Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
17 lượt xem

Thủ tướng: Xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương triển khai, hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2030.

Việt Nam đang khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng nhằm giúp đa dạng nguồn cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2×2.000 MW).

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm triển khai, có lộ trình công việc cụ thể hàng năm. Việc này nhằm mục tiêu tới năm 2030 – kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng – Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân.

“Tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện dần, việc nào dứt điểm việc đó, rõ người, rõ việc”, ông nói. Theo Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệ hạt nhân, gồm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP đạt hai chữ số trong những năm tới.

Thủ tướng cũng cho rằng trong kỷ nguyên mới của dân tộc, Việt Nam phải có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, như công nghệ hạt nhân (điện, y học hạt nhân) vì mục đích hòa bình.





Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngày 15/1. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngày 15/1. Ảnh: VGP

Năm 2024, tổng công suất hệ thống điện khoảng 85.000 MW. Đến năm 2030, tổng công suất điện cần đạt khoảng 150.000 MW, sau đó tăng lên 400.000 – 500.000 MW vào 2050, theo Quy hoạch điện VIII. Do vậy, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Việt Nam ước tính cần khoảng 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân này. Trước đó, Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản và Nga tiếp tục hỗ trợ đào tạo, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ để triển khai dự án này. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về phát triển điện hạt nhân. Hệ thống pháp luật khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường… cũng đủ cơ sở để thực hiện. Thời gian tới, nhà điều hành dự kiến sửa Luật năng lượng nguyên tử và Quy hoạch điện VIII, với các nội dung liên quan đến điện hạt nhân.

Giao nhiệm vụ cụ thể tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan tập trung đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân mà Việt Nam đang có (khoảng 400 người).

Cùng với đó, các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực.

Dự kiến hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Do đó, Thủ tướng giao Ninh Thuận chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, thể thao… để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy, đội ngũ nhân lực tham gia dự án. Tỉnh này cũng đề xuất, triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án.

Phương Dung



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: