Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
21 lượt xem

Đại gia Nguyễn Cao Trí khai ‘bị cuốn vào vòng xoáy’ đưa hối lộ quan chức

Hà NộiTrước cáo buộc hối lộ cán bộ Văn phòng Chính phủ, Thanh tra, UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Cao Trí phân trần bị cuốn vào “vòng xoáy” này vì “mục đích tốt đẹp” triển khai dự án.

Ngày 16/1, ông Nguyễn Cao Trí, 55 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, bị xét xử trong vụ án liên quan siêu dự án Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, quy mô 25.000 tỷ đồng, với tội danh Đưa hối lộ.

Cùng vụ án, ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cựu bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ bị truy tố tội Nhận hối lộ.





Ông Nguyễn Cao Trí tại TAND Hà Nội sáng 16/1. Ảnh: Danh Lam

Ông Nguyễn Cao Trí tại TAND Hà Nội sáng 16/1. Ảnh: Danh Lam

VKS cáo buộc ông Trí mua lại 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh, chủ đầu tư siêu dự án này, khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 929 chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất.

Bằng nhiều quan hệ nhờ vả, kết hợp đưa hối lộ các cán bộ Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng, ông Trí được giúp sửa kết luận Thanh tra, được tỉnh chấp thuận giãn tiến độ, dự án. Ông Trí sau đó bán dự án cho Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland.

Tại phiên tòa hôm nay, ông Trí trình bày chân có chấn thương và được cho phép ngồi trả lời xét hỏi.

Với siêu dự án Đại Ninh, đại gia này nói từ đầu đến nay vẫn luôn nhận định dự án “rất tốt, rất ý nghĩa”. Bị cáo quê ở đó, muốn mua lại để đầu tư và góp một dự án có ý nghĩa tại quê hương.

Nhưng muốn được làm dự án phải là chủ sở hữu công ty, ông Trí do đó đã thỏa thuận với bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, để mua lại 100% cổ phần. Tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thanh toán khoảng 1.700 tỷ.

Quá trình thương lượng, ông Trí khai được bà Hoa nói về kết luận 929 của Thanh tra Chính phủ, đặc biệt về kiến nghị tỉnh thu hồi dự án.

“Nhưng với góc độ chủ đầu tư, chị ấy cũng nói với tôi là: ‘Quyết định vậy thôi chứ không dễ thu của chị’ vì các căn cứ của kết luận 929 có những cái bất hợp lý”, ông Trí khai.

Với kinh nghiệm làm dự án, ông Trí nói cũng thấy kết luận có nhiều điểm cần cân nhắc, “chưa chặt chẽ lắm và ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp”. Ông thuê thêm các “luật sư hàng đầu” để tư vấn, và họ có chung quan điểm.

Ông khai lúc đó Thanh tra mới chỉ “kiến nghị thu hồi” chứ chưa phải “quyết định thu hồi” nên hiểu cần tìm cách để được xem xét lại.

Khi biết kết luận 929 do ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ ký, sẵn quan hệ “bạn học 20 năm”, ông Trí đến gặp để được hướng dẫn.

“Anh ấy nói kết luận cũng có cái sơ hở nên tôi thấy rất thuận lợi. Anh ấy bảo muốn Thanh tra Chính phủ xem xét lại thì phải gửi đơn chỗ này chỗ nọ nên hướng dẫn gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ”, ông Trí trình bày tại phiên tòa.





Cụm công trình nhà nghỉ dưỡng ở dự án Đại Ninh đang bỏ không. Ảnh:Trường Hà

Cụm công trình nhà nghỉ dưỡng ở dự án Đại Ninh đang bỏ không. Ảnh: Trường Hà

Ông Trí khai nghe đến Văn phòng Chính phủ, “sực nhớ” ra có quen ông Mai Tiến Dũng, khi đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nên tiếp tục gõ cửa nhờ vả.

“Kết luận 929 là của Thanh tra Chính phủ, nếu có kiến nghị phải gửi họ chứ sao gửi Văn phòng Chính phủ?”, thẩm phán, chủ tọa Trần Nam Hà hỏi.

Ông Trí nói không rành luật, “anh Minh hướng dẫn gì thì làm theo”.

Được ông Dũng đồng ý giúp đỡ, đồng ý bút phê và được bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, chuyển đơn kiến nghị, ông Trí gửi cảm ơn họ lần lượt 200 triệu đồng và 50 triệu đồng.

“Ngoài ra còn cho gì không?”, chủ tọa hỏi. Ông Trí trình bày, thời gian này kỷ niệm thành lập Văn phòng Chính phủ, “anh Dũng muốn in cái bộ ấm trà tặng khách” nên giới thiệu đến công ty làm bộ ấm trà để Trí trực tiếp chuyển tiền trả, không nhớ rõ bao nhiêu tiền.

“380 triệu đồng, bị cáo còn khai đã chuyển cái biên lai chuyển tiền qua tin nhắn cơ mà, nhớ không?”, chủ tọa nhắc. Ông Trí nói đã nhớ.

Vòng xoáy “năn nỉ thuyết phục gửi quà” để được việc

Với sự giúp đỡ này, đồng thời được ông Minh ký quyết định xác minh nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ lập tổ công tác, cùng Thanh tra tỉnh Lâm Đông xem xét kiến nghị cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh giãn tiến độ dự án.

Đoàn thanh tra do Cục phó Cục II Lê Quốc Khanh làm tổ trưởng sau đó, được ông Trí biếu 1,2 tỷ đồng. Trong số này, bị cáo Khanh nhận 900 triệu đồng, hai cựu thanh tra viên chính Cục II là Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định và Nguyễn Ngọc Ánh, cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, mỗi người 100 triệu đồng.





Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận khai báo nhân thân tại phân fthur tục phiên tòa, sáng 16/1. Ảnh: Danh Lam

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận khai báo nhân thân tại phần thủ tục phiên tòa, sáng 16/1. Ảnh: Danh Lam

Phân trần về những lần đưa tiền cho lãnh đạo tỉnh, sở ngành và thành viên đoàn thanh tra, đại gia Trí phân trần: “Khi anh Minh hướng dẫn thì thấy đơn giản, nhưng khi bắt tay vào việc thì không phải vậy. Nó chằng chịt qua lại, phải gặp hết chỗ này đến chỗ khác, tỉnh, sở, ban ngành”.

Khi công việc chậm, tôi nôn nóng nên chỉ có cách “đi năn nỉ thuyết phục, không được thì lại gửi quà”, bị xoáy vào cái vòng đó”, ông Trí bị chủ tọa ngắt lời, nhiều lần hỏi “chốt lại có đưa tiền không và đưa cho ai?”.

Bị cáo Trí nói cũng nhiều nhưng không nhớ hết: “Mỗi người mỗi lần vài trăm, vài chục, “anh Quận” (cựu Bí thư Tỉnh ủy) 2,1 tỷ, “anh Hiệp” (cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng) 4 tỷ đồng, dù trước đó không quen biết”. Ông Trí giải thích không quen nhưng “theo lệ” doanh nghiệp đến gặp thì nên có quà.

“Đưa hối lộ không phải vì trước đó bị làm khó mà do doanh nghiệp có dự án đầu tư gặp khó khăn cần tháo gỡ nên đưa tiền. Bản chất bị cuốn vào câu chuyện đưa tiền là thế. Chạy hết sở này đến sở khác, cuối cùng cũng quay lại anh ấy (ông Hiệp) – người đứng đầu UBND tỉnh”, ông Trí khai.

Chủ tọa cho hay “quá trình điều tra bị cáo khai nhiều lắm. Mỗi lần lên họp, gặp gỡ thì đều có phong bì cho các cá nhân lãnh đạo và sở ban ngành, tỉnh ủy…”. Ông Trí thừa nhận điều này song cho rằng đây chỉ là tiền “bỏ bì thư để ăn trưa, ăn chiều thôi”.

Nói về tội Đưa hối lộ, ông Trí cho rằng bị cuốn theo công việc của một doanh nhân, muốn hoàn thành công việc nên đưa quà, đưa tiền. Trong hai năm bị tạm giam ông nhận thức sâu sắc chuyện đó và nhận tội, “nhưng nó rất là đau đớn”.

Lý do cho sự đau đớn này, đại gia Trí giải thích: Tất cả bị cáo ở đây, không phải vì ông Trí “đưa cái này cái khác” nên mới làm mà ai cũng muốn triển khai dự án ý nghĩa này. Theo ông, dự án sẽ sẻ áp lực với thành phố Đà Lạt đang “bị quá tải, băm nát” và cũng là mong muốn của nhiều lãnh đạo Lâm Đồng các nhiệm kỳ.

“Anh chị trên Văn phòng Chính phủ không phải tự dưng với số tiền đưa không lớn mà đều quay ra giúp tôi cả. Cuối cùng, họ vướng vòng lao lý này. Đây là bài học đau xót”, ông Trí phân trần.

Bị cáo cho rằng sai phạm của mình bản chất là “tháo gỡ”, như hàng ngàn dự án khắp nước hiện nay cũng cần tháo gỡ. “Đương nhiên cái cách tháo gỡ của tôi là sai. Tôi đã chọn phương pháp sai và phải trả giá vì nó, nhưng chỉ là sai phạm cá nhân. Còn các công ty, đối tác của dự án đều có mục đích tốt đẹp và các quan chức ở đây họ đều hướng đến việc tốt đẹp. Trước hết là họ muốn giúp tôi, tin vào uy tín của tôi trong những năm qua”, ông Trí nói.





Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp. Ảnh: Ngọc Thành

VKS cáo buộc, từ khi dự án được chấp thuận cho giãn tiến độ, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai, không xây dựng bất cứ hạng mục mới nào và thậm chí còn tiếp tục để xảy ra 24 vi phạm.

Cơ quan công tố đánh giá, hành vi sai phạm trên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Toàn bộ dự án lẽ ra phải được thu hồi cho Nhà nước, nhưng ông Trí đã bán cho Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng. Công ty Thiên Vương sau đó mới thanh toán 2.700 tỷ đồng.

VKS xác định 2.700 tỷ đồng Trí nhận của Novaland là số tiền hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội của Trí và đồng phạm. Tuy nhiên, trong phi vụ này vẫn có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland khi ký hợp đồng giao dịch không đúng pháp luật. Từ đó, nhà chức trách cho rằng cần tịch thu sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính này, tranh chấp giữa ông Trí và Novaland sẽ được giải quyết ở thủ tục dân sự.

Ông Trí đã nhận thức rõ sai phạm, chủ động cùng gia đình nộp lại 242 tỷ đồng và cam kết tiếp tục nộp đủ tiền hưởng lợi bất chính. Ông hiện thi hành án 6 năm tù tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan.

Ông Trần Văn Minh, cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ, bị cáo buộc nhận 10 tỷ đồng từ Trí, có đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ song đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cần thu hồi số tiền đã nhận hối lộ.

HĐXX đang tiếp tục làm việc.

Thanh Lam – Phạm Dự



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: