người ủng hộ ông Rodrigo Duterte tuần hành tại thành phố Davao kêu gọi ICC thả cựu tổng thống Philippines tại Davao ngày 28/4. Ảnh: AFP

Người ủng hộ ông Rodrigo Duterte tuần hành tại thành phố Davao kêu gọi ICC thả cựu tổng thống Philippines tại Davao ngày 28/4. Ảnh: AFP

Luật sư Jimenez nói ông Duterte vẫn là ứng viên hợp lệ, vì theo luật pháp Philippines, cựu tổng thống được giả định vô tội cho đến khi bị thẩm phán kết tội. Nhiệm kỳ thị trưởng của ông sẽ bắt đầu vào 30/6, phó thị trưởng sẽ là Sebastian Duterte, con út của ông.

Nhưng việc ông Duterte bị giam đang tạo ra thách thức chưa từng có. Luật Philippines quy định một quan chức đắc cử phải tuyên thệ nhậm chức trong vòng 6 tháng. Phó tổng thống Sara Duterte, con gái ông Duterte, đã nêu khả năng ông tổ chức tuyên thệ từ xa qua đường truyền video.

“Điều thú vị tiếp theo là cách ông ấy điều hành thành phố. Vị trí của ông ấy khả năng cao sẽ chỉ mang tính biểu tượng, do ông ấy không thể xử lý các công việc hàng ngày. Theo tôi, đây là thách thức lớn hơn”, ông Jimenez bổ sung.

Phiên tòa tiếp theo của ICC để xác nhận các cáo buộc nhằm vào ông Duterte dự kiến diễn ra ngày 23/9.

Tại Davao, hàng chục tình nguyện viên đã cắm trại trước nhà ông Duterte kể từ khi cựu tổng thống bị bắt hồi tháng 3. Janice Mahipus, 45 tuổi, một người bán hàng trực tuyến, nói cô ngủ lại bên ngoài ngôi nhà, ban đầu là trên bìa cứng, sau đó chuyển sang chiếc giường gần đó.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi vì chờ đợi ông ấy”, cô nói.

Như Tâm (Theo CNN, Guardian, GMA News)





Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: