Sau năm 2024 với kim ngạch kỷ lục, ngành gỗ nội thất Việt Nam đón thời cơ lẫn thách thức để thu về 18 tỷ USD xuất khẩu năm nay.
Năm qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 16,25 tỷ USD, tăng hơn 20% so với 2023, theo Tổng cục Hải quan. Dù không thể chạm được mục tiêu 17,5 tỷ USD nhưng con số này cũng phá kỷ lục hồi 2022 (15,8 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2023. Nhiều mặt hàng nội thất chủ lực tăng trưởng hai chữ số, như đồ dùng phòng ngủ (28,8%), nhà bếp (19,6%), phòng khách và phòng ăn (19,4%). Các mặt hàng như ghế khung gỗ, ván sàn, dăm gỗ… cũng hút khách.
Như vậy, sau 2023 thiếu đơn hàng khiến xuất khẩu suy giảm 16,5%, ngành gỗ nội thất đã có một năm “vượt khó thành công”, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (Bifa). “Để đạt được mức tăng trưởng này, cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt đã phải nỗ lực rất nhiều”, ông đánh giá.
Theo những người trong ngành, kỷ lục được xác lập nhờ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thêm thị trường, tích cực tham dự các triển lãm, hội chợ để tận dụng tín hiệu phục hồi từ bạn hàng lớn Mỹ và châu Âu.
Năm 2025, theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn), ngành gỗ nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD. Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho rằng ngành có nhiều cơ hội. Ở trong nước, chính quyền đang dồn sức phát triển kinh tế trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Ngành gỗ nội thất có nguồn lao động trẻ, sáng tạo, nguyên liệu bản địa dồi dào.
Về phía cầu, công ty nghiên cứu The Business Research Company (Anh) dự báo thị trường nội thất toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 7,1% năm nay, đạt 822 tỷ USD. Thị trường Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa kim ngạch của Việt Nam, doanh số đồ nội thất và gia dụng đã tăng 4 tháng liên tiếp, tính đến tháng 12/2024.
Riêng tháng trước, doanh số ngành hàng này đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023, mức cao nhất trong số các ngành bán lẻ, theo Bộ Thương mại Mỹ. “Thời kỳ chính quyền Trump 2.0 mở ra, nổi bật với chính sách thuế cao nhắm vào hàng Trung Quốc, Canada, Mexico… sẽ có những tác động đặc biệt đến Việt Nam nói chung và ngành nội thất nói riêng”, ông Mẫn lưu ý.
Chủ tịch Bifa Nguyễn Liêm đánh giá trong kịch bản khả quan nhất thì xuất khẩu có thể tăng hơn 20%, tức xấp xỉ 19,5 tỷ USD. Nhưng để con số này thành hiện thức thì cần hội tụ ba điều kiện, gồm tiếp tục xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam, sức khỏe tiêu dùng và chính sách của ông Trump.
Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng khá lớn. Rủi ro hàng đầu được ông Liêm chỉ ra, là bị quốc gia mua hàng kiện phá giá, gian lận thương mại. Trong 9 tháng đầu năm 2024, khoảng 45% số dự án và hơn nửa vốn FDI vào ngành gỗ Việt Nam đến từ Trung Quốc. Dù hầu hết nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc nhưng vẫn có vài dấu hiệu núp bóng để “rửa” xuất xứ, theo ý kiến của giới chuyên môn trong ngành.
Ngoài ra, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng những thách thức, khó lường với ngành gỗ nội thất là tình hình kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp, khoảng 2,8%. Bên cạnh đó, các chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt từ thị trường lớn Mỹ, sẽ có những thay đổi đáng kể.
Vì vậy, để vượt sóng và chinh phục mục tiêu 18 tỷ USD, Cục Lâm nghiệp và các chuyên gia nhắm đến 4 chiến lược chính. Một là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, mở rộng sang các khu vực tiềm năng mới và tận dụng hiệu quả các kênh thương mại điện tử.
Hai là ứng dụng công nghệ số để xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quản lý và truy xuất nguồn gốc gỗ. “Nếu doanh nghiệp Việt Nam không xây dựng được công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng nghĩa với không có khả năng giải trình”, ông Liêm nói.
Ba là phát triển sản phẩm xanh và bền vững thông qua việc tăng sử dụng gỗ hợp pháp, nguyên liệu tái chế và giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Cuối năm ngoái, Nghị viện châu Âu (EC) đã cho phép hoãn thực thi EUDR (Quy định chống phá rừng của EU) đến cuối 2025 với doanh nghiệp lớn và giữa 2026 cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là thuận lợi mà chuỗi cung ứng gỗ nội thất Việt Nam cần tranh thủ để chuyển đổi, thích ứng.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần thúc đẩy liên kết hợp tác và sản xuất các vùng miền, tránh giẫm chân nhau, theo ông Mẫn. Chủ tịch Hawa chỉ ra rằng miền Bắc có trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, năng lực sản xuất nội thất quy mô lớn và nhiều làng nghề mỹ nghệ. Miền Trung mạnh hàng ngoại thất và phát triển rừng trồng. Trong khi đó, miền Nam là thủ phủ chế biến, tập trung ở TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
“Cần tạo được những kết nối cần thiết để ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam khép kín chuỗi cung ứng nội thất cho thị trường thế giới”, ông Mẫn nhận định.
Viễn Thông
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!