Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
15 lượt xem

Đề xuất miễn thuế thu nhập cho nhà khoa học nghiên cứu công nghệ đường sắt đô thị

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn thuế thu nhập từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án đường sắt đô thị cho các tổ chức, cá nhân.

Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM đến năm 2035.

Bên cạnh việc miễn thuế thu nhập, Bộ đề xuất nhiều chính sách mới nhằm phát triển công nghiệp đường sắt đô thị nội địa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học công nghệ phục vụ dự án đường sắt đô thị được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc các dự án đường sắt đô thị được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về công nghệ cao.

Ngoài ra, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp. Đối với gói thầu được đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp trong nước làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.





Đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Đường sắt trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ. Thủ tướng quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề “lệch” công nghệ kỹ thuật, gây khó khăn cho kết nối các tuyến đường sắt đô thị từng được các chuyên gia nêu lên trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là đơn vị trong nước chưa làm chủ được công nghệ xây dựng, vận hành. Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam hiện sử dụng vốn ODA từ nước ngoài, có ràng buộc hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm xuất xứ nước tài trợ.

Tại Hà Nội, tuyến 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuyến 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn châu Âu. Tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Nhật Bản và châu Âu.

Những chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước nghiên cứu, làm chủ và nhận chuyển giao công nghệ được kỳ vọng khắc phục tình trạng bất nhất về công nghệ. Cùng với đó, việc làm chủ công nghệ sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ đường sắt đô thị, được ước tính trị giá hàng tỷ USD.

Ngoài chính sách về công nghệ, dự thảo Nghị quyết cũng hướng đến đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Dự thảo cũng dành ra một chương bổ sung chính sách riêng cho TP HCM để tăng tốc dự án đường sắt đô thị đang và sắp triển khai.

TP Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến số 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông dài 13 km; tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn Cầu – Giấy) dài 8,5 km. TP HCM đã vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km.

Đường sắt đô thị tại hai đô thị này bắt đầu triển khai từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải; hạ tầng không bắt kịp tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2035, mạng lưới đường sắt tại Hà Nội và TP HCM đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.


Sơn Hà

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: