Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
21 lượt xem

Loài cá trăm tuổi không lão hóa

Nghiên cứu gần đây cho thấy cá trâu miệng lớn có tuổi thọ dài tới khó tin và dường như khỏe mạnh hơn khi già đi.





Cá trâu miệng rộng có tên khoa học Ictiobus cyprinellus. Ảnh: Alec Lackmann

Cá trâu miệng rộng có tên khoa học Ictiobus cyprinellus. Ảnh: Alec Lackmann

Cá trâu miệng lớn là loài cá nước ngọt sống lâu nhất thế giới, một số cá thể sống hơn 100 năm. Mỗi năm, loài cá lớn có thể nặng hơn 23 kg này di chuyển qua sông Rice để đẻ trứng và sinh sản trong hồ cùng tên ở Minnesota. Tuy nhiên, trong hơn 6 thập kỷ qua, không có thế hệ cá non mới nào tại đây sống tới tuổi trưởng thành, theo BBC.

Cá trâu miệng lớn ít được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học mới bắt đầu nhận thấy sự độc đáo của chúng. Đây là loài bản xứ ở Bắc Mỹ, có thể tìm thấy từ nam Saskatchewan và Manitoba ở Canada tới Louisiana và Texas tại Mỹ. Giới nghiên cứu gần đây có nhiều phát hiện mới bất ngờ về chúng. Nhiều cá thể được ghi nhận sống tới 127 năm và dường như không thoái hóa sinh học khi già đi. Những chuyên gia cũng nhận thấy quần thể cá trâu miệng rộng tăng lên trong vài thập kỷ qua do cá lớn tuổi không chết đi, ngay cả khi chúng không có con non sống tới tuổi trưởng thành. “Đây là một trong những quần thể động vật già nhất thế giới và không có biện pháp quản lý hay bảo vệ nào cho loài này”, Alec Lackmann, nhà ngư học ở Đại học Minnesota, Duluth, cho biết.

Lackmann là tác giả chính của nghiên cứu công bố năm 2019 phát hiện tuổi thọ trăm năm của cá trâu miệng rộng ở Minnesota. Trước đó, chúng được cho là chỉ sống tới khoảng 26 năm tuổi. Sau này, Lackmann xác nhận số lượng lớn cá thể hơn trăm năm tuổi ở các loài cá trâu khác trên khắp Bắc Mỹ. Trong hai năm sau đó, ông cộng tác với nhiều chuyên gia về lão hóa sinh học để đánh giá những dấu hiệu stress và lão hóa ở cá trâu miệng rộng thuộc nhiều độ tuổi khác nhau.

Nhóm nghiên cứu xem xét tỷ lệ tế bào miễn dịch cũng như độ dài telomeres (một vùng ADN tìm thấy ở cuối nhiễm sắc thể hạn chế số lần tế bào phân chia), hai dấu hiệu của lão hóa sinh học, và so sánh với vòng sỏi tai cho biết độ tuổi thật của cá. Độ tuổi tăng lên ở cá trâu miệng rộng không gắn liền với sự ngắn đi của telomere shortening như dự đoán thông thường. Thay vào đó, tuổi tác của chúng dường như gắn liền với chức năng miễn dịch tốt hơn, bao gồm tỷ lệ neutrophil – lymphocyte giảm, thay đổi hé lộ loài cá này xử lý áp lực cơ thể tốt hơn và tăng cường miễn dịch khi già đi.

Giới nghiên cứu vẫn chưa rõ cá trâu miệng rộng sống khỏe mạnh ở tuổi già như thế nào. Có thể chúng duy trì telomere thông qua một enzyme ngăn nó ngắn đi. Tuy nhiên, telomere không cho biết tuổi thọ tối đa của cá trâu miệng rộng. Một vấn đề khó hiểu khác là tỷ lệ cá mẫu vật lớn tuổi rất cao, khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn tất cả cá nhỏ tuổi đã đi đâu.

Lackmann và cộng sự quyết định lấy mẫu độ tuổi cá ở hồ Rice tại Minnesota, đồng thời quan sát hành vi đẻ trứng hàng năm. Trong nghiên cứu gần đây, họ cho biết 99,7% cá lấy mẫu (389 trên 390 con) lớn hơn 50 tuổi. Độ tuổi trung bình là 79, có nghĩa phần lớn cá trong quần thể ra đời trước khi kết thúc Thế chiến II. Dù cá trâu miệng rộng đẻ trứng thành công vào khoảng tháng 5 hàng năm và tạo ra nhiều con non mới, vào cuối mùa hè tất cả bằng chứng về cá con đều biến mất. Trên thực tế, không có thế hệ cá trẻ nào tồn tại thành công trong hơn 60 năm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lý do phía sau tỷ lệ sống sót cực thấp nhiều khả năng do chúng bị loài cá bản xứ khác là cá chó ăn thịt. Do cá chó cũng đẻ trứng ở hồ Rice, có thể cá chó nhỏ tuổi đã săn cá trâu non, theo Lackmann. Một giả thuyết khác về lý do cá trâu non khó sống tới tuổi trưởng thành là có sự gián đoạn môi trường sống do hoạt động xây đập. Nếu các nhà nghiên cứu và chuyên gia bảo tồn không tích cực làm việc, chúng ta có nguy cơ mất loài cá với nhiều bí mật độc đáo về lão hóa này.

An Khang (Theo BBC)



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: