Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
12 lượt xem

Thị trường hoa Tết Ất Tỵ: Ai thắng, ai thua?

Hoa Tết: nhà vườn thắng, thương lái... mếu! - Ảnh 1.

Thị trường hoa cảnh có nhiều thay đổi khi người tiêu dùng có đủ thông tin về giá cả để lựa chọn – Ảnh: C.CÔNG

Trong khi nhà vườn ngày càng chuyên nghiệp ngay cả việc chăm sóc, chọn giống và bán hàng thì các thương lái hoa lại không mấy thay đổi, vẫn kêu giá cao những ngày đầu và “xả hàng” những ngày cận Tết.

Và kết quả không có gì bất ngờ khi hầu hết nhà vườn tại các tỉnh thành chuyên trồng hoa Tết như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ… bán trên 80% sản lượng hoa Tết nhưng ngoài chợ, các thương lái phải bán tháo để… thu hồi vốn.

Một điểm đặc biệt đó là giá hoa mùa Tết này không tăng nhiều so với những năm trước, thậm chí có những loại hoa còn giảm.

Nhà vườn đưa giá hoa sát với thực tế

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, anh Nguyễn Vĩnh Trọng (Bến Tre) đã treo bảng bán hoa ngay một bãi đất trống dọc quốc lộ 57C (huyện Châu Thành) với giá 80.000 đồng/cặp vạn thọ, loại chậu 4 cây, bông giấy ngũ sắc 110.000 đồng/chậu.

Anh Trọng giải thích lý do niêm yết giá “mềm” ngay những ngày cận Tết là nhiều nhà vườn đã bỏ tư duy “ban đầu bán mắc, càng cận những ngày Tết càng rẻ để xả hàng”.

“Thay vào đó, chúng tôi bán bằng mức giá từ đầu đến cuối và phải chọn mức giá phù hợp. Nếu bán được chừng 80 – 90% cũng đã có lời”, anh Trọng nói.

Theo anh Trọng, với giá bán ổn định như trên, chỉ cần bán hết sẽ có lợi nhuận khá tốt, chưa kể tiền bán cây con.

Hầu như năm nào cũng vậy, vừa ươm cây con lên là có người mua, tiền bán cây con cũng vừa đủ tiền thuê đất. Đây cũng là lý do anh Trọng chọn cách bán đúng giá ngay từ đầu để thu hút người mua.

Không chỉ những nhà vườn trồng và bán lẻ, các nhà vườn sản xuất chuyên nghiệp cũng đã có nhiều thay đổi trong tư duy.

Có những nhà vườn chọn phân khúc hoa phù hợp với tình hình kinh tế, có những nhà vườn lại chọn cách liên kết với thương lái để sản xuất theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất theo cách 50 – 50, tức 50% bán cho thương lái, 50% bán trực tiếp cho khách hàng.

Ông Lê Thanh Long – nông dân trồng hoa ở phường An Hòa (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) – cho biết nhờ thay đổi, sản xuất hoa theo thị hiếu người mua hoa trong 2 năm gần đây, tăng sản lượng hoa mâm xôi Hàn Quốc nhiều màu mới lạ, nên khách đến mua đông hơn.

“Có những bạn hàng từ TP.HCM đến tận vườn để mua mà không thông qua thương lái nữa. Nhà vườn đã chuyển đổi cách thức mua bán 50% bán trực tiếp đến khách hàng, không còn hoàn toàn lệ thuộc thương lái như trước. Đặc biệt vườn hoa mở cửa cho khách tham quan vừa có thêm thu nhập, vừa bán hoa với giá gốc nên khách thích lắm”, ông Long nói.

Xu hướng bán hoa Tết… bình dân

Ngoài giá hoa được đưa về sát với thực tế hơn, thị trường hoa Tết năm nay cũng không có nhiều sản phẩm “tiền tỉ” như những năm trước. Ghi nhận tại các chợ hoa Tết ở TP Cần Thơ hầu như “vắng bóng” những cây mai có giá trị cao hàng tỉ đồng như chợ hoa xuân những năm trước đây.

