Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Đề xuất giao các địa phương ‘tăng trưởng GRDP ít nhất 8%’

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất giao mục tiêu tăng trưởng GRDP năm nay cho các địa phương từ 8% trở lên, để đóng góp vào mức chung của cả nước.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, tạo đà cho những năm tiếp theo tăng trưởng hai chữ số (trên 10%). Tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 5/2, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nhắc lại đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, thách thức. Song theo ông Phương, chỉ tiêu này cũng cần thiết để Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào 2045.

Thứ trưởng cho biết Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ về Nghị quyết để cụ thể hoá mục tiêu tăng trưởng, giao chỉ tiêu tới từng địa phương, bộ ngành. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GRDP đề xuất với các địa phương từ 8% trở lên. Đồng thời, Chính phủ sẽ giao bổ sung một số chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực về sản xuất công nghiệp, du lịch, tiêu dùng gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan cụ thể.

Năm 2024, khoảng một phần ba địa phương cả nước ghi nhận từ 8% trở lên. Trong đó, 9 tỉnh thành ở mức hai chữ số, theo số liệu thống kê. TP HCM và Hà Nội – hai thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước – không nằm trong top 20 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

“Các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn. Thậm chí, công việc thực hiện phải gấp đôi, hiểu đơn giản là mỗi người làm việc gấp hai bình thường mới có thể đạt mục tiêu”, ông Phương nói.





Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo, ngày 5/2. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo, ngày 5/2. Ảnh: VGP

Về giải pháp, Thứ trưởng nói cải cách thể chế, gồm tháo gỡ các điểm nghẽn cho các dự án đầu tư đang vướng mắc, sẽ giúp khơi thông các nguồn lực chưa được đưa vào nền kinh tế.

Tăng đầu tư sẽ là động lực quan trọng tác động tức thì tới nền kinh tế. Theo Thứ trưởng, Chính phủ chỉ đạo tiết kiệm 10% chi thường xuyên, giảm tỷ trọng khoản này xuống dưới 60% chi ngân sách để dành nguồn lực cho đầu tư. Cùng đó, nhà điều hành cũng dự kiến triển khai sớm một số dự án quan trọng, như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, theo Thứ trưởng.

Bổ sung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh đầu tư công năm 2025 rất lớn, gần 1 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực được sử dụng từ khoản tăng thu từ các năm trước và tiết kiệm chi thường xuyên 10%. Ngoài ra, đầu tư các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay có 2,4-2,6 triệu tỷ đồng. Chính phủ cũng định hướng chỉ đạo tháo gỡ cho 154 dự án điện mặt trời bị thanh tra với vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD, để giải phóng nguồn lực.

Năm ngoái, xuất khẩu đạt kỷ lục, vượt 400 tỷ USD. Song động lực tăng trưởng này có thể gặp thách thức lớn liên quan tới bối cảnh thế giới còn nhiều biến động phức tạp. Ông Phương cho biết cơ quan quản lý sẽ phân tích kĩ tình hình, có giải pháp để tận dụng tối đa các FTA, đặc biệt với các thị trường mới. Ngoài ra, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp, thu hút FDI, khách du lịch… sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, doanh nghiệp, người dân cần có tiền để đầu tư, phát triển. Trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán và trái phiếu còn vấn đề, tín dụng tiếp tục sẽ kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Thông thường, để có 1 điểm % tăng trưởng kinh tế, tín dụng phải tăng 2 điểm %, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Ông Tú dẫn ví dụ cuối 2023, tổng dư nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, vốn dư nợ tăng thêm vào nền kinh tế năm qua khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. “Doanh số cho vay năm ngoái là 23 triệu tỷ đồng, thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP”, Phó thống đốc thông tin.

Năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng là 16%. Phó thống đốc nói việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục linh hoạt, phù hợp với chính sách như tài khoá, xuất nhập khẩu, thương mại. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại. Việc này trên cơ sở tăng huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế từ người dân, doanh nghiệp bằng chính sách lãi suất hợp lý.

Cơ quan điều hành tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất bằng cách cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, tỷ giá sẽ được giữ theo hướng ổn định, được can thiệp khi cần thiết để đảm bảo ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ ngoại tệ.

Phương Dung



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: