Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Bỏ đề xuất người lao động bị sa thải, kỷ luật không được nhận bảo hiểm thất nghiệp

Bỏ đề xuất người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động làm việc trong một nhà máy tại Bình Dương – Ảnh: B.S.

Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã cho ý kiến vào việc giải trình, chỉnh lý, tiếp thu dự Luật Việc làm sửa đổi.

Đáng chú ý, tại dự luật mới nhất được cơ quan soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ đề xuất quy định người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo dự luật mới nhất, người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp) khi có đủ một số điều kiện.

Cụ thể, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp:

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.

Người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Dự luật cũng quy định người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng…

Cần bỏ để đảm bảo quyền lợi người lao động

Trước đó, tại dự luật trình kỳ họp thứ 8, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung một trường hợp không được hưởng là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Về đề xuất này, Ủy ban Xã hội khi thẩm tra thấy rằng, theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định này để tạo điều kiện cho những người lao động nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng – hưởng”.

Nhiều đại biểu Quốc hội khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online cũng đề nghị bỏ đề xuất này.

Trong đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, cho rằng đề xuất trên vô hình trung tước bỏ quyền lợi của những người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, theo ông Nghĩa, việc này cũng đi ngược lại với nguyên tắc đóng – hưởng cơ bản của bảo hiểm xã hội.

Ông chỉ rõ quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp là sự đảm bảo khi người lao động mất việc làm, giúp họ có thể ổn định cuộc sống trong thời gian chuyển tiếp sang công việc mới.

Nam đại biểu nhấn mạnh nếu quy định này không được điều chỉnh thì một bộ phận lao động sẽ chịu thiệt thòi. Đặc biệt là những người đã đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng lại không được hưởng những lợi ích thiết yếu khi họ gặp khó khăn.

Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên trong dự thảo luật, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: