Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Chăn nuôi heo, bò sữa giảm mạnh, TP.HCM hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Chăn nuôi ở TP.HCM giảm mạnh, hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

Chim cảnh giới thiệu tại hội nghị, nhiều người thích thú – Ảnh: CÔNG TRUNG

Thiếu quy hoạch chăn nuôi khiến các hộ dân khó cải tạo, xây dựng chuồng trại mới hay xử lý chất thải đúng quy định, dẫn đến trở ngại trong việc tái đàn và phát triển đàn.

Đó là thông tin được nêu ra tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức ngày 10-1.

Vì sao chăn nuôi bò sữa, heo ở TP.HCM giảm mạnh?

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hoàng – quyền giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM – cho biết ngành nông nghiệp TP.HCM đã phục hồi và chuyển đổi theo mô hình nông nghiệp đô thị, tập trung vào chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 19.935 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù diện tích gieo trồng rau các loại giảm 6%, còn 20.450ha, sản lượng rau vẫn đạt 602.048 tấn.

Các mô hình trồng trọt an toàn như VietGAP, GlobalGAP đang được đẩy mạnh, với mục tiêu 100% tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn đạt chuẩn vào năm 2025.

Một trong những vấn đề được nêu ra là ngành chăn nuôi đang gặp thách thức với đàn bò sữa giảm 10,8%, còn 33.225 con, sản lượng sữa tươi đạt 141.473 tấn, giảm 8,4%. Đàn heo cũng giảm 17,9% so với cùng kỳ, còn 110.158 con.

“Chính sách thu hút chăn nuôi công nghệ cao còn hạn chế. Đầu tư chăn nuôi, vốn lớn nhưng chịu nhiều tác động nên nhiều doanh nghiệp chần chừ” – ông Hoàng nói.

Ở lĩnh vực thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng 1,1%, đạt 5.130ha, sản lượng tôm thu hoạch đạt 11.285 tấn (tăng 9%). Đặc biệt, sản lượng cá cảnh tăng 9,4%, với 120,3 triệu con trên diện tích nuôi 89ha, khẳng định vị thế của TP.HCM trong lĩnh vực này.

Nâng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đầu ra

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Hợp tác xã Tuấn Ngọc cho biết đang tận dụng công nghệ để tái chế giá thể xơ dừa từ sản xuất thủy canh thành giá thể trồng rau đất, kết hợp phân bón hữu cơ. Phương pháp này không chỉ giảm rác thải nông nghiệp mà còn tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao sản lượng rau.

Chăn nuôi ở TP.HCM giảm mạnh, hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Tăng cường bán hàng hóa qua các kênh mạng xã hội – Ảnh: CÔNG TRUNG

Hợp tác xã Tuấn Ngọc cũng đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo Farm, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, đơn vị này đang hướng tới xuất khẩu các sản phẩm rau sạch và xà lách thủy canh công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP và HACCP.

Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã cũng thảo luận tại hội nghị về mục tiêu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao.

TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển cá cảnh xuất khẩu, xây dựng khu nghiên cứu chuyên sâu kết hợp sản xuất và du lịch. Ở lĩnh vực trồng trọt, mô hình sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao sẽ được nhân rộng, với 70% vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Chăn nuôi ở TP.HCM giảm mạnh, hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp, khách hàng đến hội nghị tìm kiếm cơ hội hợp tác hàng hóa – Ảnh: CÔNG TRUNG

Với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay sẽ khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, và tuần hoàn, giảm dần các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô vừa và lớn. Ưu tiên chuyển đổi đất sử dụng kém hiệu quả sang mô hình sản xuất giá trị cao như sản xuất con giống chất lượng.

Duy trì quy mô đàn bò sữa và bò thịt, với 35.600 con bò sữa cái, tập trung tại Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất sữa. Trại trình diễn và thực nghiệm duy trì khoảng 100-150 con.

Bên cạnh đó, giảm đàn heo thịt, tăng đàn nái, đảm bảo cung cấp 250.000 – 300.000 heo giống chất lượng cao và 25.000 tấn thịt hơi mỗi năm. Xây dựng và triển khai đề án nuôi chim yến tại TP.HCM giai đoạn 2025-2030, kết hợp phát triển bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường và gắn với du lịch sinh thái.

Đồng thời quy hoạch vùng cấm và vùng được phép chăn nuôi, hỗ trợ di dời các cơ sở không phù hợp. Triển khai các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, an toàn sinh học và phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

Tăng cường xúc tiến kết nối tiêu thụ nông sản

Trong năm 2025, TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với nhiều hoạt động nổi bật.

Các sự kiện tiêu biểu bao gồm Tuần lễ sản phẩm OCOP, Festival hoa lan lần III năm 2025, và triển lãm công nghệ chế biến – bảo quản nông sản. Đồng thời, thành phố thực hiện các chương trình truyền hình và phim quảng bá về nông nghiệp trên mạng xã hội, xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể và liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm đến năm 2030.

Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được triển khai.

Thành phố còn tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng, miền trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các địa phương trên cả nước.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: