Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
17 lượt xem

‘Năm không’ của quân đội Việt Nam khi bắt đầu tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng cộng sự phải giải năm bài toán hóc búa gồm không tài chính, lực lượng, trụ sở, phương tiện và biên chế để đưa bộ đội Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Kết thúc chuyến đi khảo sát tới châu Phi năm 2013, đoàn công tác liên ngành, đứng đầu là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, trình lên Bộ Chính trị bản báo cáo. Ông khẳng định đây là “thời điểm chín muồi” để Việt Nam chính thức cử quân tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Quân đội Việt Nam chỉ nhận nhiệm vụ tại khu vực đã có thỏa thuận hòa bình, hoạt động vì mục đích nhân đạo, tái thiết; không tham gia nhiệm vụ cưỡng chế. Sĩ quan Việt Nam chỉ sử dụng vũ lực khi không còn biện pháp nào khác và để tự vệ chính đáng. Mọi quyết định phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Lĩnh vực tham gia gồm quân y, công binh, tái thiết hạ tầng, rà phá bom mìn, hậu cần; sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, giám sát bầu cử, vận tải, cứu thương. Bước đầu, Việt Nam sẽ cử lực lượng tham gia trực tiếp với hình thức cá nhân; tiến tới quy mô đơn vị phù hợp, đảm bảo độc lập chỉ huy tác chiến theo chuyên môn cụ thể như Đội Công binh hoặc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 trở lên.





Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định cho 7 sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan năm 2018. Ảnh: QĐND

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định cho 7 sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan năm 2018. Ảnh: QĐND

Sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án tổng thể, hai năm sau, ngày 5/12/2013, Thủ tướng phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”. Ngày 13/11/2020, Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 130/2020 về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Tuy nhiên, triển khai lực lượng đi gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một nhiệm vụ chưa có tiền lệ, đặt ra nhiều vấn đề. Thành lập một binh chủng hoàn toàn mới “dường như từ những con số không”: không tổ chức biên chế, không nhân sự, không đầu mối quản lý, không trụ sở công tác, không cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật.

Ông trăn trở “lực lượng Gìn giữ hòa bình sẽ nằm ở đâu trong biên chế, tổ chức của quân đội?”. Sau nhiều ngày trăn trở, tướng Vịnh nhận thấy lực lượng này cần quân số của nhiều cơ quan, đơn vị. Cấp trên trực tiếp của Trung tâm phải có thẩm quyền điều động quân số, trang bị trong toàn quân và nhận sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Như vậy, phù hợp nhất là Bộ Tổng Tham mưu quản lý Trung tâm này.

Cuối năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng ký quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Năm cán bộ thuộc một số đơn vị trong toàn quân đã được điều động về Cục Đối ngoại để hình thành “khung”, thành lập cơ quan tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ngày 22/11/2017, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được tổ chức lại thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tướng Vịnh vẫn nhớ như in hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trao Quân kỳ Quyết thắng cho Cục, đánh dấu một bước trưởng thành mới về tổ chức lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam.

Bài toán tiếp theo để đưa bộ đội Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là tài chính, phương tiện, trụ sở và biên chế. Trong những bước đi đầu tiên, tướng Vịnh và các cộng sự phải đối mặt với “con số không” về tài chính. Khi đó, nguồn lực kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn. Kinh phí mua sắm trang thiết bị rất hạn chế. Ông không quên lời căn dặn của đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó: “Anh Vịnh ạ, anh làm được gì thì cứ làm, nhớ là Bộ không có nhiều kinh phí cho các anh đâu đấy”.





Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hồi năm 2015. Ảnh: NQ

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hồi năm 2015. Ảnh: NQ

Tướng Vịnh hiểu phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nước đối tác và các tổ chức quốc tế. Ông giao các cơ quan lập danh sách những nước từng lên tiếng kêu gọi và ủng hộ Việt Nam gia nhập sứ mệnh của Liên Hợp Quốc. Nhiệm vụ “gõ cửa đối tác” được giao cho ông Hoàng Kim Phụng, người sau này trở thành Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đối tác đầu tiên mà ông Phụng tìm đến là Mỹ, một trong những nước ủng hộ Việt Nam triển khai quân đến các phái bộ Liên Hợp Quốc từ những ngày đầu tiên.

“Phía Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Bộ Quốc phòng Việt Nam ba gói hỗ trợ, trong đó có gói 3,1 triệu USD để xây dựng tòa nhà giảng đường huấn luyện và hội trường cho Trung tâm Gìn giữ hòa bình”, Tùy viên quốc phòng của Mỹ đáp lại lời đề nghị phía Việt Nam.

Là bậc thầy trong lĩnh vực ngoại giao, tướng Vịnh hiểu người Mỹ có thể “chi tiết tới từng đô la”, nhưng đem lại lợi ích một cách minh bạch thì họ không hề tiếc. Vì vậy, ông Phụng được giao truyền đạt lại toàn bộ quan điểm phía Việt Nam: “Từng đô la của các ông sẽ được chỉ tiêu minh bạch và đúng mục đích”. Họ nghe xong lập tức nói sẽ nhanh chóng giải ngân.

Bộ Quốc phòng Việt Nam sau đó đã giám sát chặt chẽ dự án xây dựng tòa nhà giảng đường huấn luyện và hội trường cho Trung tâm Gìn giữ hòa bình. Dự án này do một Ban Quản lý hỗn hợp gồm cả Việt Nam và Mỹ tham gia. Kết quả, toàn bộ hạng mục đề ra hoàn thiện với số tiền dừng lại ở mức 2,7 triệu USD. Sau đó, phía Mỹ đề nghị sử dụng nốt số tiền thừa và cấp thêm ngân sách mới cho tròn một triệu USD để xây dựng một nhà khách phục vụ giáo viên và học viên nước ngoài tới Việt Nam.

Bên cạnh Mỹ, có nhiều quốc gia khác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Bộ Quốc phòng Australia đã tặng hai xe cứu thương, một máy phát điện cỡ lớn; đào tạo tiếng Anh cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Bệnh viện Dã chiến cấp 2. Pháp, Canada và Anh đã cử nhiều đoàn chuyên gia tới Việt Nam để mở lớp bồi dưỡng chất lượng cao cho sĩ quan gìn giữ hòa bình.





Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, năm 2018. Ảnh: QĐND

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, năm 2018. Ảnh: QĐND

Tướng Vịnh giao Cục Gìn giữ hòa bình tận dụng từ ba nguồn gồm trang thiết bị sẵn có; nhà máy công nghiệp quốc phòng trong nước tự cải tiến và mua sắm. Đáng kể nhất là quân đội đã hoán cải xe thiết giáp BTR-152. Đây là phương tiện gần như đã loại khỏi biên chế vì thời gian sử dụng qúa lâu. Tổng cục Kỹ thuật đã tận dụng được khung và vỏ xe, sau đó hoán cải lắp động cơ diesel, hộp số.

Đại tá Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật, là Trưởng nhóm nghiên cứu xe BTR-152. Sản phẩm này cũng giành Giải nhất Nhân tài Đất Việt năm 2019 lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông cho biết biên chế quân đội không có xe cứu thương có khả năng bọc thép như nhiều quốc gia khác và kinh phí nhập khẩu phương tiện này rất lớn. Vì vậy việc cải tiến tính năng của xe thiết giáp có sẵn trong biên chế thành xe cứu thương là một mệnh lệnh quan trọng được giao cho ông và đồng đội.

Để đáp ứng khả năng di chuyển linh hoạt, thuận lợi trên điều kiện đường đất lầy lội, các kỹ sư phải cải tiến động cơ từ chạy xăng sang chạy dầu diesel; bỏ hệ thống lái từ cơ khí để chuyển sang trợ lực thủy lực. Nhiệt độ ngoài trời ở Nam Sudan đến trên 50 độ C, trong khi hệ thống làm lạnh thông thường chỉ giảm được 10 độ C so với ngoài trời, nhóm phải sử dụng nguyên lý điều hòa làm mát để đáp yêu cầu xe cứu thương phải duy trì ở khoảng 25 độ C.

“Điểm đột phá của xe là hệ thống làm mát hai cấp bằng két nước. Nhờ khả năng làm mát sâu, ở môi trường lên đến 60 độ C của châu Phi xe vẫn hoạt động bình thường ở mức 15-20 độ C”, đại tá Lý nói, cho biết loại vật liệu làm vỏ cũng được nghiên cứu kỹ, thử nghiệm rất nhiều lần mới cho ra được thiết kế ưng ý, đáp ứng khả năng làm lạnh nhanh và giữ nhiệt độ tốt.

Mẫu xe BTR-152 được lãnh đạo Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan đánh giá rất cao và ngạc nhiên trước khả năng công nghiệp quốc phòng vượt trội của Việt Nam lúc đó. Hai xe thiết giáp cứu thương và bốn xe thiết giáp sử dụng vào mục đích bảo vệ lực lượng của đội công binh ra đời. Đại tá Lý ước tính để đưa một chiếc xe bọc thép cứu thương của Đức về Việt Nam mất không dưới 5 triệu EURO (khoảng 130 tỷ đồng). Trong khi chi phí hoán cải BTR-152 chỉ khoảng 5 tỷ đồng.

Những năm đầu khi vừa đi vào hoạt động, cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam phải “ở nhờ” ba căn phòng thuộc trụ sở của Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Có lần đến làm việc, tướng Vịnh thấy “bất ngờ và thương anh em”. Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm ngồi chung căn phòng đã chật cứng tủ tài liệu, chồng hồ sơ cao quá mặt.

Khi Trung tâm dần lớn mạnh, bắt đầu tiếp đón các đoàn khách nước ngoài, tướng Vịnh yêu cầu tìm một trụ sở mới. Lực lượng Gìn giữ hòa bình phải phát triển một cách tinh nhuệ, chính quy, không thể cứ mãi “giật gấu vá vai”. Sau khi nghiên cứu, khảo sát, ông đề xuất với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, khi đó là Tổng tham mưu trưởng, trích một phần quỹ đất rộng 7 ha thuộc trường bắn của Bộ Tư lệnh Pháo binh, nằm ở Thạch Thất, Hà Nội để xây trụ sở mới cho Cục Gìn giữ hòa bình.

Từ tổ năm người ban đầu, Trung tâm Gìn giữ hòa bình dần tiếp nhận và hình thành nên tập thể khoảng 30 người để vận hành công việc. Sau khi quân đội cử hai sĩ quan đầu tiên đi Nam Sudan giữa năm 2014, Liên Hợp Quốc tiếp tục mời Việt Nam cử thêm sĩ quan tới phái bộ Cộng hòa Trung Phi cho nhiệm vụ tham mưu tác chiến, trang bị, huấn luyện.

Bài tiếp: Tướng Vịnh ‘chọn quân’ đi gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc


Sơn Hà

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: