![1.001 chiêu bẫy khách hàng - Ảnh 1. 1.001 chiêu bẫy khách hàng - Ảnh 1.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/lua-dao-17389768061991574187450.jpg)
Nhiều khách hàng bị lừa đảo với nhiều hình thức khác nhau nhưng chung một kịch bản – Ảnh chụp màn hình: T.THƯƠNG
Các cách thức lừa đảo này đã được các cơ quan chức năng “điểm mặt chỉ tên” nhưng vì sao khách hàng vẫn dễ bị mất số tiền lên đến hàng tỉ đồng?
Hàng chục hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên mạng
Mạng xã hội đang xôn xao một nạn nhân ở Hải Phòng đặt phòng khách sạn trên fanpage có tích xanh bị lừa hơn 1 tỉ đồng. Theo nữ nạn nhân trên, mọi việc bắt đầu từ lệnh chuyển khoản đầu tiên để đặt tiền cọc trước.
Cô kể: “Tôi tìm fanpage này trên Facebook cá nhân. Sau khi chuyển hơn 6,5 triệu đồng lần 1 và được thông báo nội dung chuyển khoản sai. Tôi được yêu cầu chuyển lại lần 2 theo nội dung đúng và sẽ được hoàn tiền, kèm số tài khoản thụ hưởng để công ty hoàn trả. Thao tác sai, tài khoản thụ hưởng bị lỗi… là những câu nói được “trấn an” để tôi tiếp tục chuyển khoản đến 7 lần”.
Tài khoản cá nhân T.K.H. vẫn còn ám ảnh khi một tháng trước bị lừa mất tiền online nhưng dưới hình thức tham gia cuộc thi áo dài. “Ban đầu hướng dẫn tôi thi vòng thi sơ khảo với nhóm có “5 người thi”, gửi link tham gia trong đó phải mua sản phẩm để được trích 15% vào quỹ người nghèo, tính điểm cộng đóng góp xã hội, sau đó công ty là nhà tài trợ chương trình sẽ tất toán lại.
Bốn người còn lại chia sẻ từng thi năm trước và được tất toán lại rất nhanh. Lần đầu tôi chuyển khoản 1 triệu đồng, và do chuyển sai nội dung nên cần chuyển lại lần 2. Lần 3 tài khoản đã trừ 15 triệu đồng kèm tin nhắn tài khoản nhận hệ thống bị treo cho đến khi tôi mất hết 400 triệu đồng mới tỉnh người”, nạn nhân T.K.H. kể lại.
Tương tự, chị Thanh (ở quận 3, TP.HCM) cũng chia sẻ bị lừa mất 7 triệu đồng khi mua vé máy bay trên fanpage có tên “Vé Máy Bay Giá Rẻ 24/7”. Nhưng may mắn là chị Thanh đã dừng lại lúc “đại lý” nói ghi sai nội dung chuyển khoản vì đến đoạn này là bắt đầu của kịch bản lừa.
Một kịch bản lừa đảo khác là tham gia bình chọn sao cho resort, nhà hàng. Theo anh Nguyễn Văn Su (TP Đà Nẵng), em gái anh đã mất số tiền 300 triệu đồng khi tham gia cuộc thi như vậy với mức mời chào được 9.000 đồng/đánh giá sao cho resort.
“Sau dịch COVID-19 sức khỏe em gái yếu đi nên em ở nhà tìm việc nhẹ, nhưng việc chưa có thì 300 triệu đồng tiền để xây nhà đã bị lừa mất. Ban đầu, em tôi được đưa vào nhóm Telegram và phải nộp tiền cho một lần bình chọn với giá trị tăng dần, được hứa trả lương, hứa sẽ hoàn trả tiền khi tham gia xong các chương trình. Nhưng em chỉ được báo chuyển sai nội dung và thế là diễn biến như các nạn nhân khác”, anh Su kể.
Ngoài ra có phụ huynh cũng phản ánh đã bị lừa mất tiền khi được mời chào cho con thi mẫu nhí, chụp ảnh làm đại diện thương hiệu với hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử để hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình.
Theo một số hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật, tội phạm mạng vẫn đang tiếp tục sáng tạo những chiêu thức lừa đảo mới nhắm đến người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Trong đó có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với gần 25 hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng VN.
Tích xanh có đáng tin cậy?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian qua xu hướng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang các kênh trực tuyến bùng nổ, trong khi kiến thức hiểu biết về bảo toàn thông tin số bị hạn chế, tâm lý khách hàng dễ bị thao túng. Điều này dẫn đến người dùng trở thành “mồi béo” cho tội phạm lừa đảo.
Nhìn lại việc bị lừa đặt phòng khách sạn qua fanpage tích xanh mất tiền tỉ, nạn nhân chia sẻ: “Niềm tin lớn nhất và đầu tiên vì thấy fanpage có tích xanh. Minh chứng đã từng hai lần đặt phòng thành công khi tìm kiếm trên trang cá nhân.
Lần này, tội phạm còn gọi video để lấy lòng tin, cộng với tâm lý tin rằng tiền sẽ được chuyển lại, rồi suy nghĩ mình không thể làm thao tác bị lỗi nên cố gắng làm nhanh, làm nhiều lần cho đúng”.
Vậy tích xanh có dễ mua và có thật sự còn ý nghĩa trên không gian mạng?
Ông Ngô Minh Hiếu (biệt danh Hiếu PC), đại diện nhóm Chống lừa đảo, cho biết hiện có hai loại tích xanh. Tích xanh do Facebook cấp cho người công chúng, người nổi tiếng và tích xanh do… bỏ tiền ra mua và rất dễ mua.
“Tích xanh hiện nay rất dễ mua. Để giả danh resort/villa/khách sạn chỉ cần mua fanpage khác có tích xanh để sử dụng mục đích lừa đảo. Về vấn đề này, Meta (công ty mẹ của Facebook) ở VN không có nhưng các vùng tại Mỹ hay các nước châu Âu chỉ tốn vài chục USD/tháng có thể mua được dễ dàng tích xanh. Vì vậy kẻ lừa đảo sẽ chuyển sang các nước khác để mua, sau đó chỉ cần đặt lại tên VN.
Hoặc kẻ xấu hack fanpage chính thống được quản lý bởi tài khoản cá nhân để đi lừa nhiều người. Sau đó sẽ đổi tên, Facebook hỏi để xác thực chỉ vài giờ hoặc vài ngày, vì đã có thông tin trùng khớp nên Facebook sẽ chấp nhận”, Hiếu PC giải thích
Sau khi có tài khoản fanpage/Facebook có tích xanh, tội phạm lừa đảo “sắm” thêm tài khoản ngân hàng bán tràn lan trên mạng, mà theo Hiếu PC, việc này mua dễ hơn mua rau. Hiếu PC dẫn chứng với tài khoản ngân hàng cá nhân tại VN chỉ bán với giá 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; tài khoản doanh nghiệp được rao bán chỉ vài triệu đồng.
“Tích xanh hiện nay đã không còn ý nghĩa. Vì khi có tích xanh rồi, những tương tác, bình luận ảo cũng mua rất dễ, rất rẻ. Người dùng cần chậm vài giây để kiểm tra, vì tài khoản ảo trang cá nhân đều có điểm chung như: không tương tác, hoặc có tự tương tác nhưng chỉ Facebook ảo tự tương tác với nhau”, Hiếu PC khuyến cáo.
Nạn nhân bị “dẫn dắt” tâm lý để chuyển khoản ra sao?
Một giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết do thiếu kỹ năng khi sử dụng Internet, mua hàng qua mạng hay tham gia mạng xã hội, khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, mã số thanh toán… cho kẻ lừa đảo.
Hoặc các tin nhắn giả mạo khi gửi các đường link hay một tên thương hiệu, một nội dung chứa mã độc là mình vô tình tự tay làm “bay” tài khoản tài chính cá nhân.
Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An – thành viên Ban tư vấn chính sách, pháp luật cho thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – cho rằng khách hàng/người dùng mạng xã hội bị mất cảnh giác nên bị lừa. Kịch bản diễn ra giống nhau với các bước, ban đầu số tiền chuyển khoản rất ít, sau đó tiền bị mất lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chuyên gia tâm lý này đánh giá đây là chiến thuật “step by step” (từng bước một) của tội phạm lừa đảo. Nhiều người được hướng dẫn chuyển món tiền cực nhỏ ban đầu để sập bẫy lớn, cách thức thao tác thao túng tâm lý phổ biến.
Ông An nói thêm: Nếu nhà mất trộm, chủ nhà sẽ trang bị camera, chuông báo động, sắm ổ khóa có độ bảo mật cao hoặc là nuôi chó, nên để tránh lừa đảo chỉ có cách tự nâng cấp hiểu biết bảo toàn thông tin số trong thời đại chuyển đổi số.
“Tại sao tội phạm lừa đảo luôn đưa kịch bản sai tài khoản, sai nội dung chuyển, hay sai mã định danh… vì tội phạm lừa đảo rất am hiểu về tài chính số, ngân hàng số, chuyển đổi số trong khi người dùng VN thiếu hiểu biết.
Xã hội sẽ không dừng lại ở bấy nhiêu hình thức lừa đảo, sẽ đi song song với phát triển xã hội nên người dùng mạng xã hội cần nâng hiểu biết để “bảo mật” chính mình”, ông An đánh giá.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!