Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
18 lượt xem

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ tiến tới bỏ ‘room’ tín dụng

Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới điều hành, có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhà băng.

Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại, sáng 11/2. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm nay, Chính phủ đặt kế hoạch GDP tăng trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng để đạt mục tiêu này.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ chủ động, đồng bộ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Việc này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng”, ông Tú cho biết.

Năm nay, hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khoảng 16%, tăng 0,92 điểm phần trăm so với thực hiện 2024. Phó thống đốc Tú cho biết trước mắt “room” tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho các nhà băng trên cơ sở thực tế, thay vì cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng. “Việc này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Tú nói.

Tại họp báo Chính phủ hôm 6/2, ông Tú cũng từng nói cơ quan quản lý chỉ kiểm soát chung mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, tạo chủ động cho các ngân hàng thương mại. Song điều kiện là họ phải cho vay đúng đối tượng, đảm bảo an toàn hệ thống.





Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị, ngày 11/2. Ảnh: VGP

Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị, ngày 11/2. Ảnh: VGP

Thực tế, cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì hơn chục năm qua. Từ 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, “room” tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát…

Khi ngành ngân hàng dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều chuyên gia đề xuất nhà điều hành nên bỏ việc duy trì cấp “room” này. Bởi cơ chế cấp “room” chưa thể hiện sự khuyến khích đủ với những ngân hàng có tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân cao – những lĩnh vực sẽ giúp kích cầu cho nền kinh tế và rủi ro thấp. Trong khi đó, nhà điều hành giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng vào đầu năm và sau đó việc nới “room” theo yêu cầu, được thực hiện định kỳ từ 1-2 lần vào đợt giữa hoặc cuối năm. Việc chờ Ngân hàng Nhà nước xem xét theo đợt cũng khiến một số nhà băng rơi vào thế kém chủ động trong việc giải ngân.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ “room” tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này. Song, họ lo ngại việc bỏ hẳn cơ chế “room” tín dụng hàng năm có thể khiến hệ thống quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước năm 2011.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận tình hình thế giới có những diễn biến nhanh, phức tạp. Các nền kinh tế lớn đưa ra những chính sách tác động tới Việt Nam, nên cần chuẩn bị kịch bản ứng phó. Với mục tiêu tăng trưởng cao, Thủ tướng đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới trong phát triển đất nước.

Ông muốn lãnh đạo các ngân hàng phân tích kỹ những khó khăn, thuận lợi, từ đó đề xuất giải pháp để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm ngoái, tăng trưởng tín dụng năm ngoái ở mức 15,08% so với cuối năm 2023. Khoảng 2,2 triệu tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế, với doanh số cho vay 23 triệu tỷ.

Lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Cơ quan này cũng hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3%.

Phương Dung



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: