Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Kẹt xe cuối năm có lối nào thoát?

Kẹt xe cuối năm có lối nào thoát? - Ảnh 1.

Xe cấp cứu di chuyển khó khăn trong dòng xe rối loạn tại ngã tư Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM) vào lúc 17h30 ngày 10-1 – Ảnh: TRÍ ĐỨC

Liệu có giải pháp nào cho những ngày từ nay đến Tết với dự báo chắc chắn lượng người đi lại sẽ còn đông đúc hơn?

Kẹt xe, đi làm trễ

Những ngày qua, dù không phải khung giờ cao điểm, việc đi lại của người dân tại TP.HCM vẫn chậm chạp. Quãng đường vẫn như vậy nhưng thời gian di chuyển kéo dài gấp đôi, có khi gấp ba.

Trên con đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) vốn hằng ngày đã đông đúc thì mấy ngày qua còn đông đúc hơn. Vào giờ cao điểm sáng 10-1, trước đây đường Cộng Hòa chỉ kẹt xe vài điểm thì nay gần như cả con đường người dân phải nhích từng chút.

Trần Tuấn Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ tuần này đi làm 5 ngày nhưng hết 2 ngày trễ làm khi trước đây anh mất khoảng 15 – 20 phút di chuyển từ chỗ trọ đến công ty (3,5km), gần đây mất 40 phút vì có khi phải chờ đến lượt đèn đỏ thứ ba mới ra khỏi được các giao lộ.

Dù đã trừ hao thêm thời gian di chuyển, dậy sớm hơn để chuẩn bị đi làm, nhưng anh vẫn đến trễ vào những ngày kẹt xe không lối thoát và bị nhắc nhở khiến anh rất đau đầu.

Còn Huỳnh Thị Mỹ Quyên (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho hay thời gian di chuyển từ công ty ở quận 3 về nhà ở Thủ Đức từ 30 phút nay tăng lên 1 – 1,5 giờ do đi qua các trục đường chính thường xuyên ùn tắc nay càng ùn tắc hơn.

“Về đến nhà tôi mệt lả người, tay chân ê ẩm do gồng mình lái xe. Cả buổi tối không thể làm thêm gì nữa, cơm cũng không muốn ăn”, chị Quyên than thở. Dù vậy, điểm sáng tích cực mà chị nhận thấy ý thức chấp hành luật giao thông của mọi người đã tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, T.P.L. (24 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang), người bị cảnh sát giao thông lập biên bản hành vi rẽ phải khi đèn đỏ tại giao lộ Lê Quang Định – Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), cho biết thấy phía sau anh đông đúc xe cộ nên không chờ đèn mà rẽ phải vào đường Nơ Trang Long luôn.

“Chỗ giao lộ này tôi nghĩ nên lắp thêm đèn cho rẽ phải, vì mỗi khi đèn đỏ, dòng xe phía sau dồn ứ lại đông đúc, rẽ phải sẽ giảm tải được bớt lượng phương tiện”, anh L. góp ý.

Lắp 50 mũi tên màu xanh cho rẽ phải khi đèn đỏ ở các giao lộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho hay những ngày qua đơn vị tiếp nhận thông tin từ người dân và lập tức tiến hành rà soát các giao lộ tại TP.HCM để có điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Thực tế các đường ở TP.HCM có mật độ xe rất lớn, trước nay nhiều người có thói quen rẽ phải ở nút giao khi đèn đỏ dù quy định không cho phép. Nghị định 168/2024 áp dụng với mức phạt cao, người dân chấp hành tốt hơn khi dừng đèn đỏ, hạn chế rẽ phải.

Có thể thấy ý thức người dân đã chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao an toàn giao thông khu vực giao lộ, ngã tư. Dù vậy việc này cũng kéo theo ùn xe nhiều hơn tại một số giao lộ.

Đối với việc rà soát, trung tâm đánh giá tình trạng giao thông và những vị trí đủ điều kiện an toàn thì cho lắp thêm đèn hiển thị mũi tên màu xanh. Người dân đi xe máy nhìn thấy đèn mũi tên màu xanh này thì được cho xe rẽ phải khi đèn đỏ. Khi rẽ phải, người dân cần chú ý đi chậm quan sát để tránh va chạm người đi bộ qua đường.

Việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ chỉ áp dụng những nơi phù hợp, không phải toàn bộ giao lộ bởi vì còn phải đánh giá mật độ giao thông, tính an toàn của khu vực, nguy cơ kẹt xe.

Qua rà soát, trung tâm đã báo cáo, đề xuất Sở GTVT TP.HCM và lắp đặt 50 mũi tên màu xanh ở 50 giao lộ đảm bảo điều kiện an toàn trong ngày 10-1. Trong đó đa số là các đường trục dọc, trục ngang có mật độ giao thông lớn, nhiều điểm giao cắt như tuyến Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ…

Dự kiến hôm nay (11-1), các đơn vị tiếp tục lắp đặt thêm ít nhất 50 “mũi tên màu xanh” tại các giao lộ. Song song đó, trung tâm tiếp tục rà soát ở hàng loạt giao lộ để tiếp tục đề xuất bổ sung, tổ chức giao thông hợp lý cho người dân đi lại.

“Các đơn vị rà soát, cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số giao lộ để giúp người dân chấp hành quy định tốt, đi lại thuận tiện, giảm bớt tình trạng ùn xe trên đường”, vị đại diện trung tâm nói.

Về lâu dài, các đơn vị cũng phát triển hạ tầng giao thông đường sá, hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu tổ chức giao thông phù hợp, ứng dụng công nghệ AI… để cải thiện tình hình giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông…

Vị đại diện trung tâm cũng nói thêm để giảm ùn tắc, người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành giao thông, không leo lề, đậu xe cản trở lối rẽ của dòng xe cộ trên đường.

Kẹt xe cuối năm có lối nào thoát? - Ảnh 2.

Giao thông khu trung tâm TP.HCM kẹt cứng vào sáng 10-1 – Ảnh: T.T.D.

“Quan trọng nhất là ý thức chấp hành”

Tại họp báo định kỳ TP.HCM vào chiều 9-1, ông Nguyễn Thành Lợi – phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM – cho rằng với việc mức xử phạt bằng tiền được nâng lên nhiều, có dư luận nhận định là khá cao so với mức thu nhập hiện tại của người lao động.

Song thực tế chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông nói riêng và các lĩnh vực khác cũng đã được quy định trong các văn bản pháp luật và đã có từ lâu.

Việc nâng chế tài xử phạt lần này đã được đúc rút qua thực tiễn áp dụng trong lĩnh vực vi phạm hành chính về giao thông thời gian qua.

Ông Lợi cho biết có một số phản ánh rằng việc chấp hành nghiêm các quy định dẫn đến tình trạng ùn tắc, đặc biệt là tại các giao lộ, có vẻ như trầm trọng hơn.

Nhưng thực tế qua khảo sát đánh giá, việc tham gia giao thông cần tuân thủ và có trật tự thì dòng dịch chuyển sẽ đảm bảo.

Nếu không tuân thủ, không đi đúng thì sẽ tạo ra những nút ùn tắc và lực lượng chức năng gỡ các nút thắt này rất khó.

Việc tuân thủ đi đúng làn đường, đúng tốc độ, không đi trên vỉa hè… sẽ tạo ra một môi trường giao thông có trật tự hơn, việc tham gia giao thông sẽ an toàn văn minh hơn, bộ mặt giao thông đô thị cũng sẽ hiện đại hơn.

Về việc phát sinh một số vấn đề như dân lo lắng không được rẽ phải khi đèn đỏ sẽ gây kẹt xe, ông Nguyễn Thành Lợi cho biết quy định không rẽ phải khi đèn đỏ được áp dụng từ lâu để bảo đảm an toàn cho người đi bộ, giảm va chạm đáng tiếc. Một số người dân có thói quen rẽ phải khi đèn đỏ do lượng xe đông mà hạ tầng chưa phát triển kịp.

“Một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành luật của mỗi người dân. Chúng ta không vi phạm vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, có quan sát nhường đường đúng quy định… sẽ hạn chế va chạm giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay, mỗi người ra đường đi đúng làn đường, có thứ tự, không chen lấn thì giao thông sẽ thông suốt. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, lượng xe cộ tăng cao thì người dân càng phải chú ý”, ông Lợi chia sẻ thêm.

