Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
49 lượt xem

Ý nghĩa khẩu hiệu tranh cử của bà Harris

Khẩu hiệu “khi đấu tranh, ta chiến thắng” của bà Harris thúc giục cử tri “chiến đấu để giành thắng lợi”, đối phó với giọng điệu quyết liệt của ông Trump.

“Tôi chọn niềm vui bỏ phiếu cho Harris – Walz. Khi đấu tranh, ta chiến thắng! Tiến lên, nước Mỹ”, hàng nghìn người đã đăng trên Twitter thông điệp này sau khi ứng viên tổng thống Kamala Harris phát biểu kết thúc đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) ở Chicago đêm 22/8.

Đây là khẩu hiệu quen thuộc đã được bà Harris và phó tướng Tim Walz đề cập nhiều lần gần đây. Khi kết thúc bài phát biểu đầu tiên của mình tại DNC hôm 19/8, bà Harris cũng hô to “Khi đấu tranh”, còn đám đông cuồng nhiệt bên dưới đáp lời “Ta chiến thắng”.

Phát biểu trên sân khấu cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Jaime Harrison liên tục gật đầu với hàng người phía dưới để làm nóng đám đông. “Và tin tôi đi, khi đấu tranh, ta chiến thắng”, ông tuyên bố.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Trung tâm United, thành phố Chicago, bang Illinois, ngày 22/8. Ảnh: AFP

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Trung tâm United, thành phố Chicago, bang Illinois, ngày 22/8. Ảnh: AFP

Steve Kerr, huấn luyện viên trưởng đội bóng rổ Golden State Warriors, cũng kết thúc bài phát biểu của mình tại sự kiện bằng câu nói tương tự.

“Khi chúng ta chiến đấu, điều gì sẽ xảy ra?”, ông hỏi đám đông, những tiếng hô lớn quen thuộc đáp lại: “Và chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng”.

Harris không phải người nghĩ ra khẩu hiệu này. Nó đã có từ nhiều năm trước và bà chỉ mới sử dụng gần đây và nhanh chóng trở thành một trong những khẩu hiệu “bản sắc” của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

Harris đưa câu nói vào video tranh cử đầu tiên, bên cạnh giai điệu bài hát “Freedom” (Tự do) do nữ ca sĩ Beyoncé thể hiện. Phó tổng thống lặp lại nó khi kết thúc chuyến thăm đầu tiên đến trụ sở chiến dịch ở Wilmington, Delaware, để chào đón các nhân viên của Tổng thống Joe Biden chuyển sang làm việc cho bà. Và giờ đây, nó được viết bằng chữ in đậm lớn trên trang web chiến dịch tranh cử của bà.

Tất cả các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đều có xu hướng xoay quanh vài khẩu hiệu nhất định liên quan chặt chẽ tới ứng viên của họ. Khẩu hiệu chính trị đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước và chúng được chứng minh là có tác động mạnh mẽ đến cử tri Mỹ, góp phần định hình nên các cuộc bầu cử.

Năm 1840, William Henry Harrison đã sử dụng các biểu ngữ và ca khúc có câu hát “Tippecanoe và thêm Tyler nữa” nhằm ám chỉ đến phó tướng John Tyler của ông và việc ông giúp quân đội Mỹ chiến thắng trước liên minh bộ lạc trong trận Tippecanoe năm 1811.

Herbert Hoover giành chiến thắng cuộc đua Nhà Trắng năm 1928 bằng khẩu hiệu “mỗi nhà có một con gà trong nồi và một ôtô trong gara”. Hay khẩu hiệu đơn giản “tôi thích Ike” đã giúp tổng thống Dwight D. Eisenhower chiến thắng vang dội năm 1952. Ike là một biệt danh quen thuộc của ông.

Donald Trump được biết đến nhiều nhất với khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhưng đám đông ủng hộ ông thích hô vang những câu như “Khoan dầu đi em” hay “Xây tường biên giới”.

Mỗi khi Donald Trump đề cập đến đối thủ Hillary Clinton, đám đông ủng hộ ông lại hô lên “Nhốt bà ta lại”.

Các ứng viên đảng Dân chủ có xu hướng sử dụng những khẩu hiệu ôn hòa hơn. Bà Clinton đã quyết định dùng câu “Mạnh mẽ hơn khi cùng nhau” để vận động tranh cử năm 2016. Cựu tổng thống Obama trước đó dùng khẩu hiệu “Đúng, chúng ta có thể”.

Năm nay, bầu không khí tranh cử có phần quyết liệt hơn, khiến các khẩu hiệu chính trị cũng trở nên hừng hực hơn.

Sau khi bị ám sát hụt tháng trước, ông Trump đã giơ cao nắm đấm, hô khẩu hiệu “Chiến đấu”. Vài ngày sau, khi Trump xuất hiện tại đại hội đảng Cộng hòa, đám đông đã hô vang đầy cuồng nhiệt “Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu”.

Tại đại hội lần này, đảng Dân chủ có lẽ coi khẩu hiệu “khi đấu tranh, ta chiến thắng” là lời kêu gọi hành động toàn diện, thúc giục những người ủng hộ chung tay đoàn kết.

Greg Jobin-Leeds, đồng tác giả cuốn sách xuất bản năm 2016 với tựa đề Khi đấu tranh, chúng ta chiến thắng: Những phong trào xã hội thế kỷ 21 và những nhà hoạt động thay đổi thế giới, đã lần đầu sử dụng cụm từ này để mô tả về City Life/Vida Urbana, một tổ chức công lý xã hội, trụ sở tại Boston, có nguồn gốc từ các phong trào dân quyền và phản chiến. Xuyên suốt nhiều thập kỷ, họ đã sử dụng khẩu hiệu trên trong nỗ lực chống chủ nhà đuổi người thuê nhà.

Sau khi cuốn sách ra mắt, Jobin-Leeds đã thiết lập cảnh báo Google cho cụm từ “khi đấu tranh, ta chiến thắng” để theo dõi những cách sử dụng khác của nó. Tác giả này cho biết ông nhận nhiều cảnh báo Google hơn trong thời gian gần đây, cho thấy nó được sử dụng ngày càng phổ biến.

“Một phần cảm xúc đến từ việc chúng ta không phải lúc nào cũng đạt được những điều mình muốn khi đình công hay đấu tranh cho những quy định, dự luật, chính sách nhập cư… Nhưng bạn luôn chiến thắng chính mình khi bạn chiến đấu. Và nếu không chiến đấu mà chỉ an phận, bạn đã thua rồi”, Jobin-Leeds cho hay.

Sử dụng từ “ta”, khẩu hiệu mang đến cảm giác “chúng ta là một phần của tập thể đang chiến đấu vì mục tiêu chung”, ông giải thích.

“Bạn cần xây dựng một tập hợp ‘chúng ta’ trong cuộc chiến”, ông nói. “Dù đấu tranh cho quyền lợi của người thuê nhà hay mức lương thỏa đáng cho giáo viên, bạn đều phải xây dựng một ‘chúng ta’ thống nhất”.

Jobin-Leeds rất thích thú khi thấy bà Harris sử dụng khẩu hiệu này, nhưng cũng bất ngờ khi nó được dùng trong một chiến dịch tranh cử.

“Đây thường là khẩu hiệu của kẻ yếu thế, của người nhập cư hay người thuê nhà chứ không phải của tỷ phú”, ông cho hay.

Dù vậy, các đại biểu đảng Dân chủ đã nhanh chóng tiếp nhận, học thuộc và cùng hô vang nó, tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Deloris Rome Hudson, giáo viên nghỉ hưu ở Ohio, cho biết bà rất thích khẩu hiệu tranh của Phó tổng thống Harris.

“Để đạt được điều bạn muốn, bạn phải đấu tranh. Bạn phải có người ủng hộ mình để thành công. Đây chính là mục đích của việc này”, bà nhận xét.

Terry McAuliffe, cựu thống đốc Virginia, quan chức lâu năm đảng Dân chủ, gọi khẩu hiệu là “lời kêu gọi hành động hướng tới tầng lớp bình dân”.

“Mọi người đều đoàn kết và phấn chấn. Nhưng sẽ là một cuộc chiến khó khăn”, ông nói. “Khi chúng ta chiến đấu, mọi người đều phải chung tay. Chúng ta phải gõ cửa từng nhà, gọi điện thoại. Chúng ta không thể chủ quan trước bất cứ điều gì. Bởi vì họ cũng sẽ chiến đấu hết mình ở phía bên kia”.

“Nhưng cuộc chiến cũng tiếp thêm năng lượng cho mọi người”, McAuliffe nhấn mạnh. “Bạn không thể chỉ ngồi nhà và phàn nàn. Bạn muốn vào cuộc ư? Hãy chiến đấu. Gọi điện, gõ cửa từng nhà. Đó là ý nghĩa của khẩu hiệu”.

Ý nghĩa khẩu hiệu tranh cử kêu gọi 'đấu tranh' của bà Harris

Bà Harris phát biểu tại DNC hôm 19/8. Video: Facebook/Kamala Harris

Trước đây, khẩu hiệu này đã được sử dụng như một lời kêu gọi tập hợp trong phong trào lao động. Chính trị gia, nhà hoạt động nhân quyền Jesse Jackson dùng nó trong một cuộc biểu tình ở Wisconsin năm 2011. Nhà bình luận Van Jones đề cập đến nó trong một chuyên mục năm 2012. Và câu nói là chủ đề cho hội nghị toàn quốc của tổ chức nhân quyền NAACP năm 2019, sự kiện mà Phó tổng thống Harris cũng tham dự.

Harris đã sử dụng nhiều biến thể của từ “đấu tranh” trong cuộc đua Nhà Trắng năm 2020, nhưng khẩu hiệu chính trong chiến dịch của bà lúc đó là “vì người dân”.

Trong nhiệm kỳ phó tổng thống, Harris có thói quen kết thúc bài phát biểu bằng những cụm từ ngắn gọn về các nguyên tắc chung của đảng Dân chủ như tự do và bình đẳng, quyền sinh sản hay thương lượng tập thể. “Khi chúng ta biết mình đại diện cho điều gì thì chúng ta biết mình đấu tranh vì điều gì”, bà nói.

Theo thời gian, câu nói phát triển thành “khi đấu tranh, ta chiến thắng”. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, Harris bắt đầu sử dụng thường xuyên hơn khẩu hiệu mà về sau trở thành dấu ấn của bà.

“Chúng ta biết mình đại diện cho điều gì. Chúng ta biết khi chúng ta chiến đấu là chúng ta chiến thắng”, bà nói với khán giả tại Hội đồng Lao động Greater Boston tháng 9/2022.

Cũng trong tháng đó, Phó tổng thống tiếp tục lặp lại khẩu hiệu tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, khi vận động tranh cử ở Texas và Illinois hay khi phát biểu tại một buổi gây quỹ ở Minnesota cho Thống đốc Tim Walz, người hai năm sau sẽ trở thành phó tướng của bà trên đường đua Nhà Trắng.

Năm 2023, khẩu hiệu này trở thành câu nói quen thuộc của Harris khi đề cập đến quyền phá thai hay kiểm soát súng đạn. Bà hô vang nó tại các cuộc mít tinh ở Michigan, Wisconsin, Indianapolis hay Atlanta. Bà cũng sử dụng nó khi giới thiệu Walz là người đồng hành cùng mình.

Thống đốc Walz, trong video giới thiệu bản thân để tranh cử, kết luận rằng: “Như bà ấy nói, khi đấu tranh, chúng ta chiến thắng”.

Và vào tối 21/8, ông dùng nó làm cao trào cho bài phát biểu chấp nhận đề cử phó tổng thống khi hô hào cùng đám đông nhiệt thành.

“Như tổng thống tiếp theo của Mỹ luôn nói: Khi đấu tranh?”, Walz mở lời cho đám đông. Đám đông đồng thanh hô vang: “Ta chiến thắng”.

“Xin cảm ơn, Chúa phù hộ chúng ta”, phó tướng của bà Harris khép lại bài phát biểu.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: