Để thu hoạch nọc rắn độc như hổ mang chúa, các chuyên gia giàu kinh nghiệm phải giữ chặt đầu để răng nanh xuyên qua màng, bơm nọc vào lọ bên dưới.

Con rắn được giữ chặt trong quá trình vắt nọc vào bình. Ảnh: Ton Ponchai
Một phần quá trình sản xuất huyết thanh kháng nọc hoặc nghiên cứu sẽ bao gồm vắt nọc từ các loài rắn. Hoạt động vắt nọc thường diễn ra trong phòng an toàn cùng với người xử lý có kinh nghiệm. Nếu con rắn tương đối điềm tĩnh, người xử lý nhẹ nhàng giữ nó, thông thường với một tay đặt sau đầu và tay kia đỡ phần còn lại của cơ thể. Đầu rắn sau đó được hướng về phía bình thu thập được phủ màng mỏng. Khi răng nanh xuyên qua màng, rắn theo bản năng bơm nọc vào lọ bên dưới, theo IFL Science.
“Hiện nay, con rắn yêu thích của tôi có lẽ là con hổ mang chúa đực lớn nhất của chúng tôi tên Cyrus, dài 3,7 m rất khỏe. Rất khó quyết định loài tôi ưa thích nhưng tôi thường chọn rắn san hô phương Đông bởi nó quá đẹp”, Carl M. Barden, giám đốc Phòng thí nghiệm nọc độc Medtoxin tại Trung tâm Khám phá Bò sát, chuyên gia vắt nọc rắn tại cơ sở này, chia sẻ. “Tôi bị ám ảnh bởi rắn, đặc biệt là rắn độc từ khi còn nhỏ. Hầu hết quyết định tôi đưa ra trong cuộc sống đều liên quan đến theo đuổi nghề nghiệp khác thường này”.
Cơ sở sản xuất của Barden làm việc chặt chẽ với các dự án nghiên cứu và những công ty sản xuất huyết thanh kháng nọc, chuyên cung cấp nọc và hợp chất cần thiết cho ứng dụng cụ thể. Việc thu thập nọc rắn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi kỹ năng cao và quy trình an toàn nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho mọi người và mỗi con rắn.
“Có một loạt quy trình an toàn được áp dụng trong trường hợp bị cắn. Điều chủ chốt là chúng tôi có huyết thanh kháng nọc tại chỗ cho mọi loài rắn. Chúng tôi cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với bệnh viện. Chúng tôi cũng diễn tập cho trường hợp bị rắn cắn. Ngoài ra, chúng tôi có sẵn một loạt thuốc để điều trị phản ứng dị ứng cấp tính và sốc phản vệ do nọc độc”, Barden nói.
Nọc rắn vô cùng phức tạp, các loài rắn khác nhau có thành phần hóa học riêng biệt. Protein trong nọc rắn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tuần hoàn và thần kinh của nạn nhân, phá hủy rộng rãi của mạch máu, đôi khi gây liệt, suy hô hấp, hoặc hoại tử ở khu vực bị ảnh hưởng, thậm chí buộc phải cắt cụt chi.
Theo PubMed, một nhóm nghiên cứu đang phát triển các tuyến nọc độc tách biệt trong phòng thí nghiệm. Bằng cách tách tế bào tuyến nọc độc từ phôi rắn và đưa chúng qua quy trình tạo cơ quan, các nhà khoa học tái tạo thành công tuyến nọc độc hoạt động được. Khi những tuyến mini này phát triển, chúng chứa đầy nọc độc có thể thu hoạch và nọc độc tạo ra trong phòng thí nghiệm này có thành phần hóa học tương tự nọc độc từ rắn sống. Tuy nhiên, hiện nay, cách duy nhất để lấy nọc rắn vẫn là vắt trực tiếp.
Trên khắp thế giới, ước tính mỗi năm có 5,4 triệu người bị rắn cắn, trong đó 1,8-2,7 triệu ca nhiễm nọc độc và 81.410-137.880 ca tử vong. Tuy nhiên, con số có thể thấp hơn thực tế do nhiều ca tử vong xảy ra ở vùng nông thôn. Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố nhiễm độc do rắn cắn là bệnh nhiệt đới ưu tiên cao nhất. Cùng năm đó, tổ chức Snakebite Envenoming Working Group được thành lập, tập trung vào việc giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật xuống 50% năm 2030. Rắn cắn thường rất nguy hiểm vì nạn nhân có thể sống xa nguồn cung cấp huyết thanh kháng nọc hoặc bệnh viện có thể tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch.
An Khang (Tổng hợp)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!