Đã có hơn 7.000 lượt người đủ lứa tuổi, từ trẻ em khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến sinh viên, người đi làm, phụ nữ sau sinh… cùng tìm đến trải nghiệm các trò chơi của sân khấu.
Chị NGUYỄN NGỌC BẢO DUNG
Giúp người chơi bộc lộ nỗi lòng
Không gian nhỏ ấm cúng, vài chục người đứng thành vòng tròn, có chút lạ lẫm song háo hức chờ vì không biết hoạt động gì sắp diễn ra. Từng chút một trong vai trò kết nối, chị Bảo Dung hướng dẫn giúp mọi người làm quen, dần cởi bỏ những e ngại ban đầu.
“Hãy nói bất cứ điều gì bạn muốn mà không cần đắn đo suy nghĩ” – lời đề nghị mọi người cùng viết lên giấy và bắt đầu bộc bạch về những bộn bề trong lòng.
Người sáng lập Ibsen kể những điều chị muốn mọi người cùng trải nghiệm khi đến đây xuất phát từ những gì chính chị đã trải qua năm 19 tuổi. Ngày ấy khi chân ướt chân ráo rời gia đình đi học ở xa, chị Dung từng rơi vào trầm cảm, phải đi tìm thầy giáo tâm sự về tình trạng của mình.
“Thầy liền giới thiệu tôi đi gặp chuyên gia tâm lý. Những phiên trò chuyện dần dà giúp tôi vơi bớt cảm giác muốn hủy hoại bản thân. Tôi nhận ra tác động to lớn của việc được trải lòng, nói ra những ưu tư, phiền muộn đang mang”, chị Dung kể.
Thời gian trôi, tình cờ vào một dịp sang Na Uy thăm bảo tàng của nhà biên kịch Henrik Ibsen, chị Dung nhìn thấy mô hình ngôi nhà đồ chơi bằng gỗ với những chú rối nhỏ.
Chị chợt nhớ ngày bé ai cũng từng chơi đồ hàng, sắm vai, chuyện trò thoải mái. Đó chính là những lúc bản thân thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc nhất. Ý tưởng bắt đầu manh nha.
Chị nói cuộc sống hiện đại khiến người ta tiếp thu quá nhiều thông tin từ mạng xã hội. Thoạt nhìn sẽ có cảm giác tiện nghi, tiến bộ nhưng thực chất chúng ta chỉ tương tác ảo mà ít khi nói thật nỗi lòng. Ai cũng dễ bị dồn nén, ức chế, không đủ thời gian tiêu hóa hết những điều mình tiếp nhận.
“Tôi quyết định tạo ra mô hình sân khấu, nơi mọi người như được quay về tuổi thơ với những trò chơi đơn giản nhưng họ được “xả vai”, sống thật với bản thân mình, giải tỏa căng thẳng”, chị Dung chia sẻ lý do ra đời Ibsen.
Bảo vệ năng lượng của bản thân
Chị Dung nhớ hoài lần đến chơi với các bạn ở một trường tình thương. Được chừng nửa buổi, chị buộc phải cho giải lao vì cảm giác đuối và có phần ái ngại khi những gương mặt thầy cô cho ra chơi cùng xếp vào nhóm quậy phá, ngỗ nghịch. Ngay lúc đó, một bạn học sinh qua lời kể và cảm nhận cá nhân của chị là rất nghịch ngợm, khó bảo tiến đến đưa cho chị viên kẹo rồi nói: “Con thèm nãy giờ mà không dám ăn nhưng con cho cô đó”.
Chỉ bấy nhiêu mà chị như được tiếp thêm năng lượng, quên đi những điều khác.
“Tôi nhận ra các em nhỏ thường bị gắn mác quậy phá, ngỗ nghịch nhưng thực ra lại sống rất tình cảm, có lòng nhân. Điều chúng ta cần là làm sao khuyến khích trẻ bộc lộ những điểm tốt ấy”, chị Dung cười.
Tiếp xúc không ít người chất chứa quá nhiều ưu tư, chị Dung thừa nhận có lúc mình gần như kiệt sức vì câu chuyện khủng hoảng của người khác. Phải bảo vệ năng lượng của bản thân trước khi muốn giúp đỡ ai là điều chị luôn dặn chính mình.
Vì từng có lần không còn sức để rướn, chị một mình bắt xe từ Sài Gòn qua Campuchia, tới Lào đi tiếp sang Thái Lan rồi lại đi ngược về Lào, ra Hà Nội và cuối cùng về nhà cha mẹ ở Di Linh (Lâm Đồng) ngủ một giấc “như quên đời”.
Nhưng chị vẫn mãi loay hoay cho đến khi tình cờ gặp được hai giáo viên người Mỹ cũng tổ chức mô hình tương tự như sân khấu nhỏ Ibsen. Họ khuyên chị chấp nhận những gì chỉ có thể làm gói gọn trong vài tiếng bởi đó là cuộc đời của người khác mà dù có muốn chị cũng khó làm gì hơn! Câu nói ấy khiến chị bừng tỉnh, điềm tĩnh hơn và biết dừng lại đúng lúc.
“Chỉ có thể mang lại tiếng cười, niềm vui cho người khác trong khuôn khổ hoạt động vì mọi thứ còn lại không dễ có thể giải quyết. Tôi học cách nghỉ ngơi, thấy mình hạnh phúc và có động lực để tiếp tục hành trình khi nhìn thấy nụ cười và cả giọt nước mắt, quan sát biểu cảm và lắng nghe bộc bạch của người chơi”, chị Dung tâm sự.
Tạm rời xa chiếc điện thoại
Luật chơi của sân khấu nhỏ Ibsen là người tham gia phải tạm rời xa chiếc điện thoại, làm quen với thời gian buông bỏ lớp vỏ bọc. Trẻ em thường tham gia ngay các trò chơi nhưng người lớn cần bước thả lỏng cơ thể và tâm trí rồi dần nhập tâm vào hoạt động và trải lòng.
Mỗi buổi ở sân khấu nhỏ Ibsen kéo dài khoảng ba tiếng với 8 – 9 trò chơi được chia thành mở đầu – phát triển – kết thúc, một tổ hợp dẫn dắt người chơi đi từ xa lạ, khép mình đến cởi mở, trải lòng.
“Những người đến đây đều chất chứa nhiều ưu tư nên quan trọng là làm sao để họ nói ra. Do đó tùy đối tượng mà tôi dùng tranh vẽ, con rối, chuyển động cơ thể hay âm nhạc để giúp họ bộc lộ nỗi lòng”, người sáng lập Ibsen chia sẻ.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!