Như Tuổi Trẻ Online thông tin, trong thông tư ban hành ngày 8-7-2024, Cơ quan Thực phẩm nhà nước Singapore (SFA) đã phê duyệt 16 loài côn trùng ăn được cho việc bán và tiêu thụ trong nước.
Các loại côn trùng và sản phẩm từ côn trùng được cho phép sẽ có thể được dùng như thực phẩm cho con người hoặc thức ăn cho các động vật nuôi lấy thịt.
Dưới đây là chia sẻ của tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam.
Không phải côn trùng nào cũng có thể lên bàn ăn
Tôi ủng hộ cách làm của Singapore phê duyệt 16 loài côn trùng ăn được cho việc bán và tiêu thụ trong nước.
Về giá trị dinh dưỡng, côn trùng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng. Chúng có hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất (đồng, sắt, magiê, mangan, phốt pho, selen và kẽm).
Ngoài ra, nhiều loài côn trùng trong số đó chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, là nguồn cung protein cao và bền vững.
Một số loài côn trùng đã được nghiên cứu ở Việt Nam đều cho thấy trong thành phần sinh hóa có những axit amin không thay thế, rất có ích cho cơ thể con người.
Dù côn trùng có rất nhiều lợi ích nhưng không phải loài côn trùng nào cũng có thể mang lên bàn ăn. Chưa kể, với một số người Việt, việc sử dụng côn trùng như một nguồn thực phẩm có thể sẽ khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của chúng, không dám ăn.
Do đó khi chế biến thức ăn bằng côn trùng, chúng ta cần phải có quy trình xử lý đảm bảo. Phải nấu chín trước khi ăn để tiêu diệt mọi tác nhân gây bệnh mà chúng có thể mang để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.
Tuy nhiên chỉ nên coi đây là thức ăn thêm chứ không phải thức ăn chính. Bởi cũng tùy cơ địa con người, có người ăn dễ bị dị ứng, như ăn nhộng tằm.
Làm gì để yên tâm dùng côn trùng?
Dù còn một số ý kiến băn khoăn, nhưng tôi tin tưởng rằng Singapore đã có quá trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đã trải qua nhiều thử nghiệm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân mới có thể ban hành quy định trên.
Ở Việt Nam, nếu chúng ta xây dựng một khuôn khổ quản lý côn trùng, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ như Singapore thì có khi còn làm tốt hơn Singapore.
Để người Việt yên tâm dùng côn trùng, theo tôi việc đầu tiên là các đơn vị kinh doanh thực phẩm này cần có tài liệu chứng minh rằng nguồn côn trùng được nuôi trong các cơ sở do các cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Bên cạnh đó, các loài côn trùng không có trong danh sách được phê duyệt phải trải qua quá trình đánh giá để đảm bảo chúng an toàn khi tiêu thụ.
Về đơn vị cung cấp, các đơn vị kinh doanh thực phẩm côn trùng hoặc đóng gói có chứa côn trùng cũng phải dán nhãn bao bì ghi rõ thành phần theo quy định, đồng thời chịu sự kiểm tra và giám sát của Bộ Y tế, bao gồm cả việc lấy mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm…
Một lưu ý thêm là những sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm sẽ không được phép bán.
Hy vọng rằng chính sách mới này sẽ là một minh chứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp côn trùng ở Singapore nói riêng và thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nếu Singapore thực hiện thành công với chiến lược phát triển này thì chắc chắn nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ học tập mô hình này.
Côn trùng làm thực phẩm: ký ức ùa về
Đọc câu chuyện đảo quốc Singapore chấp nhận việc sử dụng khoảng 16 loại côn trùng làm thực phẩm tiêu dùng, trong đó gồm nhiều loài dế, châu chấu và nhộng, ký ức trong tôi ùa về.
Ngày niên thiếu, tôi cũng được bà nội cho ăn một số loại côn trùng. Nhưng chỉ vài con mà bà bắt được khi đi làm ruộng như châu chấu.
Quê tôi có bãi doi ven bờ sông, nước lụt mang phù sa về bãi. Cày, bừa trồng cây dâu lấy lá cho tằm ăn, gieo hạt cải, trồng bí ngô (bí đỏ), gieo hạt ngô (bắp), tất cả tốt bời bời mà không cần bón phân gì.
Mỗi mùa nước lụt, nước ngập hang dế (quê tôi gọi là con điến), con dế bị ngợp nước, chui ra khỏi hang, bơi và leo lên cây dâu.
Tôi và ông nội cùng dân làng chèo thuyền ra bãi dâu và chỉ việc rung cây dâu để dế rơi xuống lòng thuyền. Tôi xúc dế cho vô nồi đất và đậy cái rổ lên. Dế đầy vài cái nồi thì về.
Bà nội bắc nồi đất có dế lên bếp lửa. Ông nội nhâm nhi ly rượu. Dế rang lá chanh bùi, ngọt, thơm lắm thôi.
Riêng con nhộng tằm rang lá chanh tôi ăn đã nhiều lần, nhưng thấy không ngon bằng thịt dế.
Bạn đọc Phạm Thiết Hùng
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!