Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
54 lượt xem

300 nhà bên sông Trà Khúc ‘xập xệ, dột nát’ vì quy hoạch treo

Hàng trăm hộ dân ở TP Quảng Ngãi mỏi mòn trong những ngôi nhà xập xệ suốt 28 năm nhưng không thể sửa chữa vì vướng hàng loạt quy hoạch.

Giữa tháng 9, sau cơn mưa lớn, tổ dân phố số 6, phường Lê Hồng Phong, ngập ngụa nước, những con đường vốn chật hẹp thêm phần nhếch nhác. Trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 120 m2, bà Dương Thị Xí, 70 tuổi, cùng con trai chuẩn bị sẵn nhiều thau lớn đựng nước dột từ mái nhà.

“Nước chảy khắp nơi, con gái tôi đang học bài ở nhà dưới thì phải chạy lên nhà trên, rồi đến khi nhà trên dột lại phải chạy xuống dưới”, anh Trần Văn Đạt, 38 tuổi, con trai của bà Xí nói, cho biết căn nhà đã xây từ 35 năm trước, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Các thanh đòn bằng gỗ rệu rã vì mối mọt, mái nhà cong vênh nhưng không thể sửa chữa vì vướng quy hoạch.

Con đường vào tổ dân phố 6 nhếch nhác trong cơn mưa tháng 9. Ảnh: Phạm Linh

Con đường vào tổ dân phố 6 nhếch nhác trong cơn mưa tháng 9. Ảnh: Phạm Linh

Gần đó, vợ chồng ông Trần Lem, 62 tuổi, sống trong căn nhà 100 m2 cùng hai người con cho biết sinh hoạt hàng ngày rất bất tiện vì căn nhà quá xuống cấp. “Con trai và con gái đều đã lớn, nhà chỉ có hai phòng ngủ nhưng không thể cải tạo hay xây mới”, ông Lem nói.

Theo ông Lem, cũng do vướng quy hoạch nên cả khu phố đều không được đầu tư hạ tầng, đường xá hay cống nước. Tổ 6 vốn đã ẩm thấp, lại lọt thỏm giữa hai con đường lớn là Tôn Đức Thắng bên sông và Hai Bà Trưng ở phía nam nên thường xuyên bị ngập úng.

Tương tự gia đình bà Xí, ông Lem, nhiều năm qua, hàng trăm người dân ở tổ dân phố 6 cũng chịu cảnh khổ sở vì nhà cửa xuống cấp không thể cơi nới, sửa sang hay xây mới do vướng quy hoạch.

Bà Đạt, con trai bà Xí trong căn nhà phòng đã rớt la phông. Ảnh: Phạm Linh

Trần Văn Đạt trong căn phòng cũ kỹ, xuống cấp. Ảnh: Phạm Linh

Tổ dân phố 6 rộng 16 ha, bên sông Trà Khúc, ở trung tâm TP Quảng Ngãi. Năm 1997, nơi này được Thủ tướng quy hoạch thuộc dự án kè sông Trà Khúc. Tuy nhiên, do giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu, nên khi xây xong kè, người dân ở đây vẫn chưa được di dời. Sau đó, khu vực này được loại khỏi quy hoạch.

Đến năm 2008, Quảng Ngãi định hướng phát triển thành phố ven sông. Khu đất trên lại được quy hoạch làm Trung tâm hành chính tỉnh. Tuy nhiên, suốt nhiều năm liền, dự án này không triển khai. Bảy năm sau, nơi này lại được chính quyền tỉnh quy hoạch dự án Khu đô thị mới để phục vụ tái định cư cho người dân tổ 6.

Theo đó, 16 ha được chia làm hai phân khu, thu hồi trong hai giai đoạn. Trong đó, phân khu 1 hơn 8 ha phần lớn là đất nông nghiệp, sẽ được san ủi mặt bằng để phục vụ tái định cư trong giai đoạn đầu; phân khu 2 diện tích hơn 7 ha, thuộc khu vực người dân đang ở thu hồi sau.

UBND thành phố Quảng Ngãi, sau đó đã giải phóng mặt bằng, bồi thường cho 283/292 hộ có đất ở giai đoạn 1. Đến năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại quy hoạch khu này thành Trung tâm hội nghị tỉnh, theo hình thức cho doanh nghiệp đổi đất lấy hạ tầng. Nhưng sau một thời gian, công trình được đổi sang địa điểm khác. 1,8 ha trong tổng số 8 ha mặt bằng sạch đã giải tỏa, được đấu giá để doanh nghiệp làm dự án bất động sản.

Tổ dân dân phố 6, sát bên sông Trà Khúc với những căn nhà cấp 4thaasp hơn những ngôi nhà cao tầng phía nam. Ảnh: Phạm Linh

Tổ dân dân phố 6, sát bên sông Trà Khúc với những căn nhà cấp 4 đối nghịch với những ngôi nhà cao tầng phía nam. Ảnh: Phạm Linh

Năm 2021, chính quyền tỉnh lại quyết định dừng giai đoạn 2, không thu hồi đất ở của các hộ dân do kinh phí bồi thường quá lớn, lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, không thể cân đối thu chi. Như vậy, người dân không được di dời sang khu tái định cư đã san ủi mặt bằng. Thay vào đó, chính quyền sẽ chỉnh trang đô thị tại chỗ và cấp sổ đỏ cho họ.

Quyết định này khiến người dân phản ứng, vì họ đã nhường 8 ha đất hoa màu để giải phóng mặt bằng với hy vọng sẽ được tái định cư trên đó. Nếu giải tỏa nhà cửa, họ sẽ có thêm một khoản tiền đền bù để tái thiết cuộc sống, thay vì ở lại khu phố nhếch nhác.

Năm 2023, trước kiến nghị người dân, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phương án giải tỏa mặt bằng để làm công viên Thạch Bích với tổng vốn gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 3/2024, UBND tỉnh lại đề nghị HĐND tỉnh cho tạm dừng triển khai công trình này do hụt thu tiền sử dụng đất khiến ngân sách khó khăn.

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho biết người dân bức xúc vì quy hoạch treo và lo ngại dự án Công viên Thạch Bích sẽ không tiếp tục triển khai và họ không được di dời. Tuy nhiên, ông Danh khẳng định công viên Thạch Bích vẫn tiếp tục thực hiện chứ không phải dừng.

“Do đây là dự án đầu tư công nên phải qua rất nhiều quy trình, thủ tục”, ông Danh nói và cho biết dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đến nay thành phố đã gửi tờ trình đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn; phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và dự toán chuẩn bị đầu tư; phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu…

Cũng theo lãnh đạo TP Quảng Ngãi, tháng 3/2025, thành phố sẽ ban hành thông báo thu hồi đất. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm kê, lập, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, tái định cư. Dự kiến trong năm 2025 hoàn thành việc bồi thường và tái định cư. Công viên Thạch Bích sẽ hoàn thành cuối năm 2028.

Phạm Linh


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: