Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
41 lượt xem

Cô gái hát khúc tráng ca với tôi ngày xưa…

Anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu… - Ảnh 1.

Đêm biểu diễn, em rạng ngời trong ánh mắt tôi và tôi nghĩ cũng rạng ngời trong mắt khán giả. Tối về, tôi lại làm thơ, những vần thơ ngây ngô, vụng dại… – Ảnh: Freepik

Khi ấy, tôi đã phải ráo riết ôn tập bài vở chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp ba nhưng vẫn phải lo chu toàn việc tham gia đêm văn nghệ của huyện chào mừng sinh nhật Đoàn 26-3.

Tiếng là học sinh giỏi của trường, có giấy khen của sở giáo dục về thành tích học tập học kỳ 1, tôi phải đồng thời lo sao cho tốt nghiệp điểm cao và đậu vào đại học, vừa lo cho đêm diễn trong năm cuối phổ thông với tư cách ủy viên ban chấp hành Đoàn trường.

Áp lực ấy tự tôi gánh lấy khi giữa năm lớp 11. Hầu như tất cả đoàn viên là học sinh, cả nam lẫn nữ, đều viết đơn tình nguyện vào bộ đội, đi chiến trường biên giới Tây Nam trong đợt Hồng quân 1978. Mình là người ở lại, cũng phải làm cái gì đó cho xứng đáng.

Chạy đôn chạy đáo rồi cũng xong hai tiết mục. Đơn ca là tôi với ca khúc có ca từ rất tình tứ: “Chíếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng em ngồi em giặt áo/ Đêm trăng sáng anh ngồi anh thổi sáo/ Anh vào bộ đội, làm cầu treo qua suối/ Anh bắc cầu phao qua bến sông sâu/ Anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu…”. Tôi nhớ đó là bài “Nhịp cầu nối những bờ vui”.

Tiết mục tập thể mới căng. Huy động, vận động các em, sau mình 1 – 2 năm học quả là kỳ công. “Tiến bước dưới quân kỳ”, phải qua huyện đội nhờ cho mượn mấy bộ đồ, liên hệ đội văn nghệ xung kích của phòng văn hóa thông tin mượn mấy cây súng gỗ, lá cờ rồi về tập tành với biên đạo múa chay.

Em học sau tôi hai niên khóa, có nghĩa khi ấy vừa nhập học lớp 10 được mấy tháng. E còn nhút nhát, bảo Có gì anh đến nhà xin phép ba mẹ giùm em. Tôi bậm gan, mở lời, vậy mà cũng suôn sẻ, với điều kiện sau buổi tập, dừ sớm hay muộn gì cũng phải cùng với cô bạn cùng lớp, cùng xóm nhà em đưa về.

Đêm biểu diễn, em rạng ngời trong ánh mắt tôi và tôi nghĩ cũng rạng ngời trong mắt khán giả. Tôi mê mải ngắm nhìn em đến nỗi quên nhắc một giọng ca nam trong lớp lên hát thế bài “Nhịp cầu nối những bờ vui” cho tôi vì tôi bị cảm lạnh, giọng khàn đặc mấy hôm. Trời xui đất khiến, cái khàn đặc ấy lại làm nên nét riêng khi tôi cố gắng thể hiện bài hát.

Sau buổi diễn, cả nhóm tự thưởng mấy ly sinh tố, chè cô Ba ở chợ huyện. Tối về, tôi lại làm thơ, những vần thơ ngây ngô, vụng dại…

Rồi tôi vào đại học. Em ấy hai năm sau cũng vào đại học ở một trường khác, bởi tôi và em khác khối thi.

Đó là ngả rẽ đầu đời của tôi và em. Thế nhưng ông trời run rủi, hai đứa lại gặp nhau trong đêm diễn cuối năm ba của tôi ở ký túc xá Ngô Gia Tự. Em trong màu áo sinh viên y dược, chững chạc, mặn mà so với lúc ở trường cấp ba.

Hôm đó, em hát bài “Hương thầm”, “Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi/ Mà hương thầm theo mãi bước người đi…”.

Anh bạn suýt làm người thế thân cho tôi trong đêm văn nghệ hồi trước, cũng lên sân khấu với bài “Dấu chân phía trước”, “Khi ta còn là hạt bụi, người đã lên tàu đi xa…”.

Sau đêm diễn hai người đưa nhau về, có một người đứng lặng nhìn theo. Với mớ hành trang đó, tôi quyết định vào lính phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp đại học.

Một lần tình cờ, tôi biết được số điện thoại của em. “Anh hả…” rồi hai đứa không nói gì thêm.

Những lần lễ lạt, tôi lại thấy bồi hồi nhớ về những năm tháng cũ, nhớ về em…

Tháng 8-2024

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: