Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa xin ý kiến các bộ ngành phương án vay 15.030 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cần vay khoảng 15.030 tỷ đồng, tương đương 100% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng với thời hạn 15 năm để thực hiện đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành trong năm nay.
Dự án mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành từ vành đai 2 TP HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 21 km, trong đó đoạn từ vành đai 2 – vành đai 3 được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch; đoạn từ vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu mở rộng lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.720 tỷ đồng, đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng, trong đó VEC huy động toàn bộ vốn để thực hiện và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn theo Luật Đầu tư. Số tiền gốc vay lại trái phiếu chính phủ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn; tiền lãi được thanh toán hàng năm.
Theo tính toán của VEC, thời gian hoàn vốn dự án là 18 năm, phương án này khả thi về mặt tài chính.
Hồi tháng 12/2024, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu phương án vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành để có nguồn lực thực hiện đầu tư mở rộng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát hành trái phiếu Chính phủ không bao gồm mục đích cho doanh nghiệp vay lại để đầu tư vào dự án, việc quyết định cho doanh nghiệp vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ thuộc thẩm quyền Quốc hội. Do đó Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội đồng ý để Chính phủ cho VEC vay lại vốn trái phiếu chính phủ phát hành.
8 năm trước, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư với quy mô 4 làn xe. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Những năm gần đây, lưu lượng phương tiện tăng cao khiến cao tốc quá tải, đoạn từ nút giao An Phú (TP HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai) có lưu lượng vượt 25% so với năng lực thiết kế. Đặc biệt, đến năm 2026, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: info@Baoangiang.com hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!