Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
12 lượt xem

‘Hầu hết địa phương đều e ngại dự án hóa chất, dệt nhuộm’

Nhiều địa phương khi nghe tới dự án nhuộm, giấy là sợ nguy cơ ô nhiễm, nên cần chính sách ưu đãi đặc biệt mới có thể thu hút dự án lĩnh vực công nghiệp hóa chất.

Sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Tại lần sửa đổi này, Chính phủ bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư công nghiệp hóa chất trọng điểm. Theo Điều 7 dự thảo luật, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo Luật Đầu tư, luật khác liên quan.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – cho rằng hóa chất là ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng nên việc đưa ra chính sách ưu đãi với dự án lĩnh vực này giúp công bằng cho các nhà đầu tư.

Theo ông, thực tế nhiều địa phương lo nguy cơ ô nhiễm, nguy hiểm nên có chủ trương không thu hút đầu tư vào các dự án hóa chất. Điều đó khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi rót vốn vào dự án lĩnh vực này.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cũng nói “hầu như lãnh đạo địa phương khi nghe tới dự án nhuộm, giấy… đều né tránh, do sức ép từ người dân, lo ngại ô nhiễm môi trường”.

Song ngoài ưu đãi thuế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng cần có thêm chính sách, biện pháp hỗ trợ khác để ngành công nghiệp hóa chất phát triển. Chẳng hạn, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu cơ chế sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư và coi đây là kênh hỗ trợ địa phương khắc phục về môi trường khi triển khai dự án hóa chất.

Ông Mạnh cũng góp ý cần xác định phạm vi, dự án hóa chất nào sẽ được nhận hỗ trợ đầu tư.





Các địa phương khi nhắc tới dự án về dệt nhuộm, giấy là e ngại

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Hóa chất (sửa đổi), sáng 7/2. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đồng tình quan điểm này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lưu ý cơ quan soạn thảo – Bộ Công Thương rà soát để tránh chồng chéo chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp hóa chất với luật chuyên ngành khác, như Luật Đầu tư, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Dược… Ông Tùng phân tích, Luật Đầu tư hiện hành không bao hàm chính sách ưu đãi đầu tư dự án lĩnh vực hóa chất. Như vậy, quy định tại Điều 7 dự thảo Luật Hóa chất sẽ không thực hiện được, không có giá trị.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói cơ quan này sẽ rà soát, đồng thời đề nghị thiết kế quy định về ưu đãi đầu tư tại dự thảo luật theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể các ưu đãi về đất đai, con người… với từng dự án cụ thể.

Dự thảo luật đề xuất hai phương án quản lý Nhà nước về hóa chất. Phương án 1, Bộ Công Thương thống nhất quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Hoạt động liên quan sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ do các bộ, ngành khác quản lý.

Phương án 2, Chính phủ sẽ quy định chi tiết quản lý Nhà nước về hóa chất, gồm hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết thường trực cơ quan này nhất trí với phương án 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận xét việc quy định quản lý Nhà nước về hóa chất là đổi mới tư duy trong công tác lập pháp. Ông nói đồng tình với phương án 2, bởi việc quy định quản lý hóa chất cần kiểm soát đặc biệt ra sao thuộc thẩm quyền Chính phủ, chứ không thể là Bộ Công Thương.

Nêu quan điểm giải trình từ phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay đề xuất thống nhất một cơ quan quản lý Nhà nước về hóa chất được đưa ra trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), và điều này phù hợp thực tế.

Theo ông, lâu nay hoá chất lưu thông trên thị trường không xác định được cơ quan nào quản lý. Doanh nghiệp khai báo không trung thực mục đích sử dụng để được chọn cơ chế kiểm soát thông thoáng hơn khi sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh. Việc này khiến hóa chất đưa ra thị trường bất hợp pháp, gây mất an toàn, an ninh.

Thống nhất một cơ quan đầu mối quản lý hóa chất, ông Diên nói giúp Chính phủ có căn cứ tổ chức thực hiện, tận dụng kinh nghiệm các bộ, ngành trong quản lý sản phẩm hóa chất.

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào giữa năm nay.

Anh Minh



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: