Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
12 lượt xem

Thủ tướng: Phấn đấu phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP HCM trong 5 năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các tập đoàn hàng đầu thế giới chia sẻ kinh nghiệm để phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP HCM trong 5 năm.

Mong muốn này được ông Phạm Minh Chính chia sẻ tại buổi ăn tối làm việc cùng hàng chục tập đoàn tài chính, công nghệ hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ 21/1. Sự kiện được tổ chức nhân dịp Thủ tướng dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Thủ tướng đề nghị các đơn vị này chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để Việt Nam có thể phát triển nhanh trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Ông cũng muốn lắng nghe những băn khoăn, trăn trở hay cảm xúc của nhà đầu tư với TP HCM. Từ đó, theo, ông Chính, Việt Nam có thể phấn đấu hình thành trung tâm trong 5 – 10 năm.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng mong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục góp ý để tháo gỡ về thể chế và cách thức huy động nguồn lực để phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

“Thể chế phải thông thoáng, quy định và thủ tục phải đơn giản, tránh các thủ tục rườm rà, không cần thiết”, ông Phạm Minh Chính nói về yêu cầu để huy động được mọi nguồn lực trong và ngoài nước.





Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ TP HCM tại toạ đàm tối 21/1 ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ TP HCM tại toạ đàm tối 21/1 ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Nhật Bắc

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh rằng ý kiến của các tập đoàn công nghệ, tài chính hàng đầu thế giới có vai trò quan trọng trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương này. Ông cũng khẳng định trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM không chỉ là khát vọng của riêng địa phương này, mà còn là của Đảng, Chính phủ khi đã có ý tưởng từ 20 năm trước.

Theo dự thảo TP HCM đưa ra 3 năm trước, mô hình trung tâm tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. Để triển khai, TP HCM sẽ phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính – thương mại Thủ Thiêm và thị trường hàng hóa. Bên cạnh TP HCM, Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Theo Phó chủ tịch TP HCM Võ Văn Hoan, thành phố đang có một loạt lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó, đến hết tháng 11/2024, 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào TP HCM với tổng vốn hơn 58 tỷ USD. Thành phố cũng đang đóng khoảng 20% vào GDP và hơn 25% tổng ngân sách quốc gia với hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ gồm đường bộ, cảng biển, hàng không.

“TP HCM cũng là trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam khi thuộc top đầu về chuyển đổi số, thể chế số”, ông Hoan chia sẻ.

Tại toạ đàm, hầu hết doanh nghiệp đều khẳng định sẽ hỗ trợ TP HCM phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Naga Chandrasekaran, Phó chủ tịch Điều hành và Giám đốc hoạt động toàn cầu của Intel nói rằng mong muốn đồng hành với Việt Nam và TP HCM trong quá trình này để cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ trong suốt hơn 15 năm qua. “Intel đã xuất khoảng 29 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam. 60% sản phẩm của Intel cũng được sản xuất tại Việt Nam”, ông Chandrasekaran và khẳng định Việt Nam đóng vai vô cùng quan trọng trong lưới của hãng công nghệ này.

Lãnh đạo Intel cho biết sẽ đưa thêm những doanh nghiệp toàn cầu, nhà cung cấp đến Việt Nam. Đồng thời, Intel cũng có những sản phẩm như AI chip, công nghệ tiên tiến để hỗ trợ phát triển trung tâm tài chính quốc tế. tại TP HCM.





Buổi ăn tối và làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Anh Tú

Buổi ăn tối và làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Anh Tú

Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đề nghị chú trọng đến vấn đề năng lượng ổn định khi xây dựng trung tâm tài chính cũng như trong phát triển các lĩnh vực công nghệ cao mới như AI, bán dẫn, trung tâm dữ liệu. Cùng với đó, ông Hayashi cho rằng cần cải thiện hạ tầng, thủ tục hành chính và nguồn lao động tài năng. Trong hạ tầng, ông lưu ý cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về điện năng.

Nhà băng này đã hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài trong 40 năm qua. Nobumitsu Hayashi nói rằng theo báo cáo 2 năm gần nhất, Việt Nam là điểm đến ưa thích thứ hai trên thế giới của doanh nghiệp Nhật, chỉ sau Ấn Độ.

Tương tự, đại diện Swiss Re cũng mong muốn Việt Nam tập trung vào phát triển nhà máy điện hạt nhân. Doanh nghiệp với 160 năm lịch sử này sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Swiss Re cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác công tư trong việc thu hút đầu tư vào phát triển trung tâm tài chính quốc tế, cơ sở hạ tầng.

Anh Tú



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: