![Bố bảo để tôi có cảm giác được mong chờ... - Ảnh 1.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/z63099486150746d865425b099c5089163d2a546b5eb7b-17393333722282048388489.jpg)
Ảnh minh họa: T.T.D.
Xe gần dừng, ngó ra ngoài cửa kiếng thấy dáng bố hao gầy lưng tựa vào chiếc xe Dream bạc phếch màu thời gian, mắt chăm chú tìm chiếc xe quen thuộc, tôi thấy Tết đến thật rồi.
Bao nhiêu năm vẫn vậy, mỗi lần về nhà bố luôn chờ đón tôi như thế. Bố bảo để tôi có cảm giác được mong chờ…
Tôi sẽ bỏ chiếc ba lô lên phía trước rồi leo lên xe bố. Chiếc xe chạy chầm chậm, tôi dang hai tay ra như muốn cảm nhận hết cái tiết trời se se lạnh của buổi sáng Tây Nguyên vào những ngày giáp Tết.
Hai bên đường từng rẫy cà phê bung nở hoa trắng muốt một màu dần trôi qua. Tôi hít hà mùi thơm của hoa cà phê lan nhè nhẹ trong không khí. Tự dưng lúc ấy thấy lòng mình nhẹ bẫng, vòng tay ôm bố, bình yên là phút giây này chứ đâu.
Tôi còn huyên thuyên kể bố nghe đủ những chuyện trên thành phố. Bố im lặng. Nhưng tôi biết đằng sau ấy là sự yên tâm rằng con gái mình đang sống những ngày tháng xa nhà rất vui vẻ. Bố tôi là mẫu người đàn ông bên ngoài trầm lặng.
Từ nhỏ đến lớn chẳng mấy dịp, bố thể hiện tình cảm với vợ con bằng những câu nói ngọt ngào, vỗ về. Nhưng tôi vẫn thấy cả một trời yêu thương trong đôi mắt đầy bao dung và đôi bàn tay quần quật suốt ngày từ việc nương rẫy tới chăn nuôi lợn, gà để vợ yên tâm công tác, các con có điều kiện tốt nhất để học hành.
Bố thể hiện sự quan tâm đến gia đình bằng những chi tiết rất nhỏ. Như cách ông chuẩn bị sẵn một nồi chân giò hầm với măng khô, miến rửa sạch để ráo, hành lá thái thật nhỏ, chỉ cần tôi rửa mặt, ngồi vào bàn là đã có bát miến thật ngon để thưởng thức. Tôi sẽ ăn những sợi măng le rừng đã được xé mịn.
Nghe đâu đó có tiếng gió thổi vun vút trong những cánh rừng, tiếng róc rách của nước len qua những con suối nhỏ. Tôi thấy cả hình ảnh bố tôi cặm cụi phơi măng trong cái nắng rát da. Món ăn ngon là bởi vì trong ấy còn chứa ký ức và tình yêu.
Bố tôi vẫn bảo rằng Tết sum vầy, nghỉ ngơi, đừng bày vẽ nhiều, vất vả. Nhưng Tết phải có nồi bánh chưng và vài cây giò. Nhà cửa cũng thế, bố cứ dặn mẹ không cần cầu kỳ nhiều, vài chậu cúc vàng mẹ thích chưng ngoài sân.
Một cây quất sum sê trái ở cửa ra vào, cầu mong một năm mới cả nhà lúc nào cũng quây quần quấn quýt bên nhau. Tết nhà tôi vì vậy mà thảnh thơi và nhẹ nhàng lắm nhưng cũng ấm áp, đủ đầy.
Mẹ thế nào cũng tranh thủ làm ít mứt dừa. Mứt dẻo, thơm mùi sữa, càng ăn càng thèm.
Nhưng thèm nhất là khoảnh khắc mẹ luôn tay đảo mứt trong chảo, bố ngồi cạnh bên thỉnh thoảng đẩy củi vào bếp.
Tôi loay hoay bên chạn chén, sờ tay vào những đồ vật cũ, chạm lại những ký ức của mình ngày bé. Cái thố bằng sành đựng mỡ, sau bao năm vẫn vậy, bóng đẹp. Ngày trước mỗi sáng mùa đông mà có bát cơm nóng vùi thìa mỡ và ít nước mắm ngon thì thật thích.
Hộp đựng đường bằng nhựa đã ngả vàng là niềm vui tuổi thơ của hai chị em. Đi chơi hay đi học về việc đầu tiên, chúng tôi sẽ chạy ào vào bếp múc một thìa đường, bỏ vào miệng nhấm nháp. Niềm vui, hạnh phúc của trẻ con đơn thuần chỉ có thế.
Những đồ vật cũ vẫn được bố mẹ sử dụng, trân trọng như giữ gìn những khoảng thời gian chị em tôi còn quẩn quanh bên bố mẹ. Và cũng để các con khi lớn lên, xa nhà, ngược xuôi muôn nẻo khi trở về vẫn thấy bố mẹ vẫn ở đây, nhà vẫn vậy, các đồ vật vẫn thân quen.
Bởi vậy mà dù đi học xa nhà nhiều năm, dù lấy chồng cách cả ngàn cây số, đợt dịch giã mấy năm chẳng về nhà được thì trong tôi từng góc sân, cây trái trong vườn vẫn như in trong trí nhớ.
Năm ngoái, không về nhà ăn Tết, mùng một tự dưng thấy lòng mình lạc lõng. Mọi năm ở nhà với bố mẹ, sáng mùng một Tết sau khi cúng kiếng ông bà tổ tiên, cả nhà sẽ cùng nhau ra thăm rẫy.
Ban đầu chị em tôi cũng thắc mắc sao phải ra thăm rẫy ngay ngày đầu năm mới. Sau này mới biết bố mẹ cho rằng những ngày đầu năm mới là dành để quan tâm đến người thân. Với bố mẹ tôi, đất đai là người ơn của cả gia đình.
Nhờ có đất, có những vụ mùa bội thu, gia đình tôi từ những ngày khó khăn trăm bề từ Ninh Bình vào mới đủ đầy như ngày hôm nay. Bố vẫn mong ước con cái học hành đến nơi đến chốn có công ăn việc làm ổn định, không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng lòng biết ơn thì không bao giờ được quên.
Tết của tôi vẫn bình yên và nhẹ nhàng trôi qua như thế bao nhiêu năm nay. Mà có lẽ chỉ cần bên bố mẹ nhìn nắng, ngắm mưa, hít hà hương cà phê với riêng tôi như vậy là đã đủ Tết rồi.
![Thương sao cái tết vương màu bụi - Ảnh 1.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/01/tet-duoi-mai-nha-banner-17373651626501181618307.jpg)
Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.
Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email [email protected].
Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số căn cước công dân cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.
Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).
Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ
Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.
Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
– 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng.
– 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
– 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.
Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!