Anh Ngô Trần Đình Nghi – chủ cơ sở trồng và mua bán mai (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) – cho biết thực tế nhu cầu mua những cây mai cỡ lớn, lâu năm có giá từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng/cây giảm nhiều. Từ đó cơ sở cũng chủ động chuyển hướng kinh doanh sang cung ứng ra thị trường Tết dòng mai mini (mai chưng trên bàn).

“Song song việc chưng mai bán ở các lô chợ hoa xuân tại đường Hoàng Văn Thụ (quận Ninh Kiều), tôi cũng đăng hình bán mai với giá niêm yết lên Facebook, Zalo. Cách này cũng khá hay, khách thấy thích thì “chốt đơn” ngay, không có chèo kéo giá.

Những cây mai nhỏ, ít chiếm diện tích lô, chi phí vận chuyển nên đợt này tôi bán được hơn 300 cây mai mini, giá dao động từ 280.000 – 400.000 đồng/cây cũng lời kha khá”, anh Nghi nói.

Ông Bùi Hữu Tân – phó chủ tịch UBND phường Mỹ Phú, thành viên ban quản lý chợ hoa xuân Cao Lãnh – cho biết giá hoa kiểng năm 2025 giảm so với 2024. Đối với hoa Tết sức mua có tăng, riêng kiểng lá, mai bán chậm so với các năm.

“Sức tiêu thụ tại chợ hoa có tăng, nhưng đến 29 Tết vẫn thấy hoa ở chợ còn nhiều là do hoa “chạy chợ” từ các nơi lân cận TP Cao Lãnh đổ về để bán ngày cuối cùng”, ông Tân nói.

Ông Võ Minh Thông – quyền trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc – cho biết ngay từ đầu vụ, địa phương đã khuyến cáo người dân không tăng diện tích hoa Tết mà tập trung nâng cao chất lượng các loại hoa kiểng, tạo kiểu dáng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu thị trường.

“Qua khảo sát các nhà vườn bán tại các chợ như Long An, Bạc Liêu, TP.HCM, Cao Lãnh, Sa Đéc, Cần Thơ, Kiên Giang… cho thấy lượng hoa tiêu thụ giá ổn định nhưng giá không cao hơn năm 2024. Một số mặt hàng tiêu thụ chậm như mai vàng, bông giấy… phải hạ giá để tiêu thụ tuy nhiên vẫn không hết hàng phải vận chuyển về”, ông Thông cho biết.

Hoa Tết: nhà vườn thắng, thương lái... mếu! - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Vĩnh Trọng treo bảng bán hoa ngay quốc lộ 57C (huyện Châu Thành, Bến Tre) với giá rẻ bất ngờ ngay từ đầu nên đã nhanh chóng bán hết hoa và lãi gấp đôi – Ảnh: M.TRƯỜNG

Ai cũng nắm giá, hết thời chặt chém

Mùa Tết năm 2025, chị Nguyễn Thị Uyên (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đặt trước số lượng gần 400 chậu các loại vạn thọ, cúc mâm xôi vàng, cúc Đài Loan để bán tại chợ hoa xuân ở khu đô thị 586 (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Theo chị Uyên, nhà vườn cung ứng ra thị trường Tết hoa đẹp, chất lượng, giá bình ổn.

“Nhiều tiểu thương cũng vừa bán trực tiếp vừa bán online bằng cách đăng hình ảnh thật tại các lô sạp kèm theo giá bán nên chuyện hét giá chặt chém người mua hầu như không có vì ai cũng có cái điện thoại lên mạng nên thấy giá hết”, chị Uyên kể lại.

Trong khi đó, ông Đoàn Hữu Bốn – giám đốc HTX hoa kiểng Bình An (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) – cho biết 90 hộ thành viên HTX cung ứng ra thị trường khoảng 18.000 giỏ, chậu hoa các loại.

Do vừa bán tại vườn nhà, chợ hoa truyền thống ở bến Ninh Kiều vừa cập nhật hình ảnh liên tục để bán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, các hội nhóm mua bán hoa kiểng… nên không bị “dội” chợ.

Theo ông Bốn, cách bán hoa kiểng theo hướng 4.0 là điều cần thiết và phải được áp dụng thường xuyên, tức ngoài bày bán hoa kiểng tại các lô sạp truyền thống cần truyền thông trên các trang mạng xã hội, nhất là lúc triển khai trồng các loại giống hoa mới để người mua hay người chơi hoa kiểng biết đến nhiều hơn.

Điều đó cũng giúp guồng tiêu thụ hoa kiểng được trơn tru và nhanh chóng hơn.

Bài học kinh nghiệm mà ông Bốn đúc kết được sau hơn 15 năm theo nghề trồng hoa kiểng Tết đó là người trồng cần chuẩn bị tốt giá thể và cây giống sạch bệnh.

Ngay từ khi cây mới phát triển, cần truyền thông tin và hình ảnh lên các diễn đàn, Facebook, Zalo… cho mọi người biết. Khách hàng thích sẽ sẵn sàng đặt hàng trước. Khi đã có khách “chốt hàng”, không còn lo đầu ra, nông dân cứ mạnh dạn trồng.

“Điều quan trọng nhất là hoa trồng phải chất lượng, đẹp, hợp thị hiếu khách hàng thì tất nhiên bông sẽ bán được. Năm nay người trồng hoa như tôi cũng có thể gọi là thắng lớn vì số lượng và giá bán ra ổn, bông bán hết sớm chứ không có tình trạng đại hạ giá hoặc vứt bỏ trong đêm giao thừa, tức là buổi nhóm chợ cuối cùng của chợ hoa Tết”, ông Bốn nói.

Hoa có giá mềm bán chạy

Một cái Tết “hết hồn” là điều mà nhà vườn Nguyễn Văn Chiến (Chợ Lách, Bến Tre) gói gọn lại sau ngày 29 Tết.

Theo ông Chiến, năm nay ông bán mai tại Vũng Tàu và TP.HCM, nhưng chỉ mỗi Vũng Tàu tạm ổn, còn điểm ở đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) thì mang lên 250 cây nhưng chỉ bán được hơn 50%, do đó đến ngày 29 Tết buộc phải thuê xe chở về lại.

“Năm nay biết khó khăn nên tôi đưa ra giá ổn định, và chủ yếu loại mai nhỏ với giá 300.000 – 1,5 triệu đồng/chậu, thậm chí giảm giá 20% vào ngày 28 và 29 Tết nhưng vẫn khó bán. Chi phí tăng, vất vả cả năm nhưng tổng kết lại bị lỗ rồi, sang năm không biết có nên bán nữa không”, ông Chiến suy tư.

Trong khi đó, bán hết 350 chậu hoa cúc, vạn thọ, mào gà cũng là lúc phải trả lại mặt bằng cho công viên vào ngày 29 Tết, bà Ngô Thị Bích Hân (Đồng Tháp) thở phào cho biết năm nay bà chọn bán tại công viên Gia Định (TP.HCM) để hy vọng có nhiều người mua hơn nhưng tính ra không bằng bán ở vỉa hè năm ngoái.

Tuy vậy theo bà Hân, so với mặt bằng chung thì bà bán ổn hơn, không lâm vào cảnh đại hạ giá và đập bỏ hoa vào cuối ngày 29 Tết như nhiều nhà vườn, thương lái khác.

“Giá bán bình dân với 120.000 – 200.000 đồng/cặp tùy loại và tôi chỉ giảm giá 20% vào ngày 28 và 29 Tết thôi. Chắc do bán gần đường nên khách dễ mua”, bà Hân nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-2, đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết năm nay kẻ thắng người thua bởi giá hoa cắt cành không tăng như mọi năm, chưa kể cuối năm còn khó bán vì kẹt xe, hư hỏng.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng mua hoa sau (thanh toán sau khi bán), nghĩa là hoa được nông dân gửi xuống cho người bán ở các nơi, bán ổn mới chia lợi nhuận tốt, còn không coi như thất bại, nhà vườn là người chịu thiệt hại nhiều.

