Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
17 lượt xem

Thủ tướng: Sớm hoàn thành đề án bỏ thanh tra cấp huyện

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện đề án tinh gọn ngành thanh tra còn hai cấp trung ương và tỉnh để xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi trình Quốc hội.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết nghị quyết 18 diễn ra chiều 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết; đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành. Việc sắp xếp phải khắc phục những bất cập, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ quá trình sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra theo hai cấp phải bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời rà soát, đánh giá, lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, tinh thông nghiệp vụ để sắp xếp vào đội ngũ làm công tác thanh tra.

Quá trình vận hành nếu có vướng mắc thì tiếp tục bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống chính trị. Mục tiêu cốt lõi là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức, phân định rõ chức năng, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm yêu cầu công tác.





Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết nghị quyết 18, chiều 10/2. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết nghị quyết 18, chiều 10/2. Ảnh: Nhật Bắc

Trước đó, Ban chỉ đạo đã thảo luận căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc của việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; xác định chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy và đánh giá tác động các bước sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra. Ban Chỉ đạo đề xuất tổ chức bộ máy ngành thanh tra thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo hai cấp trung ương và địa phương (cấp tỉnh).

Nguyên nhân là bộ máy của ngành thanh tra còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối bên trong; hiệu quả, hiệu lực chưa tương xứng số lượng công chức; chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong thực thi công vụ ở thanh tra cấp bộ, ngành; thanh tra theo ngành, lĩnh vực và theo cấp hành chính còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, giao thoa. Các cơ quan thanh tra “cần sắp xếp, cơ cấu lại để tập trung, thống nhất, chuyên nghiệp theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.

Theo Luật Thanh tra 2022, cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ; thanh tra tỉnh; thanh tra huyện; cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Nếu tinh gọn còn hai cấp như đề xuất của Ban Chỉ đạo Chính phủ, ngành thanh tra sẽ không còn thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố.





Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu chiều 10/2. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu chiều 10/2. Ảnh: Nhật Bắc

Giai đoạn 2021-2024, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 573.000 tỷ đồng, 1.890 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 32.000 tập thể và 55.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1.532 vụ việc, 1.212 người.

Vào cuối tháng 1, hội nghị Trung ương khóa 13 đã thống nhất tinh gọn tổ chức bộ máy công an theo mô hình ba cấp bộ, tỉnh, xã, không tổ chức công an cấp huyện.


Viết Tuân

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: