
Các nạn nhân tại trung tâm lừa đảo ở biên giới Thái Lan – Myanmar sau chiến dịch truy quét đa quốc gia nhắm vào các khu phức hợp do các băng nhóm tội phạm điều hành, ảnh chụp hồi tháng 2-2025 – Ảnh: REUTERS
Ngày 15-5 tại họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật công tác bảo hộ công dân bị trục xuất từ Myanmar về nước đến nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết:
“Liên quan đến vụ việc công dân Việt Nam vi phạm quy định xuất nhập cảnh và bị tạm giữ tại Myanmar, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến ngày 15-5, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các cơ quan liên quan trong nước và các cơ quan chức năng sở tại đưa hơn 450 công dân về nước an toàn”.
Bà Hằng cũng cho biết Bộ Ngoại giao đang tích cực làm việc với các quốc gia liên quan, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại và các cơ quan chức năng trong nước tổ chức đưa những công dân còn lại về nước trong thời gian sớm nhất.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào ra nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao”.
“Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung, chế độ, địa điểm dự kiến làm việc để tránh sa vào các ‘bẫy’ lừa đảo, trở thành người cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài”, bà nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin Bộ Ngoại giao nhận được, hiện còn khoảng 200 công dân Việt Nam nữa đang chờ được hồi hương.
Thời gian qua, truyền thông quốc tế đưa tin về các trung tâm lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á. Ước tính hàng trăm ngàn người từ Đông Nam Á và những nơi khác như Trung Quốc đã bị đưa sang làm việc tại các trung tâm như vậy ở Myanmar, Campuchia, Lào.
Một số quốc gia trong khu vực đã tăng cường các nỗ lực để triệt phá các trung tâm này. Hồi tháng 2, Myanmar thông báo từ đầu năm đã giải cứu khoảng 7.000 người nước ngoài khỏi các ổ lừa đảo trực tuyến.
Trường hợp công dân, người thân của công dân ở Myanmar cần giúp đỡ, đề nghị liên hệ:
– Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, số điện thoại +95 966088 8998, email: [email protected]; Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan: +66 8989 666 53, email: [email protected].
– Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; email: [email protected].
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!