Theo ông Phạm Anh Dũng – chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi (TP.HCM), số lượng và giá bán hoa lan dendro dịp Tết của Củ Chi ổn định như năm ngoái nhưng lan mokara giảm đến 40-50%.

Theo ông Dũng, giá lan dendro mềm hơn, phổ biến từ 50.000 – 70.000 đồng nên khách sỉ mua tương đối ổn định, đến 27 Tết nhiều vườn “cháy” hàng. Ngược lại, lan mokara bị ế do giá cao, nhiều nhà vườn phải cắt cành bán để giữ lại cây nuôi tiếp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh, đại diện vườn mai Đức Tỉnh (TP Thủ Đức), cho biết dù giá bán và cho thuê vẫn bình ổn từ 5 – 20 triệu đồng/cây tùy loại nhưng lượng mai bán Tết năm nay giảm 30% so với năm ngoái.

“Nhiều vườn mai cổ thụ, không đụng hàng nhiều nên khách có tài chính vẫn thích thuê. Riêng các loại mai phổ biến, đơn giản như mai Bến Tre, mai Bình Lợi… ngày càng khó bán do thị trường giờ cũng bão hòa”, ông Tỉnh nhận định.

“Thương lái thua là phải!”

Ngoài việc bán sỉ cho thương lái, nhà vườn còn nhiều kênh bán lẻ, đặc biệt là thông qua các nền tảng mạng xã hội và các sản phẩm đều được niêm yết giá. Việc này giúp người mua không bị mua lầm nhưng vô tình lại gây khó khăn cho các thương lái.

Theo ông Minh, một thương lái bán hoa Tết dọc sông Bến Tre, mùa Tết năm nay ông chỉ bán được 1/3 trong số gần 50 gốc mai đưa ra bán.

“Những gốc mai này, tôi đi gom của các nhà vườn về dưỡng bán Tết, đổ rất nhiều công sức, tiền của vào nhưng rốt cuộc bán không được. Xem như năm nay trắng tay”, ông Minh nói.

Hoa Tết: nhà vườn thắng, thương lái... mếu! - Ảnh 3.

Thương lái phải thay đổi cách bán để giảm bớt cảnh người mua chờ xả hàng vào cận Tết – Ảnh: T.T.D.

Cũng theo ông Minh, những lô bán mai cạnh ông năm nay cũng trong tình trạng tương tự bởi nhiều người đã chuyển sang mua mai chưng Tết trên mạng.

“Trong khi chúng tôi tốn tiền vận chuyển, tốn tiền thuê chỗ bán thì trên mạng họ chỉ đăng rao rồi giao hàng, rẻ hơn nhiều nên chúng tôi thua là phải”, ông Minh nói và cho biết nhiều thương lái tốn thêm tiền thuê xe tải chở mai kiểng về gửi nhà vườn.

Tương tự, tại chợ hoa xuân Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), nơi có khoảng 500 lô bán hoa kiểng đến trưa 29 Tết, số lượng hoa kiểng tại chợ vẫn còn rất nhiều.

Theo nhiều tiểu thương, năm nay sức mua của người dân giảm mặc dù giá cả các loại hoa kiểng thấp hơn so với các năm trước và đã được giảm từ 30 – 70% so với những ngày trước nhưng tình hình buôn bán của các tiểu thương vẫn còn rất khó khăn, hầu hết người ghé qua đều hỏi giá hoặc chỉ lướt nhìn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, địa phương này đã cung ứng cho thị trường Tết khoảng 1.280.000 chậu, tương đương cùng kỳ nhiều năm.

Do chất lượng hoa Tết đẹp, đồng đều nên hút hàng vào những ngày cuối năm, 100% sản lượng được nông dân xuất bán trước Tết với giá cao hơn cùng kỳ từ 10.000 – 20.000 đồng/cặp.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: