Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
68 lượt xem

Người đàn ông nấu tô hủ tiếu ngon đến muỗng cuối cùng, nhiều khách quay lại ăn

Nhiều người đến quán hủ tiếu tại địa chỉ 168 đường Chòm Sao, P.Hưng Định. TP.Thuận An, Bình Dương hay thắc mắc “sao chủ quán là đàn ông mà nấu nướng nhanh gọn và ngon thế?”. Ấy là họ chưa biết rằng, anh Văn chủ quán từng nấu bếp trong quân ngũ và đạt danh hiệu chiến sĩ giỏi.

Nấu bếp trong quân ngũ

Anh Nguyễn Quốc Văn (quê ở xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) từng có thời gian phục vụ trong bếp ăn quân đội.

Người đàn ông nấu tô hủ tiếu ngon đến muỗng cuối cùng, nhiều khách quay lại ăn- Ảnh 1.

Quán hủ tiếu anh Văn với mái che khá rộng rãi

“Hồi đó ngày nào cũng vậy, tui và anh em lúi húi làm hoài. Nhiều bữa mỏi mệt nhưng thấy mọi người ăn ngon miệng khiến tụi tui vui lắm…”, anh nhớ lại. Văn học hỏi từ đồng đội và sách hướng dẫn chế biến món ăn để nâng cao kỹ năng nấu nướng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những món ăn do anh chế biến ngày càng ngon, được mọi người khen ngợi. Anh chăm chút từng món ăn hay chén nước mắm pha chanh, đường, ớt, tỏi.

Những ngày lễ, tết, nhiều người xuýt xoa khen ngợi khi thưởng thức những món ngon do anh và đồng đội chế biến.

Người đàn ông nấu tô hủ tiếu ngon đến muỗng cuối cùng, nhiều khách quay lại ăn- Ảnh 2.

Anh Văn đang múc hủ tiếu cho khách

“Hơn 20 năm trước, tôi và bạn Văn ở chung tại bếp ăn đơn vị. Văn siêng năng và sạch sẽ, tính cẩn thận, ham học hỏi nên nấu nướng giỏi lắm. Những món anh nấu ăn rất ngon. Bởi nấu ăn ngon nên Văn hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Đặng Việt Trì, một đồng đội của anh Văn thời trong quân ngũ, cho biết.

Giá bình dân nhưng ngon quá đỗi

Rời quân ngũ, anh Văn bươn chải nơi thị thành phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học. Sau đó, anh mua xe hủ tiếu của người quen và hàng ngày cặm cụi mưu sinh cạnh Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.

Thấy anh hiền lành, chí thú làm ăn, người con gái cùng quê đem lòng thương mến rồi họ nên duyên vợ chồng. Anh chị thuê trọ và bán hủ tiếu tại địa chỉ 168 đường Chòm Sao, P.Hưng Định. TP.Thuận An, Bình Dương vài năm nay.

Bởi vợ bận trông con nhỏ nên anh Văn khá bận rộn. Buổi sáng, anh cưỡi xe máy đến chợ mua thực phẩm: xương, giò, thịt, da heo… rồi mang về nhà trọ cặm cụi nấu nướng. Thùng nước lèo được xem là “linh hồn” của những tô hủ tiếu, mì, bánh canh… nên anh chăm chút khá kỹ lưỡng. Anh rửa xương và giò heo rồi cho vào thùng nước nấu khá lâu. Sau đó, anh nêm gia vị và cho vào ít đường phèn Quảng Ngãi. Loại đường này cho vào nước nấu xương và giò heo tạo vị ngọt thanh khi thưởng thức. Anh rửa sạch thịt và da heo rồi cho vào luộc trong thùng nước lèo sôi sùng sục trên bếp. Hồi lâu, anh vớt xương, giò, thịt và da ra ngoài, khi đã chín và ngấm đều gia vị thơm ngon.

Người đàn ông nấu tô hủ tiếu ngon đến muỗng cuối cùng, nhiều khách quay lại ăn- Ảnh 3.

Thực khách thưởng thức hủ tiếu của anh Văn

Anh Văn đã tự tay làm ớt sa tế, tỏi ngâm giấm để giảm chi phí và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoành thánh được chế biến khá công phu nên nhiều người ngợi khen khi thưởng thức. Thịt heo cả nạc lẫn mỡ được xay nhuyễn trông thật tươi tắn. Anh lấy đầu hành (phần gốc hành lá) rửa sạch, xắt nhỏ và cho vào thịt cùng gia vị rồi bằm nhuyễn, tỏa hương thơm lừng. Những viên thịt nhỏ nhắn được gói gọn trong lớp da hoành thánh mềm mại trước khi cho vào nước sôi trụng chín rồi vớt ra tô. “Thực phẩm phải tươi và khi chế biến phải sạch sẽ thì mới ngon. Nước lèo phải nêm đường phèn và gia vị đúng thời điểm…”, anh Văn tâm sự.

Tầm 4 giờ chiều, anh đẩy xe hủ tiếu ra phía trước đứng bán đến giữa đêm. Khách vào quán có mái che khá rộng rãi, ngắm nhìn xe cộ ngược xuôi trên đường. Anh Văn mở nắp thùng, nước lèo tỏa hương thơm lan theo gió vờn bay. Anh nhanh tay trụng hủ tiếu cùng giá đỗ rồi cho ra tô khá thuần thục. Tiếp đến, cho ít nước mỡ lên trên rồi dùng đũa đảo nhanh, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Anh cho thịt heo xắt mỏng, giò, bò viên xắt lát hay hoành thánh… vào tô theo yêu cầu của khách. Sau đó là rau thơm xắt nhỏ, đầu hành trụng chín tái rồi múc nước lèo vào tô, rắc ít hành phi và tiêu xay nhuyễn lên trên.

Hơi nóng đưa hương thơm lên mũi như gọi mời. Người ăn có thể vắt tí nước cốt chanh, thêm vài lát ớt xắt mỏng theo sở thích của mình. Khách đến đây có thể ăn hủ tiếu, hủ tiếu mì, mì hoành thánh, hủ tiếu bò viên, bánh canh, trứng vịt lộn… Mỗi tô được bán với giá 20.000 đồng, phù hợp với người lao động thu nhập thấp. Và theo yêu cầu của khách hàng, anh có thể bán với giá cao hoặc thấp hơn. “Em hay đến đây ăn vì hủ tiếu ngon và giá rẻ, phù hợp với túi tiền của công nhân tụi em”, anh Nguyễn Văn Nam, một công nhân đang làm việc tại Bình Dương, tâm sự.

Người đàn ông nấu tô hủ tiếu ngon đến muỗng cuối cùng, nhiều khách quay lại ăn- Ảnh 4.

Tô hủ tiếu tỏa hương thơm ngào ngạt

Đón tô tủ tiếu từ tay anh Văn, tôi len lén hít mùi thơm từ làn hơi nóng vờn bay trước mặt. Vắt nhẹ miếng chanh, gắp vài lát ớt xắt mỏng nhúng vào nước lèo trong veo rồi chậm rãi ăn và ngắm nắng chiều rơi trên phố. Sợi hủ tiếu dai, giá đỗ giòn và da heo sần sật vô cùng thích thú. Nhai đầu hành chín tái với hương nồng nàn cùng vị ngọt hậu lưu trong cổ họng. Thịt bám vào xương ngọt mềm. Cắn viên hoành thánh khiến lớp vỏ bọc bên ngoài vỡ ra, vị ngọt từ thịt lẫn mặn mà của muối quyện với cay dịu của tiêu ùa vào miệng. Húp muỗng nước lèo cho đủ đầy hương vị, quá đỗi là ngon!

Tôi tự nhủ rằng, sẽ quay lại nơi này để được thưởng thức tô hủ tiếu thơm ngon đến tận muỗng nước lèo cuối cùng.


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: info@Baoangiang.com hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: