Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
10 lượt xem

Về quê ngày Tết, nhớ bữa cơm đậm đà tình thương của nội

Về quê ngày Tết, nhớ bữa cơm đậm đà tình thương của nội - Ảnh 1.

Ráng gìn giữ ngôi nhà ở quê xưa cũ ấy – để những ngày đầu xuân, con cháu còn biết nơi đâu là gốc rễ để trở về – Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Nhớ thuở còn thơ, ba chở cả nhà về quê trên chiếc xe máy cũ

Nhớ thuở còn thơ, mỗi dịp Tết, ba đều lái chiếc Honda cũ, chở mẹ, mình và em gái từ Thủ Đức về quê nội bên tỉnh Bình Dương.

Xe chạy chầm chậm, phải tấp nghỉ vài lần ven đường cho bớt nóng máy. Nhưng đó lại là những khoảnh khắc rất đẹp. Mình ngồi trước, nghe tiếng gió lùa qua tai và cảm nhận hơi ấm của gia đình ngồi sát bên nhau.

Về đến Tương Bình Hiệp, bước xuống xe là thấy bà nội đã đứng chờ trước cửa, nụ cười rạng rỡ trên môi…

Ngày xưa, Tết ở quê nội, có cây khế ngọt trước nhà, đung đưa những chùm quả chín vàng. Mấy anh em len lén hái ăn. Và Tết nào cũng vậy, mắm sắt, thịt kho hột vịt của nội luôn là món ngon nhất thế gian.

Giờ đây, ba đã 88 tuổi. Mình lái xe hơi chở ba cùng con gái về quê. Ngồi sau tay lái, kể cho con nghe về việc ông nội đã từng cầm lái chiếc Honda cũ kỹ đưa cả nhà về quê. Con gái trầm trồ vì không tưởng tượng được chiếc xe Honda nhỏ mà chở được cả 4 người. Chợt thấy, những chuyến xe về quê dịp Tết, như sợi dây âm thầm nối liền các thế hệ trong gia đình.

Nhớ bữa cơm của nội, đậm đà như tình thương của bà

Mâm cơm mùng 3, cũng đủ đầy, dâng cúng ông bà, đồng thời là giỗ chú Bảy – người đã hy sinh trong Tết Mậu Thân. Thế nhưng dù mâm cơm có chuẩn bị công phu thế nào, cũng chẳng thể ngon như khi bà nội còn sống.

Nhớ nội, nhớ dáng bà lụm cụm, hơn 90 tuổi vẫn lọc cọc ra chợ Cũ từ sáng sớm, chọn từng con cá, quả cà, làm mắm sắt, cho con cháu về ăn Tết.

Nội một tay, ngon ơ, lo mấy mâm cúng ông bà, đám giỗ, món nào cũng đậm đà như chính tình thương mà bà gửi gắm.

Nội mất, mọi thứ bỗng chênh vênh. Những bữa giỗ, cúng sau này, mình chủ trương thuê người nấu, do không còn ai đủ sức quán xuyến.

Ngôi nhà xưa từng là cả một thế giới rộng lớn trong ký ức trẻ thơ, giờ nhìn lại thấy thấp thấp, cũ kỹ. Mọi thứ nhỏ đi, chỉ có ký ức vẫn lung linh, rực rỡ như ánh nắng vàng hắt lên bờ tường cũ.

Ngày Tết về quê, vẫn còn lu nước đặt bên hiên nhà để rửa mặt. Thoáng qua trong đầu, hình ảnh ngày xưa, mấy cô tắm cho mình bằng nước trong lu khi còn bé xíu. Vậy mà đã 45 năm – hơn nửa đời người. Thời gian trôi đi, quê nhà vẫn vậy, chỉ khác rằng nhiều người thương yêu đã không còn nữa.

Sau này con cháu còn nhớ Tết quê?

Về quê, anh em bà con lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện rồi nhắc lại chuyện xưa. Tứ tán khắp nơi, mỗi người một cuộc đời riêng, không có dịp Tết thì khó nhìn thấy nhau. Và nếu không còn những dịp Tết sum vầy, có lẽ dăm ba năm nữa, ngay cả gương mặt nhau cũng trở nên lạ lẫm.

Thế hệ mình vẫn còn về quê, thắp nhang cho ông bà ngày Tết. Tới thế hệ các con, đứa Úc, đứa Mỹ, Tết có thể sẽ không về nhà. Nghĩ tới chợt ngậm ngùi.

Biết đâu, với con cháu sau này, quê hương ngày Tết chỉ còn là ký ức rời rạc qua những bức ảnh hay câu chuyện kể.

Thôi thì, ráng gìn giữ ngôi nhà ở quê xưa cũ ấy – để những ngày đầu xuân, con cháu còn biết nơi đâu là gốc rễ để trở về.

Về quê ngày Tết, nhớ bữa cơm đậm đà tình thương của nội - Ảnh 2.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: