Cuộc đời tôi trải qua hai giai đoạn, ngăn cách bởi một buổi sáng khi tôi chuẩn bị bước vào tuổi 40, khác nhau như bầu trời và vực thẳm. Và cách tôi sống với chúng cũng khác nhau như ngày và đêm vậy.
Nhờ các phước báu trong quá khứ, từ nhỏ cuộc sống của tôi đã luôn tròn đầy và tốt đẹp. Thời đi học tôi luôn là học sinh nổi trội trong các trường chuyên lớp chọn. Tôi tham gia và đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi rồi giành học bổng du học nước ngoài. Tới khi đi làm, tôi luôn được tin tưởng để giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng khi tuổi đời còn trẻ. Tôi có một cơ thể khỏe mạnh, một gia đình hạnh phúc với những đứa con xinh đẹp. Và nhiều năm trước tuổi 40, tôi đã đạt gần như tất cả những điều mà với nhiều người là mục tiêu phấn đấu cả cuộc đời. Nhưng ngay khi như đang có mọi thứ trong định nghĩa về thành công và hạnh phúc, lòng tôi vẫn đầy bất an, phiền não không thể tự giải tỏa. Điều này thôi thúc tôi từ nhiều năm trước đi tìm con đường để thoát khỏi những khổ đau không rõ nguyên nhân. Và thật may tôi đã tìm được nơi trú ẩn cho nội tâm của mình trước khi cơn sóng thần cuộc đời ập xuống.
Một năm qua tôi trải qua những đau đớn về thể chất và tinh thần mà rất ít người có thể hình dung. Đang từ một người trẻ đầy sung mãn theo đuổi những giấc mơ lớn, tôi bỗng thấy mình chật vật với những nhu cầu sinh lý cơ bản nhất. Nhưng vào lúc thế giới tưởng như đã sụp đổ, lạ kỳ thay, tôi đã có quãng thời gian hạnh phúc, an vui và hòa hợp chưa từng có trong đời. Thay vì điên cuồng, tuyệt vọng phản ứng lại, tôi học được cách chấp nhận sự thật khắc nghiệt đang diễn ra trên chính thân thể mình. Thay vì than thân trách phận, tôi biết ơn vì từ chính trong nghịch cảnh của cuộc đời, tôi học thêm được nhiều bài học về cuộc sống. Thay vì sự rầu rĩ và than khóc, gia đình tôi vẫn tràn ngập tiếng cười và tình thương yêu. Tôi đã sử dụng một cách trọn vẹn thời gian còn lại của mình để phát triển sự bình an nội tâm và lan tỏa năng lượng tích cực đến những người xung quanh.
Sự chuyển hóa về tâm thức này không tự nhiên có, mà là kết quả của hơn 5 năm biết và thực hành phương pháp thiền Vipassana được giảng dạy bởi Thiền sư Goenka theo truyền thống của Ngài Ubakhin. Đây là phương pháp thiền cổ xưa đã được chính Đức Phật khám phá và giảng dạy trong suốt cuộc đời Ngài (Đại kinh Niệm xứ, MahaSatipatthana), được bảo tồn sự nguyên vẹn ban sơ bởi một dòng truyền thừa liên tục các thiền sư thầy Tổ trong hơn 2.500 năm qua. Tôi nhận ra phương pháp thiền này và tất cả những gì Đức Phật giảng dạy hoàn toàn không mang tính tín điều, tâm linh hay tông phái, mà đơn thuần chỉ là con đường đưa thẳng tới hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau mà ai ai cũng có.
Người học thiền Vipassana sẽ bắt đầu bằng việc tham gia một khóa thiền 10 ngày. Để duy trì sự thuần khiết của phương pháp thiền này, toàn bộ việc tham gia khóa thiền là miễn phí. Sự giảng dạy, nơi ở, thức ăn và sự phục vụ đều đến từ sự hiến tặng không vụ lợi của các thiền sư và thiền sinh cũ, những người đã được hưởng sự lợi lạc của phương pháp thiền này và mong muốn mang sự lợi lạc này tới cho nhiều người khác. Trong khóa thiền, chúng ta sẽ giữ năm giới cơ bản (không sát hại, không trộm cắp, không có hành vi tình dục sai trái, không nói dối, không sử dụng các chất gây say) và tạm dừng mọi hoạt động giao tiếp với thế giới bên ngoài, kể cả với các thiền sinh cùng khóa. Chúng ta cũng dừng việc đọc, viết, nghe nhạc hay các hoạt động giải trí khác. Mục đích của việc này là để các thiền sinh có thể hoàn toàn im lặng quay vào bên trong, phát triển sự ý thức về thân và tâm mình, duy trì sự bình tâm với những biến đổi nơi thân và tâm.
Là một sinh vật xã hội, ngay từ khi sinh ra chúng ta đã luôn hướng sự chú ý của mình ra bên ngoài để tìm kiếm sự công nhận. Mỗi người đều tự xây dựng cho riêng mình một hình ảnh tưởng tượng, một hình dung hay một hình tượng chuẩn mực về chính bản thân, với những gì chúng ta mong muốn được ghi nhận hay được nhớ tới. Từ cái tôi tưởng tượng này, chúng ta làm mọi việc cốt để có được hoặc níu giữ điều mình muốn, như vị trí trong xã hội, tiền bạc, sức khỏe, các mối quan hệ, và để tránh xa hoặc xua đuổi những gì chúng ta không ưa, như bệnh tật, nghèo khó hay sự phủ nhận. Khi một điều mong muốn xảy ra, chúng ta phản ứng lại bằng cảm giác hài lòng, dễ chịu. Ngược lại khi một điều không mong muốn xảy ra, chúng ta phản ứng lại bằng sự căng thẳng, bất an. Chúng ta phát triển sự dính mắc vào những điều ưa thích, và sự ghét bỏ với những điều không ưa thích. Một người phát triển sự dính mắc với con cái hay của cải sẽ thật khó chấp nhận sự thật rằng một ngày nào đó chúng sẽ rời bỏ họ. Một người khỏe mạnh sẽ thật khó chấp nhận nếu một ngày bệnh tật ập tới. Nhưng như tất cả sự ham muốn, những gì đang có sẽ không đủ để khiến chúng ta hạnh phúc mãi. Chúng ta sẽ muốn có nhiều hơn và càng cố tránh xa hơn những điều không mong muốn. Dần dần, sự dính mắc của chúng ta với những điều mình muốn hay sự ghét bỏ đối với những điều không muốn ngày càng gia tăng. Chúng ta tự tạo thêm những nút thắt cho riêng mình.
Nhưng sự thật là cuộc sống vốn luôn biến đổi mà không hề báo trước, những việc chúng ta mong muốn sẽ không xảy ra, những việc không như ý rồi sẽ xuất hiện. Ngay cả Đức Phật, dù hàng ngày vẫn có hàng triệu người cầu nguyện trước tượng của Ngài để được ban phước lành và sự may mắn, cũng không có quyền năng để thay đổi sự vô thường của cuộc sống hay cuộc đời của bất kỳ ai. Không phải hoàn cảnh xảy ra như thế nào, mà chính phản ứng của chúng ta với chúng khiến tâm liên tục dao động giữa sự ham muốn và ghét bỏ, giữa cảm giác dễ chịu và khó chịu. Đây mới là nguyên nhân của mọi khổ đau mà ai ai cũng có.
Sau này khi đã phát triển sự hiểu biết về bản thân hơn, tôi mới nhận ra nguyên nhân những phiền não trước đây của mình. Vốn đã quen là trung tâm của sự chú ý, tôi dần xây dựng nên một hình ảnh chỉn chu, hoàn hảo về chính mình. Một vết mỡ từ bát bún bò vô tình dính lên chiếc áo được là phẳng phiu cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng đầu ngày của tôi. Tôi thỏa mãn khi mọi việc diễn ra đúng ý mình, nhưng cũng dễ dàng phản ứng với bất kỳ điều trái ý nhỏ nhoi nào. Điều đó khiến bầu không khí xung quanh tôi thường căng thẳng. Không chỉ cầu toàn với bản thân và nhạy cảm với mọi sự so sánh, tôi còn có xu hướng luôn nhìn vào nhược điểm và phán xét người khác. Dù có vẻ như đang có mọi thứ, khó có thể nói rằng tôi cảm thấy hạnh phúc khi tâm còn đầy phiền não và bất tịnh như vậy.
