![Lương phi công tới nửa tỉ mỗi tháng, thu nhập sếp Vietnam Airlines, Vietjet Air thế nào? - Ảnh 1.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/vietnam-airlines-1512122706628-17389321823291713555443.jpg)
Lợi nhuận Vietnam Airlines đã phục hồi tích cực năm 2024 – Ảnh: VNA
Quý 4-2024, Vietnam Airlines (HVN) lãi lớn trở lại so với mức lỗ cùng kỳ năm 2023. Vietjet Air (VJC) không lãi lớn quý 4 nhưng cũng có cả năm 2024 “rực rỡ” khi lợi nhuận sau thuế gấp nhiều lần năm trước.
“Đọ” kết quả kinh doanh Vietnam Airlines với Vietjet Air
Báo cáo tự lập của Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu quý 4-2024 đạt 26.625 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Tiền mang về nhiều hơn trong bối cảnh hàng không phục hồi, nhưng giá vốn hàng bán bỏ ra lại giảm 7%, lợi nhuận gộp của HVN nhờ vậy đạt hơn 4.377 tỉ đồng. Quý 4-2023, hãng này vẫn còn lỗ gộp gần 190 tỉ đồng khi bán hàng dưới giá vốn.
Điểm tích cực khác, chi phí lãi vay của HVN giảm từ 380 tỉ đồng quý 4-2023 về 246 tỉ đồng quý 4-2024.
Bởi vậy, bất chấp chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng đều tăng, lại lỗ ở liên doanh liên kết, hãng hàng không quốc gia vẫn ghi nhận quý cuối năm lãi sau thuế 1.003 tỉ đồng, so với mức âm 1.982 tỉ đồng cùng kỳ.
Cả năm ngoái, doanh thu thuần hợp nhất Vietnam Airlines đạt 105.786 tỉ đồng, tăng 16% so với 2023. Còn lợi nhuận sau thuế 7.267 tỉ đồng, cùng kỳ lỗ lớn 5.631 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh HVN phục hồi cao hơn trước dịch – Dữ liệu: BTCT hợp nhất
Còn tại Vietjet Air, báo cáo quý 4-2024 ghi doanh thu ở mức 19.796 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Ngược với đà giảm của VNA, giá vốn hàng bán quý này của VJC tăng 24%, đạt 18.786 tỉ đồng.
Dù vậy, VJC vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp hơn 1.010 tỉ đồng, thay cho mức lỗ gần 500 tỉ đồng của quý 4-2023. Chi phí lãi vay của VJC cũng tăng từ mức 596 tỉ đồng lên 826 tỉ đồng. Trong khi doanh thu hoạt động tài chính lại giảm mạnh.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý cuối năm của VJC chỉ hơn 21 tỉ đồng, cao hơn song không đáng kể so với cùng kỳ 2023.
Do các quý trước tốt hơn, cả năm 2024 lợi nhuận sau thuế của VJC vẫn đạt 1.426 tỉ đồng, gấp gần 6,2 lần năm 2023. Riêng doanh thu của VJC đạt mức kỷ lục với 71.858 tỉ đồng, tăng 23% so với năm trước.
Lợi nhuận Vietjet Air chưa lấy lại được “phong độ” so với trước dịch – Dữ liệu: BCTC hợp nhất
Nếu so về cơ cấu doanh thu phụ trợ giữa Vietjet Air và Vietnam Airlines, có thể thấy hãng hàng không giá rẻ đang mang về nhiều tiền hơn.
Quý 4, VJC có gần 6.600 tỉ đồng từ doanh thu hoạt động phụ trợ, tăng hơn 30%. Cùng thời gian, doanh thu từ bán hàng của VNA đạt 4.138 tỉ đồng, giảm 3%.
Cả hai cùng gánh nặng nợ phải trả lớn
Hệ số nợ (tổng nợ phải trả/tổng tài sản) cho biết một đồng tài sản có bao nhiêu đồng vay nợ. Nếu hệ số này quá cao sẽ gây lo ngại về rủi ro tài chính.
Tại Vietjet Air, nợ phải trả là 82.593 tỉ đồng, chiếm 83% tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2024. Còn ở Vietnam Airlines, tổng nợ phải trả cuối năm 2024 đã giảm gần 9% sau một năm khi kinh doanh phục hồi, chi phí tài chính bớt “căng thẳng”. Dù vậy với hơn 68.109 tỉ đồng, nợ phải trả vẫn vượt tổng tài sản của hãng (58.064 tỉ đồng).
Điểm tích cực bù lại, tại kỳ họp gần cuối năm ngoái, Quốc hội đồng ý thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng thuyết minh thu nhập lãnh đạo hai hãng không lớn của Việt Nam.
Tại Vietnam Airlines, tiền lương, thù lao của hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban điều hành hơn 14,25 tỉ đồng năm 2024, tăng 1,35 tỉ đồng so với năm trước.
Trong đó ông Đặng Ngọc Hòa, chủ tịch HVN, nhận thù lao hơn 1,38 tỉ đồng. Hai thành viên hội đồng quản trị là ông Tạ Mạnh Hùng và ông Lê Trường Giang đều nhận 1,11 tỉ đồng.
Các thành viên hội đồng quản trị khác như ông Hiroyuki Kometani, Đinh Việt Tùng, Trương Văn Phước nhận thù lao 105 – 222 triệu đồng.
Ở ban điều hành, ông Lê Hồng Hà – tổng giám đốc – nhận lương hơn 1,38 tỉ đồng. Còn các phó tổng giám đốc nhận thu nhập dao động 740 triệu đồng đến hơn 1,11 tỉ đồng.
Đáng chú ý tại ban kiểm soát, bà Dương Thị Việt Thắm nhận thu nhập khá cao, hơn 1,11 tỉ đồng.
Không thuyết minh chi tiết, Vietjet Air chỉ cho biết thành viên hội đồng quản trị nhận được gần 77,5 triệu đồng một tháng cho một người trong quý 4-2024, thấp hơn không đáng kể cùng kỳ.
Còn ở ban điều hành, tiền lương trung bình một tháng cho một quản lý Vietjet Air là 126,4 triệu đồng, tương đương cùng kỳ.
Trước đó truyền thông trong nước dẫn lại kết quả khảo sát của chuyên trang hàng không Aviation A2Z tiết lộ mức lương của các phi công tại Vietnam Airlines có xu hướng dao động 10.000 – 18.000 USD/tháng (251 – 451 triệu đồng/tháng), tương đương 120.000 – 216.000 USD/năm (3 – 5,4 tỉ đồng/năm). Mức lương sẽ tùy thuộc vào thâm niên và kinh nghiệm làm việc.
Trong khi đó, mức lương phi công Vietjet Air dao động 8.000 – 12.000 USD/tháng (200 – 300 triệu đồng/tháng) hoặc 96.000 – 144.000 USD/năm (2,4 – 3,6 tỉ đồng/năm).
![Lương phi công tới nửa tỉ mỗi tháng, thu nhập sếp Vietnam Airlines, Vietjet Air thế nào? - Ảnh 2.](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/20200914163621-3read-only-16001342909181966238833-crop-1600134365019288581801.jpg)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!