Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
70 lượt xem

Chế độ ăn uống sau xạ trị ung thư

Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất như protein, chất béo thiết yếu, vitamin và khoáng chất, giúp người bệnh ung thư nhanh hồi phục.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp từ thời điểm phát hiện ung thư và trong suốt quá trình điều trị. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp người bệnh duy trì sức khỏe, giữ cân nặng ổn định, tăng sức đề kháng, nhanh hồi phục sau quá trình điều trị.

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư nhằm thu nhỏ và tiêu diệt các tế bào ung thư gây bệnh. BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy theo khu vực xạ trị và liều xạ trị, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ khác nhau ảnh hưởng đến việc ăn uống. Chẳng hạn như xạ trị ở vùng đầu cổ có thể gây chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, đau miệng, nuốt khó, nuốt đau… Xạ trị vào vùng bụng, chậu hoặc trực tràng có thể dẫn đến buồn nôn, nôn, viêm ruột, tiêu chảy… Các tác dụng phụ này có thể bắt đầu sau xạ trị khoảng 2-3 tuần và kéo dài đến vài tuần sau khi kết thúc điều trị.

Xạ trị ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của người bệnh, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng, mệt mỏi, yếu sức và giảm sức đề kháng. Bác sĩ Thanh gợi ý một số loại thực phẩm chứa các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh, nhất là sau xạ trị, cụ thể:

Protein (đạm) giúp duy trì khối cơ, sửa chữa các mô cơ thể, duy trì hệ thống miễn dịch. Các nguồn chất đạm tốt được khuyến khích gồm thịt nạc, thịt gia cầm, cá, sữa, các sản phẩm từ sữa như phô mai, phô mai tươi, trứng, các loại đậu và thực phẩm từ đậu nành.

Chất béo không bão hòa hỗ trợ chống lại tình trạng viêm, sửa chữa, thay thế các mô tổn thương. Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa gồm cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu chứa nhiều omega-3; dầu ô liu; quả bơ; các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt macca…

Bữa ăn dành cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bữa ăn dành cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh táo bón, đầy hơi. Các loại rau, củ, quả đều chứa nhiều chất xơ. Chất xơ cũng có trong ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch…

Vitamin, khoáng chất có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, rau, củ, quả tươi. Rau củ tươi như bông cải xanh, ớt chuông có nhiều vitamin C hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Rau củ và trái cây tươi nhiều chất chống oxy hóa, chống viêm, phù hợp cho người bệnh đã xạ trị.

Uống nhiều nước, người bệnh nên uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày nhằm ngăn ngừa tình trạng mất nước. Bổ sung sữa dành riêng cho người bệnh ung thư, nước ép trái cây… để tăng cường sức đề kháng.

Tùy vào từng cá thể mà chế độ ăn uống sẽ khác nhau. Người bệnh và gia đình cần chủ động trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn phù hợp, từ đó giúp nâng cao sức khỏe và hiệu quả điều trị.

Nguyễn Trăm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: