Người bị ngộ độc thực phẩm nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bù điện giải, sử dụng men vi sinh để đường ruột nhanh hồi phục, giảm đau bụng.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh bị trúng độc do ăn, uống các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, chứa các chất bảo quản, chất phụ gia vượt quá liều lượng cho phép, nguồn nước nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
ThS.BS.CKI Võ Tuấn Phong, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ kể từ khi cơ thể tiếp nhận thực phẩm hỏng. Cũng có trường hợp xảy ra sau 1-2 ngày, khi đường ruột tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm.
Đau bụng quặn từng cơn, nôn ói, tiêu chảy, sốt, buồn nôn, đau đầu, xây xẩm là triệu chứng thường gặp khi ngộ độc, do niêm mạc đường tiêu hóa bị kích thích bởi tác nhân ngộ độc. Đau bụng do ngộ độc là tình trạng cấp tính, xảy ra đột ngột và biến mất trong một thời gian ngắn, thường không quá một tuần. Bác sĩ Phong gợi ý cách giảm triệu chứng đau bụng do ngộ độc thực phẩm dưới đây.
Bổ sung nước đầy đủ: Ưu tiên bù nước và điện giải để ngăn ngừa mất nước. Nước có thể là nước lọc, nước ép trái cây, nước chứa điện giải. Cần pha nước điện giải đúng cách theo hướng dẫn hoặc pha một thìa cà phê muối ăn và 8 thìa cà phê đường trong một lít nước đun sôi để nguội. Trẻ em, người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, tiêu chảy nặng nên cân nhắc uống dung dịch oresol, hydrite…
Sử dụng men tiêu hóa: Men vi sinh hay probiotic giúp cải thiện và tăng cường hệ miễn dịch đường ruột, giảm đau bụng, cân bằng hệ vi sinh đường ruột sau khi ngộ độc thực phẩm.
Ưu tiên thức ăn nhạt: Người bệnh ăn các món nhạt, ít chất béo giúp đường ruột mau chóng hồi phục, giảm đau bụng, nôn ói. Không có chế độ ăn riêng biệt cho người bị ngộ độc thực phẩm, song người bệnh nên hạn chế thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chế biến bên ngoài hàng quán và chứa nhiều muối. Ăn uống đầy đủ chất nhằm đảm bảo dinh dưỡng khi nôn ói cải thiện.
Người bệnh tránh thức ăn nhanh; không uống cà phê, nước ngọt, nước ép trái cây quá ngọt hay quá chua, sữa và các sản phẩm chứa đường lactose nếu không dung nạp với lactose.
Uống trà gừng nóng: Trà gừng hỗ trợ giảm các cơn đau bụng, làm dịu dạ dày, ngăn ngừa tình trạng nôn ói.
Nghỉ ngơi: Người bị ngộ độc thực phẩm thường nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, đau bụng… nên dễ mệt mỏi, ăn uống kém. Nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng giúp nhanh hồi phục sức khỏe.
Khi đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà không hiệu quả, người bệnh nên đi khám để điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng hơn. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Tuấn Phong cho biết đau bụng do ngộ độc thực phẩm và đau bụng do các bệnh dạ dày khác nhau. Các bệnh viêm dạ dày ruột do siêu vi thường biểu hiện trong 12-48 giờ. Còn các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường phát triển nhanh hơn, chủ yếu trong vòng 6 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm bệnh.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!