Vipassana, theo ngôn ngữ Ấn Độ cổ xưa, có nghĩa là quan sát sự vật đúng như thật, không phải như chúng có vẻ là. Đây cũng chính là cốt tủy của phương pháp thiền này, quan sát sự thật một cách khách quan mà không phản ứng lại. Mọi cảm nhận, phản ứng của chúng ta với thế giới bên ngoài đều được phản ánh qua cảm giác trên thân (hãy hình dung tới cảm giác dễ chịu khi bạn nhận được một lời khen, hay cảm giác nóng bức khi cơn giận xuất hiện). Khi thực hành thiền Vipassana, chúng ta quay vào bên trong, quan sát với một thái độ khách quan, và phát triển sự bình tâm với mọi cảm giác đang diễn ra nơi thân.
Càng thực hành, chúng ta càng trở nên nhạy cảm với những phản ứng của mình và càng phát triển khả năng quan sát một cách khách quan mà không phản ứng lại. Dù đối mặt với những điều bất như ý xảy ra trong đời, chúng ta cũng không đánh mất đi sự bình tâm. Trước đây, chúng ta chỉ nhìn ra bên ngoài, luôn luôn tìm kiếm và đổ lỗi cho nguyên nhân bên ngoài về những bất hạnh của mình. Qua thực hiện hành thiền Vipassana, chúng ta bắt đầu hiểu rằng nguồn gốc của sự đau khổ nằm bên trong ta, nằm ngay trong những phản ứng mù quáng đối với những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu do hoàn cảnh bên ngoài mang lại. Khi ngừng phản ứng, chúng ta cũng ngừng gia tăng sự đau khổ của mình. Trái lại, chúng ta để cho phiền não biểu lộ rồi mất đi. Sự giác ngộ hoàn toàn của Đức Phật không phải là quyền năng làm cho những điều Ngài mong muốn xảy ra hay ngược lại, mà là ở khả năng duy trì sự bình tâm tuyệt đối trước tất cả những thăng trầm của cuộc đời.
Khi tiến bộ hơn trên con đường Vipassana và nhìn thấy sự thật về nguyên nhân của những khổ đau nơi chính mình, chúng ta thấy ai ai cũng có nỗi khổ riêng. Vì vậy, chúng ta phát triển được tình thương và lòng bi mẫn đối với những đau khổ và thất bại của người khác, vui mừng vì sự thành công và hạnh phúc của người khác. Và khi an vui, chúng ta không thể giữ mãi sự an vui cho riêng mình mà bầu không khí chung quanh cũng sẽ tràn ngập sự an vui và hòa hợp. Dĩ nhiên để đạt tới mức độ đó cần có thời gian vì Vipassana là một con đường nghiêm túc, nhưng những thay đổi tích cực sẽ đến ngay từ những ngày đầu tiên thực hành phương pháp thiền này.
Không ai hết khát chỉ bằng cách cầu nguyện hoặc nhìn người khác uống nước. Đức Phật, dù có hàng triệu tín đồ khi còn tại thế, cũng không dùng bất cứ quyền lực nào để áp đặt niềm tin mù quáng nơi Ngài. Ngài chỉ dạy con đường Ngài đã tự khám phá ra bằng chính kinh nghiệm của mình, và đề nghị mọi người cũng tự bước đi trên con đường đó để chứng nghiệm sự thật, sự thật về khổ đau và con đường giải thoát khỏi khổ đau bằng cách phát triển khả năng bình tâm trước mọi hoàn cảnh.
Dù mới chỉ chập chững bước đi trên con đường Vipassana, tôi vô cùng biết ơn cuộc sống vì đã tìm được điều quý giá nhất trong cuộc đời mình, để được nếm vị ngọt chưa bao giờ có trong đời, vị ngọt của an vui thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự.
Đỗ Thành Long
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!