Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Sông Hồng sẽ là trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Sáng 14/1, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.





Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội xem sa bàn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, sáng 14/1. Ảnh: Hoàng Phong

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TP Hà Nội xem sa bàn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, sáng 14/1. Ảnh: Hoàng Phong

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch 1569) được Thủ tướng phê duyệt ngày 12/12/2024 với quan điểm cốt lõi lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Thủ đô Hà Nội được định hình là “Thủ đô văn hiến – kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa – phát triển hài hòa – thanh bình thịnh vượng – chính quyền phục vụ – doanh nghiệp cống hiến – xã hội niềm tin – người dân hạnh phúc”.

Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược kinh tế – xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng; khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Về tổ chức không gian, Hà Nội sẽ khai thác có hiệu quả, hài hòa 5 không gian gồm: Công cộng; trên cao; ngầm; văn hóa – sáng tạo và không gian số. Trong đó sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Không gian đô thị được phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Các mô hình đô thị mới được phát triển theo chức năng đặc thù: Đô thị theo định hướng giao thông (TOD), đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch.





Sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong định hướng quy hoạch Thủ đô. Ảnh: Ngọc Thành

Sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong định hướng quy hoạch Thủ đô. Ảnh: Ngọc Thành

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (quy hoạch 1668) được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 27/12/2024. Quy hoạch dự báo phát triển về dân số Hà Nội đến năm 2030 dự kiến là 12 triệu (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu); tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%. Đến năm 2045, dân số Hà Nội là 14,6 triệu (trong đó thường trú khoảng 13 triệu); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, định hướng tương lai, quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng; khu vực nội đô lịch sử; nội đô lịch sử mở rộng; khu mở rộng đô thị về phía Tây và Nam – Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín. 5 trục không gian quan trọng được định hướng gồm trục sông Hồng; Hồ Tây – Ba Vì; Hồ Tây – Cổ Loa; Nhật Tân – Nội Bài và Nam Hà Nội…

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn.





Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định, hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội cho lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định, hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội cho lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương TP Hà Nội đã hoàn thiện hai quy hoạch rất công phu, trên cơ sở kế thừa những quy hoạch trước đây và tìm ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mới.

Thủ tướng lưu ý quy hoạch mang tính dẫn dắt, định hướng, đưa ra tầm nhìn, thông điệp, nhưng lại là quy định pháp quy chứ không có tính chất phong trào, “nói cho vui, đưa ra thông điệp cho hay”. Thành phố cần xây dựng kế hoạch thực hiện, huy động nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng thành phố hiện đã xây dựng cung triển lãm, nhưng còn hạn chế, cần có cung triển lãm quy hoạch xứng tầm với Thủ đô để công khai các quy hoạch đến người dân và nhà đầu tư. Nơi đây cũng có thể là địa điểm du lịch và thu hút đầu tư cho thành phố.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện được hai đồ án quy hoạch đã rất kỳ công xây dựng để đưa Thủ đô có những bước tiến quan trọng, đột phá bước vào kỷ nguyên mới.

Trong 30 năm qua, có hàng chục đề án liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng của nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhưng chưa đề án nào thành hiện thực. Tháng 3/2022, Hà Nội phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chỉ kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở trong khi sông Hồng đoạn qua Hà Nội dài 120 km.

Kế thừa đồ án quy hoạch chung Thủ đô 1259 (ban hành năm 2011), đồ án quy hoạch chung lần này vẫn xác định hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm, nhưng đã đưa ra các quy hoạch chi tiết hơn và đặt sông Hồng là biểu tượng cho sự phát triển của Thủ đô trong quá trình gia nhập các thủ đô toàn cầu.

Võ Hải



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: