Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
30 lượt xem

Đường đi của chai nhựa sau thu gom

Mỗi ngày, một công ty như Duy Tân Recycling gom khoảng 12 triệu chai nhựa, nếu rải trên đường sẽ tương đương quãng đường từ TP HCM ra Đà Nẵng.

Duy Tân Recycling, đơn vị tái chế của Việt Nam đã xuất được nhựa tái chế đi Mỹ, chỉ là một trong nhiều “mắt xích” của chuỗi thu gom để những chai nhựa “bỏ đi” thành một sản phẩm tái chế hữu ích.

Hành trình từ khi được thu gom tới quá trình phân loại và tái chế thành phẩm của những chai nhựa. Đồ hoạ: Bảo An

Hành trình từ khi được thu gom tới quá trình phân loại và tái chế thành phẩm của những chai nhựa. Đồ hoạ: Bảo An

Nơi khởi đầu cho chuỗi tái chế của mỗi chai nhựa chính là các điểm thu gom. Ngoài những điểm thu mua phế liệu nhỏ lẻ truyền thống, tại các tỉnh, thành còn có hệ thống thu gom khá đa dạng. Một trong số đó là các hệ thống bán lẻ lớn như siêu thị.

Trung tâm thương mại GO! ở quận Bình Tân (TP HCM) mới đây lắp đặt thêm máy thu gom chai nhựa, vỏ lon. Central Retail – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bán lẻ này – đã thử nghiệm 12 máy tương tự tại các điểm bán lớn tại TP HCM, dự kiến nâng lên 86 máy trên toàn quốc.

Ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Công ty cổ phần VietCycle, đơn vị hợp tác thu gom với Central Retail – cho biết lực lượng “ve chai” sẽ vận chuyển số chai, lon này tới các vựa phế liệu.

Ngoài mạng lưới 3.000 người làm nghề ve chai của VietCycle còn có sự tham gia của nhiều nhóm bạn trẻ như ứng dụng kết nối ve chai VECA, TaGom, Ve Chai Chú Hỏa – chủ yếu hoạt động tại TP HCM.

Tại Hà Nội, tổ chức môi trường do các sinh viên lập ra mang tên Green Life khuyến khích người dân “đổi rác lấy cây” (đổi các sản phẩm có thể tái chế) tại trụ sở tại Đại La hoặc Phố Sách. Hay như TaGom cũng mở “trạm cứu hộ rác” tại 3 cơ sở ở Hoàn Kiếm, Trần Điền, Cổ Linh.

Đại diện Công ty cổ phần Tái chế Nhựa Duy Tân (Duy Tân Recycling) cho biết đơn vị mỗi ngày thu gom 180 tấn chai nhựa đã qua sử dụng, tương ứng chừng hơn 12 triệu chai. Nếu xếp các chai nhựa trên đường, chiều dài sẽ tương đương khoảng cách từ TP HCM ra Đà Nẵng.

Sau thu gom, chai nhựa được chuyển tới vựa phế liệu, trạm phân loại rồi ép kiện.

Ví dụ, tại trạm thu gom ở quận 11, TP HCM của Ve Chai Chú Hỏa, nhựa PET sẽ được phân loại về nhà máy Duy Tân Recycling, nhựa giá trị thấp về Plastic People.

Sau các công đoạn phân loại, ép kiện, rác thải sẽ chuyển đến nhà máy tái chế. Tại đây, rác tái chế này sẽ được chia thành từng loại để cắt, nghiền, làm thành hạt nhựa.

Tại nhà máy Duy Tân Recycling, sau khi phân loại theo màu, độ dày, công năng, chai nhựa trải qua quá trình rửa, xay, bằm, nghiền, tái chế nhựa sau nghiền thành các hạt nhựa tương ứng.

Đồ hoạ: Bảo An

Các loại nhựa thành phẩm sau tái chế. Đồ hoạ: Bảo An

Công nghệ mà Duy Tân Recycling sử dụng được giới thiệu là “Bottle to Bottle”, tức mỗi chai nhựa qua sử dụng được tái chế thành hạt nhựa, tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới. Còn VietCycle chuẩn bị tham gia tái chế chai nhựa PET với tiêu chuẩn Food Grade (đạt chuẩn dùng cho thực phẩm). Một công nghệ khác VietCycle đang ấp ủ là tái chế nhựa giá trị thấp thành dầu.

Đầu ra của các nhà máy tái chế này thường là hạt nhựa rPET (Polyethylene Terephthalate tái chế), rPP (polypropylene tái chế), rHDPE (high-density polyethylene tái chế)… Nguyên liệu này được chuyển tới các nhà máy bao bì, tạo ra các thành phẩm mới như chai nhựa, quần áo, đồ nội thất tái chế.

Ảnh: Bảo An

Ảnh: Bảo An

Các loại rác thải nhựa thường gặp

Số ký hiệu

Tên gọi

Một số ứng dụng

1

PET (polyethylene terephthalate)

Hộp đựng thực phẩm, nước uống đóng chai, chai gia vị, quần áo

2

HDPE (high-density polyethylene)

Chai dầu gội, mỹ phẩm

3

PVC (polyvinyl chloride)

Ống nhựa, chai

4

LDPE (low-density polyethylene)

Túi nilon

5

PP (polypropylene)

Tương ớt, tương cà, bình sữa

6

PS (polystyrene)

Hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần

7

Các loại nhựa còn lại như ABS (acrylonitrin butadien styren), PC (polycarbonate)

DVD, màn hình, vật liệu xây dựng

PET (số 1) là loại nhựa dễ thu gom và tái chế nhất. Nhựa số 6 (PS) là loại không thể tái chế. Hai nhóm số 3 (PVC) và 7 không được khuyến khích tái chế do độ an toàn thấp.

Một chai PET lý tưởng để tái chế khi làm sạch, bỏ nắp (làm từ nhựa PP) và nhãn (làm từ PE hoặc PVC).

PET và HDPE được coi là rác thải nhựa giá trị cao với lực lượng thu gom, theo Chủ tịch VietCycle. Tuy nhiên, không phân loại đúng cách, rác nhựa giá trị cao có thể phải bỏ. Hộp sữa chua làm từ nhựa PET hoặc HDPE, rất phù hợp để tái chế. Nhưng không làm sạch, để lẫn rác thải sinh hoạt, loại hộp này trở thành rác giá trị thấp, Chủ tịch VietCycle cho biết.

Tình trạng bỏ rác lẫn cũng khiến tỷ lệ hao hụt nguyên liệu sau thu gom tại Duy Tân Recycling lên tới 50%, khi phải tách và loại bỏ chai không đạt.

Công suất và loại hạt nhựa tại chế của một số công ty. Số liệu đến năm 2022. Nguồn: FiinGroup

Công suất và loại hạt nhựa tại chế của một số công ty. Số liệu đến năm 2022. Nguồn: FiinGroup

Theo Nghị định 08 năm 2022, nhà sản xuất có doanh thu từ 30 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Với bao bì PET, tỷ lệ tái chế trong 3 năm đầu tiên phải đạt 22%. Tỷ lệ này với các loại bao bì nhựa còn lại dao động từ 10-15%. Có nghĩa là, yêu cầu tái chế đã trở thành bắt buộc với các nhà sản xuất.

Ông Hoàng Đức Vượng, người cũng đang là Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam, cho biết năm 2023, nước ta sử dụng khoảng 10 triệu tấn hạt nhựa, với hơn 7 triệu tấn từ nhập khẩu và khoảng 3 triệu tấn sản xuất trong nước. Ông Vượng cho biết ngành tái chế có thể thu được cả tỷ USD mỗi năm nếu thu gom và tái chế triệt để.

Bảo An


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: