Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
17 lượt xem

AEON hoàn tất mua lại 100% vốn một công ty tài chính 

Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Aeon Financial – thành viên của Aeon Group – mua lại 100% vốn của Công ty tài chính Bưu điện do SeABank sở hữu.

Cơ quan quản lý chấp thuận cho thương vụ này sau hơn một năm Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Aeon Financial ký hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính (PTF) với giá trị 4.300 tỷ đồng.

Kế hoạch bán vốn nằm trong lộ trình được đại hội cổ đông SeABank thông qua, nhằm cơ cấu, tăng năng lực tài chính, kinh doanh theo hướng trọng tâm. Bên cạnh việc chuyển nhượng vốn góp tại PTF, SeABank và Aeon Financial cũng hướng tới mục tiêu trở thành đối tác toàn diện.

PTF được thành lập vào tháng 10/1998 và là một trong những công ty tài chính đầu tiên tại Việt Nam với vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng, tổng nhân sự gần 2.000 người và phục vụ 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành. Trước khi về tay doanh nghiệp Nhật Bản, công ty tài chính này được SeABank mua lại từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) năm 2018.

Aeon Financial, được thành lập năm 1981, là thành viên thuộc mảng tài chính của Aeon Group – tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản. Ngoài thị trường Nhật, công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh thẻ tín dụng, tài chính trả góp, ngân hàng, bảo hiểm… tại 11 quốc gia.

Tại Việt Nam, Aeon Financial bắt đầu hoạt động từ năm 2008 thông qua việc thành lập Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam, cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp liên kết với các nhà bán lẻ đối với hàng hóa tiêu dùng.

Hiện nay, thị trường có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Từ nhiều năm qua, cơ quan quản lý không cấp mới thêm giấy phép nào. Do đó, hoạt động mua bán sáp nhập công ty tài chính là hướng đi tắt của nhà đầu tư ngoại để được phép kinh doanh, mở rộng mạng lưới và đội ngũ nhân sự ở Việt Nam.

Tính đến cuối 2023, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có dư nợ khoảng 2,4 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng của các công ty tài chính khoảng 135.000 tỷ đồng. Mức này giảm khoảng 70.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022.

Trong bối cảnh cho vay tiêu dùng khó khăn, các thương vụ mua bán sáp nhập công ty tài chính vẫn diễn ra sôi nổi. Gần đây, Tập đoàn Home Credit chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho Ngân hàng SCB của Thái Lan (The Siam Commercial Bank Public Company Limited) thuộc Tập đoàn Công nghệ tài chính của Thái Lan, với giá 22.000 tỷ đồng.

Trước đó, thị trường tài chính tiêu dùng cũng ghi nhận thương vụ VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) mang về 1,4 tỷ USD.

Quỳnh Trang



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: