Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Hàng trăm mộ cổ bí ẩn trên núi A Man

Phú Yên450 ngôi mộ cổ bằng đá với kiến trúc cầu kỳ, bia bị đục phá, nằm rải rác trên núi ở huyện Tuy An, đến nay chưa xác định rõ chủ nhân.

Những mộ cổ hình yên ngựa xây theo từng cặp nằm trên triền phía nam núi A Man, sau chùa Châu Lâm thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An. Phần lớn mộ đều “gối đầu” phía đỉnh núi theo hướng tây – tây bắc và quay mặt về chân núi hướng đông – đông nam. Suốt thời gian dài không người trông coi, nhiều mộ bị bong tróc, hư hỏng, cây bụi mọc um tùm, che khuất.





Những khu mộ cổ nằm trên núi A Man. Ảnh: Bùi Toàn

Những khu mộ cổ nằm trên núi A Man. Ảnh: Bùi Toàn

Theo tài liệu của Ban quản lý di tích huyện Tuy An, năm 1597, Tổng trấn Thuận Quảng là Nguyễn Hoàng ra công lệnh cho thuộc quan Lương Văn Chánh (lúc này làm quan trấn An Biên, huyện Tuy Viễn – tỉnh Bình Định ngày nay) thực hiện đợt di dân, khẩn hoang lập làng trên đất Phú Yên.

Ban đầu chính quyền nhà Nguyễn tập trung lưu dân khai phá ở xứ Cù Mông, Bà Đài, tức vịnh Xuân Đài và hạ lưu sông Cái, trong đó có vùng núi A Man. Thôn Quảng Đức, nơi có những khu mộ cổ vô chủ nói trên, nằm bên sông với đất đai màu mỡ, phù hợp canh tác nông nghiệp. Lưu dân chia theo từng nhóm để khai hoang, lập làng, mỗi nhóm có 50-70 người. Các làng hình thành ở thung lũng, triền núi gần nguồn nước hoặc dọc vùng đất ven hai bờ sông để bảo vệ cho nhau.

Kế thừa kinh nghiệm của người Chăm, Lương Văn Chánh hướng dẫn người dân xây các công trình thủy lợi, làm nhà, đào giếng, đường đi… bằng xếp đá để phục vụ lâu dài cho cuộc sống. Đây là đặc điểm riêng của vùng đất Phú Yên sử dụng vật liệu sẵn có trong tự nhiên, dấu ấn là các công trình bằng đá như tường, giếng, đường, mộ… còn rất nhiều ở khu vực núi A Man.

Địa thế thuận lợi nên vùng đất Tuy An nằm ven sông Cái trở thành thủ phủ của Phú Yên suốt từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, hình thành các trung tâm chính trị, kinh tế, kéo theo tầng lớp thị dân bao gồm cả thương nhân, đến làm ăn và định cư. Nhiều công trình kiến trúc quan trọng như Văn Miếu, Châu Lâm Tự, Minh Uy Từ được xây tại đây.





Khu vực núi A Man - nơi có hơn 450 khu mộ cổ. Ảnh: Bùi Toàn

Khu vực núi A Man – nơi có hơn 450 khu mộ cổ. Ảnh: Bùi Toàn

Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thiết về chủ nhân và niên đại hình thành những khu mộ cổ A Man. Theo đó trong lịch sử Việt Nam, mộ hợp chất tương tự mộ cổ nói trên hình thành vào thế kỷ 16-17 dưới thời vua Lê – chúa Trịnh. Kỹ thuật mai táng của mộ dạng này chủ yếu là “trong quan ngoài quách”, thường có ướp xác, gắn liền với vua chúa. Cách mai táng này đã được các lưu dân mang theo khi vào nam khai khẩn, lập nghiệp.

Vùng đất A Man nằm ở khu vực châu thổ phì nhiêu phía hạ lưu sông Cái, giao thương thuận lợi nên từ rất sớm thu hút nhiều lưu dân đến sinh sống và định cư từ tầng lớp có địa vị cao và giàu có bao gồm quan chức, vương tộc, thầy tu, thương gia đến tầng lớp có địa vị thấp và nghèo… Đây là một trong những cơ sở để xác định chủ nhân của các ngôi mộ vô chủ bao quanh sườn núi A Man.

Với đặc điểm như kiểu dáng, kiến trúc, cách thức trang trí, vật liệu xây dựng… các nhà khoa học tạm thời đoán định chủ nhân mộ cổ A Man chủ yếu là cư dân Việt vào định cư, khai khẩn vùng đất này và một bộ phận người Hoa đến Việt Nam cư trú dọc duyên hải miền Trung như Nước Mặn (Bình Định), Xuân Đài, hạ lưu sông Cái (Phú Yên) lập nên phố xá buôn bán sầm uất.

Khi các thương cảng không còn đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa, họ chuyển đi nơi khác sinh sống, bỏ lại tất cả mồ mả thân nhân, lâu dần trở thành mộ vô chủ. Khu mộ A Man là nơi tập trung lớn nhất về quy mô, kiểu dáng và phương thức mai táng ở các tỉnh miền Trung.

Mộ ở vùng núi A Man phủ bên ngoài một lớp vôi và cát dày, vật liệu xây dựng chủ yếu là đá tự nhiên, thu nhặt ở các triền núi, không qua gia công. Ở một số ngôi mộ có các mảnh gốm trộn lẫn trong khối kết dính. Không ít mộ xây dựng với quy mô bề thế, tường thành bao xung quanh, bình phong ở phía trước và các trụ biểu có nhiều chi tiết trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ.





Mộ không có bia hoặc gắn bia nhưng bị đục bỏ. Ảnh: Bùi Toàn

Mộ không có bia hoặc gắn bia nhưng bị đục bỏ. Ảnh: Bùi Toàn

Đáng chú ý, hầu hết mộ không có bia, hoặc bia mộ bị đục phá. Lý giải điều này, nhiều nhà khoa học đặt giả thiết ở thế kỷ 17-18, vùng đất Phú Yên xảy ra nhiều biến động, chiến tranh nên mộ khi xây không có bia, nếu có sau đó cũng bị đục bỏ để tránh tình trạng trả thù bằng cách quật mồ mả người quá cố.

Theo Ban quản lý di tích huyện Tuy An, dù các nhà khoa học nghiên cứu, truyền thông đề cập nhiều, nhưng hiện quần thể di tích chưa xếp hạng di tích nên chưa được chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Bùi Toàn



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: