Người bệnh điều trị hồi sức tích cực (ICU) kéo dài thường suy đa chức năng, đa tạng, khó phục hồi hoàn toàn, cần tập phục hồi chức năng sớm để cải thiện.
GS.TS Dale Needham, Giám đốc chương trình chăm sóc tích cực và phục hồi chức năng, Bệnh viện trường Đại học John Hopkins, Mỹ, cho biết như trên ở Hội nghị quốc tế thường niên “Vận động sớm và Phục hồi chức năng trong ICU” lần thứ 8 khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ICURehab 2024) diễn ra tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong hai ngày 24-25/8.
ICU – Hồi sức tích cực, được chỉ định cho bệnh nhân nguy kịch hoặc bệnh có nguy cơ trở nặng như suy đa tạng, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, sốc tim, viêm phổi nặng, xẹp phổi, xuất huyết tiêu hóa nặng, hôn mê gan, suy thận cấp, người bệnh tiểu đường hôn mê… Các trường hợp chấn thương, đuối nước, điện giật, sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc, tùy tình trạng bệnh lý, cũng phải điều trị ICU.
Lý giải điều này, GS Needham nói rằng người bệnh nằm ICU thường cần sự hỗ trợ của máy thở và các tình trạng khác, khả năng ảnh hưởng chức năng hô hấp, vận động, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể.
“Trung bình mỗi tuần nằm ICU, người bệnh mất 4-5% khối lượng cơ, yếu cơ, giảm 13-16% chức năng các tạng, suy đa tạng”, ông Needham cho biết, thêm rằng khoảng 50% người bệnh nằm ICU trong 12 tháng khó trở lại làm việc như bình thường.
Để hạn chế những ảnh hưởng trên, các bác sĩ cho rằng tiến hành tập phục hồi chức năng sớm sẽ tăng cơ hội bình phục cho người bệnh. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là bệnh nhân ICU chưa được chú trọng tập vận động, vật lý trị liệu sớm khi vừa qua giai đoạn nguy kịch, theo ThS Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, Kỹ thuật viên Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Trên thực tế, bệnh nhân nên được cân nhắc tập phục hồi chức năng sớm khi vừa tỉnh lại, có thể vẫn còn nằm trên giường ICU, giúp giảm đau, hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian điều trị. Khi ấy, hiệu quả điều trị bền vững kéo dài hơn, bệnh nhân giảm nguy cơ tái điều trị. Tập phục hồi chức năng phù hợp làm giảm các biến chứng như xẹp phổi, teo cơ, loét tì đè, biến chứng nghiêm trọng về hô hấp, tim mạch…
“Tập phục hồi chức năng sớm có thể giảm 30% nguy cơ biến chứng, tử vong, thời gian nằm viện ICU, tăng 30% cơ hội hồi phục”, ThS Trần Văn Dần nói.
Phục hồi chức năng trong ICU cần kết hợp giữa tập hô hấp, vận động và các chức năng khác bao gồm hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, công nghệ dụng cụ trợ giúp. Ví dụ, với phục hồi chức năng giao tiếp và nuốt ở người bệnh ICU mở khí quản, Tiến sĩ Charissa, Đại học Melbourn (Australia), cho biết ngôn ngữ trị liệu giúp tái định hướng lại luồng khí của người bệnh nhân, thúc đẩy tái nhạy cảm hóa vùng thanh quản, cải thiện chức năng sử dụng dây thanh, khả năng tự bảo vệ đường thở và nuốt. Đồng thời, cải thiện cách bệnh nhân xử lý dịch tiết, cách nói chuyện, ho, hỗ trợ cai ống và ăn qua đường miệng, giúp bệnh nhân bày tỏ nhu cầu.
Tuy vậy, các chuyên gia cho biết trước khi tập phục hồi chức năng sớm trong ICU, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần được đánh giá khả năng đáp ứng tập luyện với sự hội chẩn của đa chuyên khoa liên quan. Trong suốt quá trình tập, người bệnh cần được kiểm tra, điều chỉnh mức độ tập phù hợp hằng ngày. Bài tập có thể từ đơn giản đến nâng cao, tập tại giường với các động tác cơ bản, tập tay, tập gậy, tập cử động chân có kháng lực, thậm chí chơi game giúp cải thiện các chức năng phối hợp. Các chương trình tập với thiết bị, máy móc chuyên dụng được triển khai với sự phối hợp giữa các chuyên gia ICU và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu.
Theo ThS Trần Văn Dần, hiện có các kỹ thuật, thiết bị, máy móc chuyên dụng từ cơ bản đến nâng cao trong phục hồi chức năng đa ngành như máy tập thụ động CPM ngay trên giường bệnh, máy vỗ rung tập cho vận động và hô hấp, máy điện xung điều trị 62 dòng, máy laser công suất cao, radio trúng đích…
Sau khi hồi phục, rời khỏi ICU, người bệnh tiếp tục được tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu với các chương trình tập cá nhân hóa và các thiết bị chuyên dụng. Bác sĩ sẽ theo sát quá trình, thay đổi kịp thời giúp bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất.
Hội nghị quốc tế thường niên “Vận động sớm và Phục hồi chức năng trong ICU” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, thu hút gần 300 diễn giả, chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước.
Phi Hồng – Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!