Công an sẽ tăng cường bố trí lực lượng

Theo lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, cuối năm ngoài lượng xe bình thường, mật độ xe cộ trên các đường đông đúc hơn do nhu cầu của người dân đi mua sắm, buôn bán… dẫn đến tình hình giao thông một số nơi có phần đông đúc hơn ngày bình thường.

Cũng theo lãnh đạo PC08, sau hơn một tuần áp dụng triển khai nghị định 168, Công an TP.HCM nhận thấy tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực khi người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông.

Thời điểm cận Tết cũng là trong giai đoạn cảnh sát giao thông TP.HCM ra quân trong đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Vì vậy lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách và hàng hóa của người dân.

Tăng cường bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các tuyến cửa ngõ ra vào TP, khu vực kho bãi tập kết hàng hóa, các tụ điểm vui chơi giải trí, chợ hoa, chợ Tết, khu vực bắn pháo hoa…

Song song đó phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ việc lấn chiếm lòng đường, hè phố để làm bãi trông giữ xe tại các khu vực chợ truyền thống, các cửa hàng… trước, trong và sau Tết.

Bài toán mới và khó cho vận tải hàng hóa

Kẹt xe cuối năm có lối nào thoát? - Ảnh 3.

Đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai vào lúc 13h ngày 10-1 đông đúc xe cộ – Ảnh: VĂN TRUNG

Nỗi lo về ùn tắc giao thông khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng lớn và nhiều doanh nghiệp vận tải đang tính chuyện tăng cước.

Tại TP.HCM, đường từ quận 12 đến quận Bình Thạnh vốn chỉ mất khoảng 1- 1,5 tiếng di chuyển trong điều kiện bình thường (có một số đoạn kẹt xe). Tuy nhiên gần đây anh Trần Hiền, một tài xế vận tải chạy xe tải nhỏ, đã chứng kiến chuyến đi của mình kéo dài đến gần 4 giờ đồng hồ.

Chuyến giao hàng của anh vốn bình thường chỉ cần mất khoảng 1 giờ, nay bị ùn tắc kéo dài qua các trọng điểm như ngã tư An Sương, đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh (quận 12 và Tân Bình).

Kể lại câu chuyện, anh Hiền cho hay khi anh đến chung cư giao hàng vào lúc 11h, bảo vệ đã từ chối cho vào vì đã quá giờ quy định. Anh phải chạy xe ra nơi khác, chờ đến đầu giờ chiều để quay lại. Dù chuyến hàng này không mang lại nhiều cước phí nhưng thời gian bị mất, cùng với chi phí xăng xe tăng cao, khiến anh Hiền không khỏi lo lắng.

Anh Khánh, một tài xế xe ôm, nói: “Trước đây đèn đỏ, tôi thường rẽ phải bình thường nhưng giờ không ai dám rẽ, dòng xe chờ xếp hàng nên kẹt là chuyện đương nhiên rồi. Có khách do nôn nóng công việc, họ bảo vượt luôn, nhưng tôi từ chối vì sợ bị phạt lắm”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, tổng giám đốc một công ty vận chuyển hàng hóa tại TP.HCM, cho biết mỗi chuyến xe container từ Thủ Đức đến Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai) có thể tiêu tốn thêm gần 800.000 – 1 triệu đồng tiền nhiên liệu nếu gặp phải ùn tắc giao thông, thay vì mất khoảng 1 giờ thì thành 3-4 giờ.

Theo ông Thanh, tăng cường xử phạt giao thông, tạo nề nếp đi lại văn minh là điều hoan nghênh và đáng ủng hộ. Tuy nhiên xét về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, trong khi logistics là “mạch máu” của nền kinh tế, việc ùn tắc giao thông khiến sản xuất và phân phối bị ảnh hưởng.

Để đối phó với tình trạng này, qua trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM cho biết sẽ tính đến chuyện thông báo tăng giá cước.

Cũng có doanh nghiệp đã gửi thông báo đến khách hàng, kể từ ngày 13-1, mức giá cước vận chuyển sẽ tăng từ 400.000 đồng/container cho bán kính dưới 50km, lên đến 1,2 triệu đồng/container cho các tuyến dài từ 120 – 200km. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chuyện xăng cộ, chưa tính đến việc mất thời gian vận hành xe/chuyến hàng.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: