Tuy nhiên, rất khó để xác định chất lượng sản phẩm có thật sự “ngoại” hay không.
Ngoài chợ truyền thống, chợ “online”, người tiêu dùng còn tìm đến “chợ” hàng ngoại, hàng xách tay để mua thực phẩm, bánh trái, mỹ phẩm… phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Vừa túi tiền, dễ lựa chọn
Vì công việc hay tiếp khách, chị Lê Thị Hương (khu đô thị Sala, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình chị thường xuyên đặt hàng nhập “xách tay” từ mối quen về dùng trong những dịp Tết đến. “Tôi vừa đặt con ngỗng quay Đài Loan cách đây 10 hôm, với giá 3,5 triệu đồng, để kịp làm tiệc ngày 23 Tết”, chị Hương cho biết.
Theo chị Hương, nhiều sản phẩm nhập khẩu bằng đường… xách tay như cải cầu vồng Thụy Sĩ, dâu tây New Zealand, măng tây xanh của châu Âu, cá hồi Đan Mạch, hàu sữa và thịt bò Kobe Nhật… đều có thể mua được, chỉ cần có tiền là mối quen này cung cấp ngay.
Không chỉ thị trường hàng xách tay, các “chợ” thực phẩm ngoại tại Việt Nam cũng rất sôi động những ngày giáp Tết. Ghi nhận của chúng tôi vào ngày 10-1 tại chợ Nga (chợ có tên chính là Russian market, trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1) cho thấy gian hàng bán thực phẩm Nga nằm sâu bên trong chợ khá nhộn nhịp.
Theo chị Nguyễn Thị Lan (nhân viên bán hàng), chợ này thường không thiếu sản phẩm nào của Nga nhưng dạo gần đây không còn phong phú như trước do xung đột giữa Nga và Ukraine. “Khách mua hàng ở chợ này không chỉ là người nước ngoài, mà khách Việt cũng đến mua sắm thực phẩm Tết, chủ yếu vào trưa và tối”, chị Lan thông tin.
Quầy hàng này bán đủ loại thực phẩm đông lạnh được giới thiệu là nhập từ Nga như bào ngư, cánh ngỗng, đùi ngỗng, phô mai sợi xông khói, trứng cá hồi… Trong đó, nhiều sản phẩm giá rất “mềm” vì được giảm giá do hạn sử dụng chỉ đến hết tháng 8-2025. Chẳng hạn như dưa chuột muối xuất xứ Nga, với mức 39.000 đồng/hũ nhỏ; 99.000 đồng/hũ lớn; dầu hướng dương chỉ còn 58.000 đồng/chai…
Dạo một vòng một số siêu thị, cửa hàng gần khu sân bay (quận Tân Bình), thực phẩm Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… được bày biện bắt mắt, thu hút nhiều thực khách Việt. Trong đó, nhiều sản phẩm như thịt xông khói Tây Ban Nha, Hàn Quốc có mức “rất Việt Nam”, chỉ dưới 1,5 triệu đồng/kg, trong khi đùi heo Ý có giá hơn 3 triệu đồng/kg, đùi heo Tây Ban Nha giá thấp nhất hơn 7 triệu đồng/kg.
“Tưng bừng” nhất là các loại bánh kẹo, mứt, trái cây sấy khô “made in… trời Tây” tràn ngập thị trường TP.HCM, với rất nhiều bao bì bắt mắt. Chị Ngô Thị Phương (chuyên nhận các loại hàng hóa từ Nga, Mỹ, Úc…) cho biết ba năm trước đã bán thử những sản phẩm này. Do thấy nhu cầu mua hàng của khách tăng lên vào mỗi dịp Tết, nên chị bắt đầu nhập hàng từ nhiều thị trường về bán.
“Dịp Tết, tôi phải tăng nhân viên làm đơn, gói hàng. Đa số mua để biếu Tết, khoảng 50% mua biếu, 50% mua để nhà dùng và rất nhiều người thích. Hơn nữa, so với thị trường thực phẩm trong nước, những sản phẩm nhập khẩu có nhiều loại và không phải quá mắc nên cũng dễ lựa chọn”, chị Phương nói.
Cẩn trọng với chất lượng hàng ngoại xách tay
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 có 26% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, và đến năm 2035 con số này sẽ nâng lên trên 50%. Điều này đồng nghĩa với xu hướng chọn thực phẩm sẽ có nhiều biến chuyển trong thời gian tới, nhất là dịp Tết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Hùng, thành viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng đây là chuyện mở rộng tất yếu theo cung cầu của thị trường. “Hàng ngoại nhập vào Việt Nam nhiều, nhất là thực phẩm và đây cũng là dịp để sản phẩm nội địa cạnh tranh, giữ thị phần”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, một sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp túi tiền nhiều phân khúc khách hàng thật sự không phải là bài toán dễ với doanh nghiệp Việt. Nhưng để giữ chân người tiêu dùng trong nước, chất lượng là chìa khóa hàng đầu.
“Trên kệ bánh ở siêu thị có đến hàng chục loại khác nhau, từ Việt Nam đến Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Malaysia… với mức giá gần như tương đương. Loại nào ngon nhất, chất lượng nhất, giá phải chăng, khách sẽ mua. Đây là cơ hội sòng phẳng cho sản phẩm nội địa cạnh tranh, chứng minh chất lượng của mình”, ông Hùng nhìn nhận.
Thị trường Việt sẽ đón “làn sóng” tăng lên của các loại thực phẩm từ các nước được nhập về ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo người mua cẩn trọng với hàng ngoại nhưng có nguồn gốc mơ hồ, nhất là hàng xách tay không rõ xuất xứ, nguồn gốc.
Chị Lê Na (chủ cửa hàng thực phẩm ngoại xách tay trên đường Võ Văn Tần, quận 3) thừa nhận các loại thực phẩm, bánh mứt nhập khẩu hay hàng xách tay đều được bán với nhiều mức giá khác nhau, rất khó để biết đâu là chuẩn, nên tùy vào túi tiền từng người mà lựa chọn. Tuy nhiên, với thực phẩm đông lạnh, người mua nên lưu ý hạn sử dụng, không thể quá dài.
Từng sinh sống ở nước ngoài, chị Nguyễn Thị Diễm (quận Gò Vấp), có nhiều kinh nghiệm khi chọn mua đồ ngoại, cho hay việc đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ thông tin, rồi so sánh giá cả.
“Tùy theo nguồn phân phối mà giá bán ra khác nhau nên cứ dò giá để không mua “hớ”, đồng thời xem kỹ hạn sử dụng để tránh bị nhầm hàng gần hết hoặc hết hạn sử dụng. Người tiêu dùng cần lựa chọn nơi bán uy tín để không bị mua phải hàng dỏm, hàng kém chất lượng…”, chị Diễm lưu ý.
Trong khi đó, TS.BS Lâm Vĩnh Niên, trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng hàng ngoại, nhất là thực phẩm, nếu đúng xuất xứ và phụ đề ở từng thị trường mà sản phẩm nhập khẩu được thông tin rất rõ ràng.
“Vào Việt Nam, sản phẩm ngoại đều có phụ đề tiếng Việt. Người tiêu dùng hãy đọc, kiểm tra nguồn gốc, đọc thành phần dinh dưỡng để chọn sản phẩm phù hợp với sức khỏe của mình. Chứ không phải cứ rẻ là mua, cứ hàng ngoại là chọn, để mất tiền vô bổ”, bác sĩ Niên khuyến cáo.
Bánh kẹo ngoại… 3.000 đồng/món
“Dạo” các shop online trên các sàn thương mại điện tử, những món ăn vặt được người bán gọi là “hàng nội địa xách tay” như lưỡi vịt Nga, xúc xích, thanh cua, snack, sô cô la, kẹo dẻo, xí muội… được bán với giá rất rẻ. Chẳng hạn chỉ 3.000 đồng/thanh cua hoặc mua combo nhiều món chỉ dao động 100.000 – 200.000 đồng. Đây là những món “khoái khẩu” được giới trẻ yêu thích.
Theo một chuyên viên Phòng thương mại (Sở Công Thương TP.HCM), những hàng thực phẩm giá rẻ gắn mác “ngoại”, không có nhãn phụ tiếng Việt, bao bì toàn chữ nước ngoài và không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng… tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm, gây hại sức khỏe.
“Từ nguyên liệu cho đến thành phần trong sản phẩm không có thông tin rõ, người tiêu dùng không biết về chất bảo quản như thế nào, hóa chất phụ gia ra sao. Mọi thứ dễ dàng bị người tiêu dùng không quan tâm, sẽ rất khó để đảm bảo an toàn thực phẩm”, vị này nhấn mạnh.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!