Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
16 lượt xem

Viêm gan A có lây qua đường ăn uống?

Chồng tôi mắc viêm gan A, virus này có lây nhiễm qua đường ăn uống không, làm thế nào để phòng ngừa? (Hoàng Long, Củ Chi)

Trả lời

Viêm gan A còn gọi là viêm gan siêu vi A là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính do virus viêm gan A (HAV) gây ra. Bệnh khiến các tế bào biểu mô gan tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng gan. Dạng viêm gan này dễ lây lan qua thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Hầu hết người bệnh viêm gan A đều hồi phục sau vài tuần, vài tháng và không để lại bất cứ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào.

Triệu chứng gồm mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da, đau cơ khớp, đau khó chịu vùng bụng phía trên bên phải, nước tiểu sậm màu, phân nhạt màu… Tuy nhiên, không phải ai nhiễm bệnh cũng xuất hiện triệu chứng. Người lớn thường có các triệu chứng rõ ràng hơn trẻ em, biểu hiện thường gặp nhất là vàng da. Triệu chứng viêm gan A thường xuất hiện đột ngột, sau khi người bệnh nhiễm virus 2-4 tuần.

Nguyên nhân gây viêm gan A là do virus viêm gan A xâm nhập vào tế bào gan và gây viêm, có liên quan mật thiết đến vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và môi trường. Virus gây bệnh có thể sống hàng tháng trong môi trường ô nhiễm, do đó, các khu vực có điều kiện vệ sinh và thực hành vệ sinh kém có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan A cao.

Virus viêm gan A rất dễ lây lan, nhất là ở người chưa được tiêm phòng. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm người sinh sống, làm việc, du lịch tại các khu vực có tỷ lệ người bệnh viêm gan A cao, sống cùng nhà với người viêm gan A, nhiễm HIV, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với người nhiễm virus, hội chứng rối loạn đông máu.

Không giống như các loại viêm gan siêu vi khác, viêm gan A không gây tổn thương gan lâu dài và không phát triển thành viêm gan mạn tính. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh hồi phục hoàn toàn sau 1-2 tháng. Virus gây bệnh cũng không tồn tại trong cơ thể khi đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh tuổi tác cao hoặc đang gặp các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, thiếu máu, suy tim ứ huyết…, bệnh có thể nặng lên, kéo dài thời gian điều trị.





Bác sĩ Trung khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trung khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trong một số trường hợp ít gặp, viêm gan A có thể dẫn đến suy gan cấp tính. Biến chứng này thường xảy ra hơn ở người lớn tuổi và người có bệnh gan mạn tính trước đó. Do đó, người bệnh suy gan cấp cần nhập viện ngay để theo dõi và điều trị. Một số người bị suy gan cấp tính có thể cần ghép gan. Hiện chưa có phương pháp đặc hiệu điều trị viêm gan A, chủ yếu tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và hỗ trợ cơ thể tự hồi.

Bạn và người nhà nên tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan A, giữ vệ sinh sạch sẽ như rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc, gần gũi với người bị nhiễm bệnh, không tự ý sử dụng thuốc. Các thành viên trong gia đình nên khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra sớm khi có triệu chứng bệnh hoặc nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với virus viêm gan A. Chồng bạn cần theo dõi tiến triển của bệnh nhằm phát hiện sớm các biến chứng nếu có.

BS.CKII Huỳnh Văn Trung
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp




Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: